Tình hình kinh doanh của Traphaco trong năm 2020 ra sao?

Mới đây, trong cơ cấu doanh thu quý III của Công ty cổ phần dược Traphaco có thêm sản phẩm mới: trà thảo dược Traphaco Boganic. Gia nhập thị trường 3 tỷ USD mỗi năm, ông lớn dược phẩm này có toan tính gì?

Bức tranh kinh doanh quý III/2020

Công ty cổ phần Traphaco (mã TRA) cho biết, quý III/2020, doanh thu thuần của công ty ước đạt 459 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 46% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, TRA ước đạt 1.307 tỷ đồng doanh thu, 141 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 12% và 31% so với cùng kỳ năm 2019.

Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ quý III tăng 235% và lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 156% so với cùng kỳ. Như vậy, so với kế hoạch năm 2020, TRA đã đạt 65% kế hoạch doanh thu và 78% kế hoạch lợi nhuận.

Mới đây, trong cơ cấu doanh thu quý III của Công ty cổ phần dược Traphaco có thêm sản phẩm mới: trà thảo dược Traphaco Boganic. Gia nhập thị trường 3 tỷ USD mỗi năm, ông lớn dược phẩm này có toan tính gì?

Sau 2 năm chuẩn bị, sản phẩm nước uống đóng chai này ra đời và được quảng cáo là vừa có tác dụng giải khát, vừa chữa bệnh và được phân phối tại hơn 20.000 nhà thuốc bán lẻ trên toàn quốc, bên cạnh các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

Được biết, Traphaco là thương hiệu hàng đầu trong ngành dược phẩm, chiếm gần 50% thị phần các sản phẩm có công dụng bổ gan. Nhưng do quy mô thị trường có tính cô đặc, cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nên mặc dù chiếm thị phần lớn, Traphaco đã nhiều năm không tăng trưởng dù đã thử rất nhiều giải pháp. Sản phẩm trà thảo dược ra đời được kỳ vọng sẽ tạo ra sân chơi mới cho công ty.

Traphaco và những bê bối kinh doanh

Năm 2014, Công ty Traphaco liên tiếp gặp phải bê bối do có chiều hướng quảng cáo thái quá và nâng sản phẩm lên thành "thần dược".

Ngày 23/4/2014, Đội quản lý thị trường số 14 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) đã tạm thu trên 52.000 hộp thuốc Boganic của Công ty Cổ phần Traphaco do có dấu hiệu vi phạm ghi dược liệu trên nhãn hàng khác với thực tế.

Tại thời điểm kiểm tra cơ sở sản xuất ở ngõ 15 đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì (Hà Nội), doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, lãnh đạo Công ty xuất trình được giấy phép hoạt động sản xuất, kinh doanh và các chứng từ liên quan.

Tuy vậy, lực lượng chức năng kiểm tra tại kho chứa thành phẩm đã phát hiện cùng sản phẩm Boganic có 2 nhãn hàng ghi thành phần không giống nhau.

Một nhãn hàng có ghi cao Atiso, cao Biển súc, cao Bìm bìm và tá dược. Một nhãn hàng khác ghi các thành phần gần tương tự như trên nhưng thay cao Biển súc bằng Rau đắng đất.

Theo khai nhận của công ty, mặc dù thành phần thuốc ghi khác nhau nhưng thực tế sản phẩm này cùng một nhãn hàng. Khi thu mua nguyên liệu sản xuất, người dân gọi rau Đắng đất là rau Biển súc nên Công ty ghi theo cách gọi của người dân.

Tất cả thành phẩm sản xuất từ năm 2013 đều ghi thành phần có rau Biển súc nhưng từ ngày 2/1/2014, Công ty ghi lại thành phần là rau Đắng đất.

Tuy vậy, lực lượng quản lý thị trường phát hiện tại lô sản phẩm 320 sản xuất ngày 3/1/2014 vẫn ghi thành phần rau Biển súc. Lực lượng chức năng quyết định tạm thu 45.428 hộp Boganic (mỗi hộp 5 vỉ, mỗi vỉ 10 viên) tại kho hàng trên.

