Tình hình dịch COVID-19 tính đến sáng 23-2

Tính đến nay đã có 19 người ngoài Trung Quốc đại lục tử vong vì virus COVID-19.

Báo South China Morning Post dẫn thống kê từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 8 giờ 10 phút ngày 23-2, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (tên chính thức COVID-19) là 2.458, tăng 94 ca so với số liệu tối qua và tổng số ca nhiễm là 78.583, tăng 655 ca. Có 20.863 trường hợp được chữa khỏi.

Tính đến nay có 19 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, gồm ba ca ở Nhật, hai ca ở đặc khu Hong Kong, ba ca ở Hàn Quốc, một ca ở Đài Loan, sáu ca ở Iran, một ca ở Pháp, một ca ở Philippines và hai ca ở Ý.

Ý đã có 62 ca nhiễm, hai ca tử vong

Số người đang bị nhiễm virus COVID-19 mới ở Ý đã tăng lên 62 người, với 46 trường hợp ở khu vực phía bắc của Bologna, 12 trường hợp ở vùng Veneto, ba trường hợp ở Rome và một trường hợp ở khu vực Piemonte.

Alberto Cirio, thống đốc khu vực Piedmont, đã công bố trường hợp mới nhất trên Twitter ngày 23-2.

Theo trang web của khu vực Bologna, các nhà ga của ba ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus là Codogno, Maleo, Casalpusterlengo đã bị đóng cửa từ ngày 22-2. Các chuyến tàu sẽ không dừng ở ga này.

Hiện ở Ý đã có hai ca tử vong vì virus COVID-19. Nạn nhân là một cụ ông 78 tuổi và một cụ bà 77 tuổi.

100 khách Nhật rời tàu Diamond Princess, khách các nước ở lại

Theo tin từ kênh Channel News Asia, ngày 22-2, khoảng 100 hành khách là công dân Nhật trên tàu du lịch Diamond Princess được xuống tàu. Khi xuống tàu, số hành khách này sẽ phải cách ly 14 ngày gần Tokyo.

Đầu tuần này đã có khoảng 970 hành khách được rời tàu. Những hành khách người nước ngoài vẫn chưa được rời tàu, mà phải đợi khi nào chính phủ nước họ đưa máy bay đến đón về mới được xuống tàu.

Du thuyền Diamond Princess đậu tại cảng Yokohama, Nhật Bản hôm 16-2. Ảnh: AFP

Du thuyền Diamond Princess đậu tại cảng Yokohama, Nhật Bản hôm 16-2. Ảnh: AFP

Tính đến nay, ngoài số hành khách các nước, trên tàu Diamond Princess còn hơn 1.000 nhân viên lo phục vụ thức ăn cho số hành khách còn kẹt trên tàu. Nhiều ý kiến lo ngại việc di chuyển quanh tàu của số nhân viên này sẽ khiến đà lây nhiễm thêm cao. Hiện số ca nhiễm COVID-19 trên tàu Diamond Princess ở mức gây sốc: 600 ca, tăng chóng mặt từ chỉ 10 ca hai tuần trước. Con tàu này bị xem là ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục.

COVID-19 còn có tên gọi là SARS-CoV-2

Sau một thời gian truyền thông biết tới bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp xuất phát từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) với cái tên nCov-2019, ngày 11-2, trên trang web mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức đặt tên dịch bệnh này là COVID-19.

11 thành viên của Ủy ban Quốc tế về phân loại Virus có đề xuất lên WHO một cái tên cho loại virus gây ra dịch COVID-19. Tên ủy ban này đề xuất là SARS-CoV-2. Và ủy ban này lý giải là “chính thức xem virus này là họ hàng của virus Corona gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng”.

Và từ đề xuất này WHO đã đặt cho virus gây dịch bệnh COVID-19 cái tên tạm thời là SARS-CoV-2, theo trang Sciencealert.

Trung Quốc phát hiện ca ủ mầm bệnh COVID-19 trong 27 ngày

Chính quyền tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã thông báo về một ca ủ bệnh COVID-19 trong 27 ngày, gần gấp đôi thời gian thông thường.

