Tình hình hỗn loạn mới ở Trung Đông có thể là cơ hội của Trung Quốc?

Tọa lạc ở trung tâm của khu vực Trung Á, thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan không phải nơi thích hợp để các chính sách lớn của quốc tế được ra đời.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong bức ảnh chung tại Hội nghị tại Kyrgyzstan. Ảnh Getty Images.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong bức ảnh chung tại Hội nghị tại Kyrgyzstan. Ảnh Getty Images.

Tuy nhiên, hồi tháng 6 vừa qua, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã có mặt tại thành phố này để tham dự cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một liên minh chính trị và an ninh khu vực quan trọng. Cuộc họp quy tụ các nhà lãnh đạo như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Đây như là một lời nhắc nhở về mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Iran và hai cường quốc, cũng là đối thủ của Mỹ hiện nay. Điều này càng được nhấn mạnh hơn nữa khi ba nước tiến hành tập trận hải quân chung gần khu vực eo biển Hormuz chiến lược vào tháng trước.

Trong bối cảnh sau vụ không kích của Mỹ khiến tướng Qassem Soleimani thiệt mạng tại Baghdad, các nhà lãnh đạo của Iran có thể sẽ trông chờ vào liên minh này để đối trọng lại với Mỹ, ngay cả khi Tehran xem xét đến khả năng trả thù Mỹ vì giết chết một trong những tướng lĩnh uy tín nhất của nước này.

Đặc biệt, Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình hình và ngăn chặn một cuộc xung đột khác bùng nổ tại Trung Đông. Trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran ngày 4-1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phản đối “hành động quân sự liều lĩnh của Mỹ”, “đi ngược lại các quy tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế và sẽ làm gia tăng căng thẳng và nhiễu loại tại khu vực”.

Tuyên bố này cho biết thêm rằng, Tehran hy vọng Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn căng thẳng leo thang trong khu vực”.

Và việc tướng Soleimani của Iran bị ám sát có thể mang lại cho Bắc Kinh một cơ hội lớn, không chỉ là ngăn chặn một cuộc chiến thảm khốc khác, mà còn tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, thay thế một Washington ngày càng khó lường.

Ngoại trưởng Iran - Trung Quốc trong một cuộc gặp. Ảnh Getty Images.

Không giống như Washington, với việc quan tâm đến dân chủ và nhân quyền, hay khăng khăng đòi thắt lưng buộc bụng theo kiểu IMF, Trung Quốc muốn “các giải pháp đôi bên cùng có lợi”. Việc đặt trọng tâm vào phát triển và thương mại hơn tất cả các yếu tố khác khiến Trung Quốc trở thành một đối tác hấp dẫn đối với nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Người ta có thể đã biết đến cách tiếp cận “giấu mình chờ thời” trước đây của Trung Quốc. Nhưng với tư cách là một nước lớn, chính sách này có thể sẽ không tồn tại mãi mãi. Sự tham gia ngày càng sâu rộng ở mọi nơi trên thế giới có nghĩa rằng thời điểm của Trung Quốc có thể đã đến.

Những năm gần đây chứng kiến sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, mang tính can thiệp lớn hơn, một chính sách kiểu Mỹ. Có thể kể đến việc gia tăng buôn bán vũ khí, dù chưa được đến mức độ của Mỹ, hay tăng cường sự hiện diện quân sự tại nhiều nơi trên thế giới. Trung Quốc hiện có căn cứ quân sự ở cả Bán đảo Đông Phi (Khu vực Sừng châu Phi), Trung Á và cả ở khu vực Biển Đông. Thậm chí, nhiều nguồn tin cho thấy Bắc Kinh còn đang xem xét thành lập căn cứ ở Pakistan trên khu vực Ấn Độ Dương.

Cùng với đó, Bắc Kinh cũng tăng cường thay thế Mỹ trở thành nhà tài trợ hàng đầu cho các nước đang phát triển, bên cạnh đó là các thỏa thuận thương mại lớn trên toàn châu Á, Trung Đông và châu Phi.

Theo các nhà phân tích Lindsey Ford và Max Hill, trong khi những diễn biến đã xảy ra trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Bắc Kinh, Trung Đông đang đóng một “vai trò ngày càng quan trọng” khi Trung Quốc vươn lên trở thành siêu cường tiếp theo.