Mở rộng kiểm tra quầy thuốc 207 Trung tâm phân phối dược và thiết bị y tế Hapu (đại lý của Công ty) tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, lực lượng chức năng tiếp tục thu giữ 6.734 hộp có dấu hiệu vi phạm tương tự.

Hay một bê bối khác vào năm 2013, thực phẩm chức năng ANTOT-IQ của Công ty Cổ phần Traphaco đã bị ông Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VFA) – Chủ tịch hiệp Hội Thực phẩm chức năng Việt Nam "tố" bán sản phẩm gây ngộ độc cho cháu trai mình.

Theo đó, ông Đáng cho rằng, ANTOT-IQ của Công ty Traphaco là thực phẩm giả về chất lượng. Vì theo thông tin trong tờ rơi hộp sản phẩm nêu ANTOT-IQ có chứa 20 acid amin cùng rất nhiều các khoáng chất như: Canxi, Đồng, Sắt, Magie, Phospho, Lưu huỳnh, Kali và các vitamin, nhất là các vitamin nhóm B.

Cũng theo ông Đáng, những quảng cáo của Traphaco là sai so với công bố trong hồ sơ tại Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế như thế là thiếu trung thực.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội này, Traphaco thiếu sự công bố về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu. Theo đó,công dụng sản phẩm, nội dung giữa công bố trong Hồ sơ tại Cục ATTP và nhãn sản phẩm, tờ rơi trong hộp là không thống nhất. Sự khác nhau theo chiều hướng quảng cáo thái quá cho sản phẩm, nâng sản phẩm lên như một "thần dược".

Sản phẩm ANTOT-IQ của Traphaco.

Sản phẩm ANTOT-IQ của Traphaco.

Về đối tượng sử dụng sản phẩm, trong hồ sơ công bố tại Cục ATTP thể hiện rõ là trẻ em thanh thiếu niên trong thời kỳ tăng trưởng và phát triển chiều cao có biểu hiện biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng; trẻ kém tập trung, chậm phát triển về trí tuệ; trẻ đang trong thời kỳ dưỡng bệnh; Người làm việc quá sức, người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, người gầy yếu, xanh xao, mệt mỏi, sút cân, ăn kém, ngủ kém …

Nhưng nhãn của vỏ hộp và tờ rơi in trong hộp sản phẩm lại ghi có thêm đối tượng là trẻ em biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, trẻ kém tập trung, trẻ đang trong thời kỳ dưỡng bệnh và phụ nữ trong thời kỳ mang thai, cho con bú.

Điều này nhằm mục đích đánh lừa người tiêu dùng, làm tăng phạm vi sử dụng sản phẩm cho các đối tượng đang rất phổ biến trong cuộc sống.

Sau đó, Cục ATTP qua kiểm tra đã phát hiện Công ty Traphaco ghi nhãn sản phẩm và tờ hướng dẫn sử dụng trong hộp sản phẩm có một số nội dung chưa hoàn toàn phù hợp với hồ sơ công bố và có lỗi soạn thảo ghi thừa chữ acid đối với chất Cholin.

Với các vi phạm này, Cục ATTP đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty cổ phần Traphaco số tiền 25 triệu đồng.

Mới đây nhất, vào tháng 9/2019, Cục Thuế TP Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Traphaco (địa chỉ trụ sở tại 75 Yên Ninh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội). Người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc Trần Túc Mã.

Theo quyết định xử phạt, Traphaco đã khai sai dẫn đến tăng số tiền thuế được hoàn, thiếu số thuế phải nộp nhưng người nộp thuế đã ghi chép kịp thời, đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ.

Bên cạnh đó, công ty còn khai sai các chỉ tiêu trên hồ sơ khai thuế nhưng không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp theo quy định.

Ngoài ra, Traphaco còn sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, chứng từ; hóa đơn không có giá trị sử dụng để kê khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền được miễn giảm.

Với các hành vi trên, Công ty CP Traphaco đã bị ngành thuế Hà Nội xử phạt, truy thu, nộp tiền chậm nộp tổng số tiền 922 triệu đồng.

Bảo Khánh (T/h)

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/tinh-hinh-kinh-doanh-cua-traphaco-trong-nam-2020-ra-sao-304360.htm