Tình hình Israel-Palestine: Phía đợi chờ, bên tìm kiếm

Trong khi người Israel chờ đợi số phận ông Benjamin Netanyahu, người Palestine lại tìm câu trả lời cho xung đột Israel-Palestine từ thế hệ trẻ của mình.

Ngày 1/6, trang nhất báo in và báo điện tử tại Israel tràn ngập các thông tin, bình luận về số phận của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất của quốc gia này.

Tối hôm đó, lãnh đạo phe đối lập đã thỏa thuận về thành lập một liên minh, kết thúc nhiệm kỳ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu sau 12 năm cầm quyền.

Đêm ngày 2/6 sẽ là hạn chót để họ chốt kế hoạch thành lập chính phủ liên minh, trước khi trình Knesset (Quốc hội Israel) phê chuẩn vào hôm sau.

Đợi chờ thay đổi

Với người Do Thái, sự ra đi của ông Netanyahu sẽ là thời khắc mang tính bước ngoặt, chấm dứt hơn 1 thập niên cầm quyền của chính trị gia có ảnh hưởng đậm nét trong lịch sử đất nước Israel.

Song với người Palestine, cột mốc này có thực sự quan trọng? Câu trả lời là không hẳn.

Người Palestine cho rằng việc ông Naftali Bennett làm Thủ tướng Israel sẽ không mang tới nhiều thay đổi cho tình hình xung đột Israel-Palestine. (Nguồn: Flash90)

Người Palestine cho rằng việc ông Naftali Bennett làm Thủ tướng Israel sẽ không mang tới nhiều thay đổi cho tình hình xung đột Israel-Palestine. (Nguồn: Flash90)

Trên Al-Quds, trang thông tin phổ biến của người Palestine ở khu Bờ Tây, câu chuyện về ông Netanyahu chỉ xuất hiện trên trang thứ 7.

Với họ, sự ra đi của ông Netanyahu chẳng để lại gì ngoài những ký ức cay đắng. Trong 12 năm nhà lãnh đạo này cầm quyền, tiến trình hòa bình Israel-Palestine không đạt được tiến triển, với hai bên liên tục tố cáo nhau cản trở quá trình đàm phán.

Triển vọng về giải pháp hai nhà nước đã có lúc tưởng chừng như xa vời hơn bao giờ hết.

Quan trọng hơn, người thay thế ông Netanyahu làm Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Naftali Bennett sẽ không mang lại nhiều khác biệt.

Trong thời gian lãnh đạo khu định cư của người Do Thái, chính ông Bennett từng phủ nhận sự tồn tại của nhà nước Palestine.

Quay về bên trong

Thay vào đó, người Palestine dành sự quan tâm hơn tới các phong trào nội bộ.

Trước đó, chính thể của người Palestine đã phân mảnh thành nhiều phần khác nhau. Một bên là chính quyền Palestine ở khu vực bờ Tây. Bên còn lại là phong trào Hồi giáo Hamas, hiện kiểm soát dải Gaza.

Đó là chưa kể đến cộng đồng thiểu số người Palestine sinh sống tại Israel, với lá phiếu đóng vai trò ngày một quan trọng và một bộ phận khác tản mác ở nhiều nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, xung đột Israel-Palestine 11 ngày qua tại dải Gaza đã ít nhiều kết nối những thành tố có phần rời rạc ấy, với mục tiêu chung là bảo vệ sự tồn tại của người Palestine.

Trong động thái thể hiện sự đoàn kết hiếm thấy, ngày 12/5, hàng trăm nghìn người đã tham gia cuộc tuần hành lớn trên khắp dải Gaza, khu vực Bờ Tây, trại tị nạn tại Lebanon và thậm chí là ở trong lòng Israel.

Theo ông Ahmad Aweidah, lãnh đạo của người Do Thái là ai không còn quan trọng bởi sau cùng, các đảng Israel không có nhiều khác biệt tư tưởng về Palestine.

Tuy nhiên, cựu giám đốc sàn giao dịch chứng khoán Palestine cho rằng cuộc tuần hành giữa tháng 5 vừa qua “cho thấy rằng người Palestine sẽ đoàn kết, bất chấp những gì Israel đã làm trong 73 năm qua”.

Ông Ahmad Majdalani, Bộ trưởng trong chính quyền Palestine, nhận định rằng hiện diện của phe cánh hữu trong liên minh cầm quyền tại Israel khó mang đến sự thay đổi.

