Tình hình kinh tế - xã hội đất nước khởi sắc với nhiều điểm sáng

Trong hai ngày 23 và 24-10, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 -2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Các đại biểu tổ 4 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Phương Thảo

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, có nhiều điểm sáng trong việc điều hành nền kinh tế đất nước của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Mặc dù còn những hạn chế, khó khăn và trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, song chúng ta đã kiểm soát tốt lạm phát, ổn định vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung chỉ đạo phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực mới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên...

Các đại biểu cũng bày tỏ vui mừng khi ước tính cả năm 2018 chúng ta sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt; tin tưởng rằng với kết quả đạt được, chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020. Đại biểu Thuận Hữu (TP Hải Phòng) khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 ở nước ta đã có nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, bức tranh kinh tế đất nước có những chuyển biến lớn, chuyển dịch đúng hướng. Nhiều chỉ tiêu kinh tế Quốc hội giao tính đến cuối năm có khả năng đạt và vượt, tạo được những điểm nhấn ấn tượng. Đặc biệt, có những chỉ tiêu mà suốt nhiều năm qua không thể đạt được, thì năm nay đã đạt và vượt, tạo đà phát triển cho những năm về sau.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu TP Hải phòng, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, bức tranh kinh tế đất nước thực sự ngày càng "sáng" hơn, đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Quy mô phát triển kinh tế ngày càng lớn, chính sách kinh tế vĩ mô ngày càng rõ, các chính sách đầu tư công ngày càng tốt hơn, chính sách an sinh xã hội ngày càng ổn định. Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa, đối ngoại, quốc phòng - an ninh đang phát triển đúng hướng.

Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, nổi lên những vấn đề “nóng” về văn hóa, tình trạng thừa - thiếu giáo viên, tiêu cực trong thi cử, tội phạm phát sinh trong xã hội, cải cách thủ tục hành chính... Đề nghị Chính phủ tiếp tục các chính sách nâng cao hiệu quả đầu tư công; quan tâm đến ổn định trật tự, an toàn xã hội; củng cố nền tảng văn hóa truyền thống, giáo dục lớp trẻ; quản lý tốt mạng xã hội… Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) và đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) cho rằng cần quan tâm, nhận định tình hình kinh tế thế giới, đánh giá rõ hơn về căng thẳng thương mại giữa các nước lớn; đồng thời quan tâm cải cách tiền lương; thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia hiệu quả hơn vào công nghiệp hỗ trợ, siết chặt quản lý tín dụng đen... Đồng thời băn khoăn khi có nhiều quyết định vẫn “trói” doanh nghiệp và gây khó dễ cho người dân; nhiều luật có sự mâu thuẫn, chồng chéo...

Trước những băn khoăn của đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thực tế vẫn tồn tại rất nhiều văn bản pháp luật chồng chéo, làm khó doanh nghiệp và người dân, Chính phủ cố gắng tháo gỡ những ràng buộc cho sự phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, vì vậy cần quyết tâm thảo gỡ vướng mắc để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, cố gắng phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp từ người dân và tiếp tục thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên kết hai khối kinh tế để cùng phát triển.

Phương Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-dat-nuoc-khoi-sac-voi-nhieu-diem-sang/