“Mặc dù sự hiện diện ngày càng bành trướng của Trung Quốc tại Trung Đông chủ yếu là vì mục đích kinh tế, điều này vẫn mang lại cơ hội chiến lược cho Bắc Kinh”, hai nhà phân tích cho biết tại Viện Chính sách Xã hội châu Á tháng 8 vừa qua.

Là một khu vực nơi chính trị được định hình ồ ạt bởi sự cạnh tranh giữa cả các cường quốc địa phương và quốc tế, Trung Đông không phải là nơi dễ dàng để duy trì chính sách trung lập hoặc đứng bên lề.

Tàu chiến tham gia cuộc tập trận hải quân chung gần khu vực eo biển Hormuz, giữa ba nước Nga, Iran và Trung Quốc. Ảnh Getty Images.

Cho đến nay, Trung Quốc đã vượt qua khó khăn để duy trì mối quan hệ đồng minh truyền thống với các nước như Iran hay Syria, trong khi đó cũng mở rộng quan hệ với cả Saudi Arabia, Israel hay Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Bắc Kinh cũng chống lại áp lực mạnh mẽ từ Washington, tận dụng vai trò là Ủy viên HĐBA LHQ để kiềm chế một số ảnh hưởng quốc tế đối với Tehran và Damascus.

Tuy nhiên, giống như vấn đề Kashmir đã buộc Trung Quốc phải chọn đồng minh lâu năm là Pakistan trên mục tiêu kinh tế là Ấn Độ, sớm muộn một cuộc khủng hoảng ở Trung Đông có thể sẽ làm đảo lộn sự cân bằng ngoại giao tế nhị mà Bắc Kinh đang theo đuổi.

Một số tờ báo nhận định, Trung Quốc có khả năng thao túng tất cả các mặt trận hiện nay.

Chuyên gia Jonathan Fulton, trong bài viết cho Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng lợi ích của Bắc Kinh “nằm ở một khu vực Trung Đông ổn định, và từ lâu có ý kiến cho rằng điều này muốn đạt được phải có vai trò đảm bảo an ninh của Trung Quốc”.

“Trung Quốc không phải là một nước thích xét lại. Họ không muốn định hình lại Trung Đông và chịu trách nhiệm bảo vệ nó. Họ muốn một khu vực ổn định, có thể dự đoán được - càng nhiều càng tốt - trong đó họ có thể giao dịch và đầu tư”, Fulton nói thêm.

“Khi giết Soleimani, (Tổng thống Donald Trump) đã khiến điều này trở nên thách thức hơn. Trong ngắn hạn, điều đó sẽ làm tăng chi phí kinh doanh và rất có thể sẽ khiến nhiều người gặp rủi ro. Tuy nhiên, về lâu dài, nó có thể cho Trung Quốc nhiều quyền lực và ảnh hưởng ở Trung Đông vì nước này sẽ đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong việc đảm bảo lợi ích khu vực của mình”.

Một vai trò như vậy có thể sẽ được nhiều nước trong khu vực hoan nghênh. Thật vậy, thật khó để tìm ra một ví dụ thích hợp hơn về sự tương phản giữa chính sách của Trung Quốc và Mỹ vào lưc này: ông Trump đe dọa nhắm vào các địa điểm văn hóa của Iran, một động thái có thể trở thành một tội ác chiến tranh nếu được thực hiệnm trong khi Bắc Kinh thì đang kêu gọi bình tĩnh.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ là cường quốc tối cao không chỉ ở Trung Đông, mà trên toàn cầu. Khi Trung Quốc ngày càng thách thức quyền bá chủ của Mỹ, Trung Đông có thể sẽ nổi lên như một đấu trường then chốt cho sự cạnh tranh này.

Với việc giết chết Soleimani và khiến khu vực này rơi vào tình trạng hỗn loạn mới, ông Trump có thể đã giúp Bắc Kinh dễ dàng thay thế Washington trong những năm tới.

Duy Tiến (Theo CNN)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/tinh-hinh-hon-loan-moi-o-trung-dong-co-the-la-co-hoi-cua-trung-quoc-577058/