Tuy nhiên, ông khẳng định chính quyền Palestine sẽ tiếp tục theo dõi nghị trình của Israel trước khi hành động.

“Người Palestine sẽ đoàn kết, bất chấp những gì Israel đã làm 73 năm qua”. (Ông Ahmad Aweidah)

Trong khi đó, cộng đồng thiểu số người Arab tại Palestine, với nhiều người tự nhận mình là người Palestine tại Israel, cũng có quan điểm chia rẽ về triển vọng của chính quyền mới của Nhà nước Do Thái.

Một số hy vọng rằng sự hiện diện của ba đảng trung dung và một đảng thiên tả, kết hợp với sự hỗ trợ của Raam, đảng Hồi giáo Arab, có thể trung hòa cách tiếp cận của ông Bennett.

Quan trọng hơn, một khi thành hình, nội các sắp tới sẽ có sự hiện diện của ít nhất một người Arab, ông Esawi Frej của đảng thiên tả Meretz.

Lãnh đạo đảng Raam, ông Mansour Abbas cho biết sẽ chỉ ủng hộ chính quyền mới nếu Tel Aviv phân bổ tài nguyên và dành sự chú ý hơn cho cộng đồng người Arab thiểu số.

Bổ nhiệm bộ trưởng trung tả lãnh đạo cơ quan cảnh sát có thể khiến lực lượng này cư xử thận trọng hơn với người Palestine, đặc biệt khi đụng độ giữa cảnh sát và người tuần hành Palestine đã góp phần khơi mào xung đột dải Gaza thời gian qua.

Động lực mới

Một câu chuyện quan trọng khác với người Palestine ở trong và ngoài Israel là sự chuyển giao giữa thế hệ trong cộng đồng.

Đây là thách thức mới đối với chính thể Palestine, vốn đã suy yếu và chia rẽ thời gian năm qua, cũng như tiến trình hòa bình Israel-Palestine nhiều lần bị gián đoạn.

Với người trẻ Palestine, câu chuyện giờ đây không còn là xây dựng nhà nước Palestine, giải quyết vấn đề biên giới với Israel, vốn phức tạp và khó thành hiện thực.

Họ quan tâm hơn tới việc mở rộng, bảo đảm các quyền, lợi ích và mong muốn được đối xử bình đẳng, dù là trong lãnh thổ Palestine hay Israel.

Ông Fadi Quran, giám đốc chiến dịch tại Avaaz, tổ chức phi lợi nhuận về thúc đẩy quyền con người nhận định rằng trong quá khứ, khi được phỏng vấn trên truyền hình, người Palestine hay hỏi: Khi nào thì cộng đồng quốc tế trợ giúp? Khi nào Israel phải chịu trách nhiệm? Khi nào các nước Arab sẽ tới?

Tuy nhiên, giờ đây, giới trẻ Palestine cho rằng: Nếu đoàn kết, chúng ta có thể làm được.

Một cuộc tuần hành của người Palestine tại thành phố New York tuần qua. (Nguồn: Getty Images)

Một phần của thay đổi này đến từ kết quả không khả quan của đàm phán Israel-Palestine, khi chưa thể mang lại điều người Palestine mong muốn.

Phần khác đến từ quyết sách ưu ái đặc biệt cho Israel dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc bầu cử đầu tiên tại lãnh thổ Palestine kể từ năm 2006 chứng kiến vai trò ngày càng lớn của giới trẻ: Theo Ủy ban bầu cử trung ương Palestine, 40% trong 1.400 ứng cử viên có độ tuổi dưới 40.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử này sau đó đã trì hoãn vô thời hạn.

Trong khi đó, tại Israel, cộng đồng người Arab, hiện chiếm 1/5 dân số, cho rằng họ chưa được đối xử bình đẳng trong nhiều vấn đề, từ ngân sách, nhà ở tới chính sách đất đai.

Sự bất mãn đó gia tăng sau khi Luật Quốc gia-Dân tộc được thông qua, khẳng định quyền tự quyết dân tộc là thiêng liêng và “dành riêng cho người Do Thái”, thay vì cho mọi công dân Israel.

Sự hiện diện của thế hệ người Palestine trẻ tuổi, với nhiệt huyết và hoài bão, có thể là động lực mới cho một chính thể Palestine đoàn kết, mạnh mẽ hơn trong tương lai.

(theo New York Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-israel-palestine-phia-doi-cho-ben-tim-kiem-147104.html