Tình hình Israel-Palestine: Nỗ lực mới bên bờ vực

Đã đến lúc cộng đồng quốc tế xây dựng cách tiếp cận mới, đóng vai trò tích cực hơn nhằm tìm kiếm giải pháp bền vững cho tình hình Israel-Palestine.

Tuần qua, tình hình Israel-Palestine nóng trở lại. Đáp trả các đợt bóng bay gây cháy ngày 1/7 tại Nam Eshkol, gần biên giới Gaza, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã không kích một nhà máy sản xuất vũ khí của lực lượng Hamas. Tuy nhiên, Hamas cho biết đợt tấn công chỉ gây hư hại nhẹ, song không nhận trách nhiệm về các đợt bóng bay gây cháy nêu trên.

Đây là lần thứ ba Israel không kích dải Gaza sau thỏa thuận ngừng bắn giữa tháng 5. Tư lệnh IDF chỉ đạo lực lượng sẵn sàng “cho một loạt kịch bản, bao gồm tiếp tục chiến sự”.

Tình hình Israel-Palestine căng thẳng trở lại những ngày gần đây - Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Tình hình Israel-Palestine căng thẳng trở lại những ngày gần đây - Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Mới đây, ngày 3/7, đụng độ giữa người Palestine và người Do Thái ở khu định cư đã khiến một người Palestine thiệt mạng và hai người khác bị thương. Mohammed Fareed Hassan, 20 tuổi, đã bị bắn vào ngực khi đang đứng trên nóc ngôi nhà của mình tại làng Qusra, phía Nam Nablus. IDF cho biết các binh sĩ đã buộc phải nổ súng trấn áp sau khi có thiết bị nổ ném về phía họ.

Những diễn biến này phần nào cho thấy tình hình Israel-Palestine sẽ không bớt căng thẳng hơn dù ông Benjamin Netanyahu không còn tại nhiệm. Phát biểu ngày 4/7, Thủ tướng Israel Naftali Bennett khẳng định Israel sẽ tiếp tục phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ hành động khiêu khích nào từ Dải Gaza, dù là bóng bay hay tên lửa. Các đụng độ, dù nhỏ nhưng liên tiếp, có thể thổi bùng xung đột một lần nữa, đe dọa an ninh an toàn nói riêng và hòa bình, ổn định tại Trung Đông nói chung.

Trong bối cảnh đó, theo nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, đã đến lúc có cách tiếp cận mới nhằm mang đến thay đổi tích cực, toàn diện và bền vững cho vấn đề Israel-Palestine.

Viết trên Financial Times, ông Ban Ki-moon tin rằng một mặt, những diễn biến mới nhất, nổi bật là cuộc chiến 11 ngày tại dải Gaza cho thấy Hiệp ước Oslo (1993) về xây dựng lộ trình về quyền tự quyết của người Palestine đã không thể mang lại hòa bình và an ninh, dù là ở Israel hay Palestine. Chính sách của cả người Do Thái và Arab chưa thể thúc đẩy giải pháp hai nhà nước. Kêu gọi trở lại đối thoại song phương một cách vô điều kiện mỗi khi xung đột nổ ra không thể giải quyết tình hình, một khi nguyên nhân gốc rễ chưa được giải quyết.

“Đối đầu Israel-Palestine giờ đây đã trở nên mất cần bằng và khó hạ nhiệt nếu chỉ sử dụng các công cụ truyền thống trong giải quyết xung đột như đàm phán song phương, xây dựng lòng tin hay điều khoản song song”. (Tổng Thư Ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về tình hình Israel-Palestine).

Mặt khác, nội bộ chính quyền hai bên đang có nhiều thay đổi lớn.

Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett cùng nội các vẫn duy trì lập trường cứng rắn trong vấn đề Palestine. Tuy nhiên, một số nhân vật có tư tưởng tiến bộ trong liên minh cầm quyền và các nhà hoạt động tại đất nước Do Thái cho rằng quan điểm công chúng về đất nước Arab đang thay đổi.

Trong khi đó, tại Palestine, quyết định của Tổng thống Mahmoud Abbas về hủy bỏ kế hoạch bầu cử lần đầu tiên sau 15 năm đã tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Những thay đổi này là thách thức, song cũng là cơ hội để Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU), Anh và cộng đồng quốc tế xây dựng một cách tiếp cận mới cho căng thẳng Israel-Palestine, phù hợp với cam kết về bảo vệ quyền con người mà họ thường tuyên bố.

Theo nguyên TTK LHQ Ban Ki-moon, thay vì lặp lại tuyên bố “sáo rỗng” ủng hộ quyền bình đẳng, bảo đảm an ninh và thịnh vượng cho cả người Israel và Palestine, cách tiếp cận này cần thừa nhận sự khác nhau căn bản giữa các bên liên quan, từ đó tập trung triển khai các chính sách và hành động cụ thể, thiết thực hơn.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-israel-palestine-no-luc-moi-ben-bo-vuc-150492.html