Tình hình Iran ngày càng nguy cấp

Những diễn biến trong vài tuần vừa qua tại Iran cho thấy đất nước này có thể sẽ phải trải qua những sự kiện tương tự như hồi năm 1978, dẫn đến sự lật đổ Vương triều Shah. Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Iran đã đạt đến điểm sôi khi các đường phố của một số TP và thị trấn ở Iran tràn ngập những khẩu hiệu yêu cầu lật đổ lãnh tụ Hồi giáo tối cáo Ali Khamenei. Các lực lượng an ninh đã liên tục sử dụng đạn thật, làm hàng trăm người thiệt mạng.

Từ kinh tế suy thoái…

Nền kinh tế Iran đã rơi vào vòng xoáy sụp đổ, và đây cũng là nguyên nhân kích động làn sóng biểu tình. Tình hình hiện nay còn tồi tệ hơn nhiều so với thời điểm Vua Shah bị lật đổ, khi mà sự suy thoái kinh tế trầm trọng xảy ra do quản lý và định hướng kinh tế kém cỏi, bất chấp giai đoạn bùng nổ dầu mỏ những năm 1970.

Những nét tương đồng của tình hình hiện nay với những năm cuối của đế chế Shah thật đáng kinh ngạc. Kinh tế trì trệ là hệ quả từ các lệnh trừng phạt kinh tế, đặc biệt là do Mỹ áp đặt lên việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran từ tháng 5-2018.

Dầu mỏ là nguồn sống của nền kinh tế Iran và chiếm đến 1/4 GDP của đất nước, đóng góp 3/4 thu nhập công của Iran. Khi lượng dầu mỏ xuất khẩu giảm từ 2,45 triệu thùng/ngày xuống còn 0,26 triệu thùng/ngày, nền kinh tế Iran đã rơi vào suy thoái trầm trọng. Xu hướng giảm tốc của nền kinh tế còn gia tăng áp lực lên thị trường lao động và đi ngược lại các mục tiêu tạo công ăn việc làm. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ thất nghiệp ở Iran đã lên mức hơn 12% trong giai đoạn tháng 4 đến 6-2018, trong đó tỉ lệ giới trẻ thất nghiệp là hơn 28% vào tháng 6-2018. Và có lý do để dự đoán rằng tỉ lệ này sẽ còn tăng cao sau khi các lệnh trừng phạt kinh tế được tái áp đặt vào tháng 5-2018, điều gây ra tác động cực kỳ tiêu cực lên nền kinh tế Iran.

Một trong những tác dụng phụ từ sự suy thoái kinh tế của Iran là quyết định tăng giá xăng lên trung bình 50% hồi tháng 11 vừa qua. Dư luận Iran đã quá quen với việc giá dầu được bao cấp mạnh và sự tăng giá đột ngột với tỉ lệ lớn như vậy chính là phát súng kích hoạt làn sóng biểu tình khi hầu hết các cuộc biểu tình đều ngay lập tức nổ ra sau khi quyết định này được công bố. Báo Le Monde cho biết, “hơn 160 người chết và 7.000 người bị bắt, phần lớn là sinh viên, nhà báo, nhà hoạt động xã hội, nhà thơ” trong làn sóng biểu tình chống chính phủ.

Lực lượng an ninh Iran dùng vòi rồng giải tán một cuộc biểu tình. Ảnh tư liệu

Lực lượng an ninh Iran dùng vòi rồng giải tán một cuộc biểu tình. Ảnh tư liệu

Chế độ thần quyền sắp lâm nguy

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu các làn sóng biểu tình hiện nay có đem lại kết quả tương tự như năm 1978, hay là chế độ Tehran sẽ có khả năng dập tắt chúng bằng bạo lực tàn khốc? Theo trang nationalinterest.org, rất khó để trả lời câu hỏi này một cách chính xác, bởi Iran áp đặt sự bưng bít thông tin một cách gần như là tuyệt đối.

Các lực lượng có tư tưởng tận tụy với hệ thống lãnh đạo thần quyền. Thêm vào đó, những chỉ huy của các lực lượng này nhận ra rằng sự sụp đổ của chế độ thần quyền không chỉ đồng nghĩa với sự chấm dứt quyền lực và địa vị của họ, mà cả mạng sống của họ nữa. Chế độ đã rút ra được những bài học này tự sự sụp đổ của Vua Shah, mà sau đó hàng loạt nhân vật trung thành với ông ta đều đã bị sát hại một cách có hệ thống. Họ hiểu rằng họ đang chiến đấu vì chính mạng sống của mình, chứ không chỉ là vì sự tồn vong của chế độ thần quyền.

Điều này có nghĩa là chế độ có thể sẽ vẫn tồn tại trong ngắn hạn, nhưng tính hợp pháp của họ đã bị tổn hại một cách không thể bù đắp bởi sự thiên lệch và sử dụng vũ lực một cách tàn bạo với những người biểu tình không vũ trang.

Chế độ Tehran có thể sống sót sau làn sóng biểu tình này, nhưng tính chính đáng và khả năng trụ quyền của họ đã bị tổn hại nghiêm trọng, khiến cho khả năng phục hồi để đối phó với các làn sóng biểu tình trong tương lai cũng bị xói mòn đáng kể. Sẽ không có một sự lặp lại của năm 1979, song những cuộc biểu tình hiện nay chắc chắn sẽ mở đường cho sự lặp lại này trong một tương lai không xa.

Đồng quan điểm với nationalinterest.org, Le Figaro cũng nhận định lý do đầu tiên làm người dân Iran nổi dậy là sự khủng hoảng của một nền kinh tế hoàn toàn dựa trên xuất khẩu dầu hỏa đang bị Mỹ cấm vận, nhưng phần khác cũng vì bất bình chế độ giáo quyền, chính sách hoang phí tiền bạc và nhân mạng phục vụ cho tham vọng hạt nhân và địa chính trị để bám trụ.

Vấn đề là trên các mặt trận này, Iran chủ trương dùng sức mạnh đàn áp tối đa để tái lập trật tự. Theo tác giả, chiến thuật này có thể mang lại kết quả trong nhất thời, nhưng chỉ để che giấu những nhược điểm sinh tử của một chế độ không có khả năng cải cách. Kinh tế kém phát triển, dân chúng kiệt sức, xã hội dân sự tẩy chay, có thể nói rằng chế độ Tehran hiện đang phải đối mặt với tình thế hết sức nguy cấp. Nếu không xử lý hợp lý, sớm muộn gì chế độ giáo quyền Iran cũng sẽ sụp đổ bởi quyền lực của người dân nước này.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tinh-hinh-iran-ngay-cang-nguy-cap-172650.html