Reuters dẫn thông báo ngày 22-2 của chính quyền Hồ Bắc cho hay một người đàn ông 70 tuổi ở tỉnh này đã bị nhiễm virus COVID-19 nhưng không có bất cứ triệu chứng nào trong 27 ngày sau đó.

Nhân viên y tế đang khử trùng tại một khu chợ. Ảnh: REUTERS

Người đàn ông 70 tuổi mang họ Jiang ngày 24-1 lái xe từ Ngạc Châu tới Thần Nông Giá ở Hồ Bắc và có tiếp xúc gần gũi với em gái ông. Người phụ nữ này cũng bị nhiễm virus COVID-19, theo chính quyền Hồ Bắc. Ông bắt đầu bị sốt vào ngày 20-2 và kết quả xét nghiệm cho ra dương tính với COVID-19 vào ngày 21-2.

Điều này có nghĩa là thời gian ủ bệnh của COVID-19 có thể kéo dài hơn thời gian cách ly trung bình 14 ngày hiện tại.

Khoảng thời gian ủ bệnh kéo dài có thể khiến nỗ lực kiểm soát ngăn virus lây lan rộng trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh mầm bệnh bắt nguồn từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Phái đoàn công tác của WHO tới Vũ Hán

Ban đầu trong lịch trình công tác của đoàn chuyên gia quốc tế do WHO chủ trì không có điểm đến Vũ Hán vì lý do thành phố này đang trong giai đoạn dốc toàn lực chống dịch căng thẳng, không có thời gian cũng như nhân sự tiếp đón.

Tuy nhiên, theo Thời Báo Hoàn Cầu, khi hệ thống y tế của thành phố đã được giảm tải chút ít, các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đoàn công tác tới Vũ Hán tìm hiểu tình hình tại tâm dịch COVID-19 cũng như truy tìm nguồn gốc của virus COVID-19.

Số người bệnh được ra viện ở Vũ Hán giờ đã cao hơn số ca nhiễm mới và một số bệnh viện đã có giường trống.

Theo ông Chen Xi, Phó giáo sư Trường y tế cộng đồng ĐH Yale, điều này cho thấy sức ép với các nguồn tài nguyên y tế cũng đã được giảm bớt so với các giai đoạn đầu tiên bùng nổ dịch.

Nhóm chuyên gia cũng sẽ thu thập các mẫu động vật hoang dã để truy nguyên nguồn gốc chủng virusCOVID-19

Nhân viên nhiễm COVID-19, Samsung đóng cửa 1 nhà máy

Giới chức trách thành phố Gumi, Hàn Quốc hôm 22-2 cho biết người bị nhiễm là nữ giới, 28 tuổi, nhân viên bộ phận kinh doanh của Samsung Electronics chi nhánh Gumi.

Logo Samsung trong trụ sở tập đoàn tại Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS

Samsung đã liên hệ đến cơ quan quản lý bệnh dịch để báo cáo về vụ việc, đồng thời cách ly và kiểm tra sức khỏe đồng nghiệp tiếp xúc với cô nhân viên nhiễm bệnh.

Hiện tại, Samsung đã tạm thời đóng cửa Nhà máy Gumi và cho nhân viên nghỉ việc.

Trung Quốc điều 7 du thuyền làm 'khách sạn nổi' cho y bác sĩ Vũ Hán

Chính quyền thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc cho biết các du thuyền phục vụ du lịch sông nước tại khu danh lam thắng cảnh Tam Hiệp đang trên đường đến Vũ Hán làm “khách sạn nổi” cho đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu.

Bảy du thuyền trên sẽ cung cấp tổng cộng 1.469 giường cho các y bác sĩ. 6/7 du thuyền này được đăng ký tại Nghi Xương trong khi du thuyền thứ bảy đăng ký ở phía tây thành phố Trùng Khánh.

Những du thuyền này đều trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy, đảm bảo điện, nước để phục vụ các y bác sĩ trong thời gian nghỉ ngơi hồi phục sức lực.

Ngoài ra, chính quyền thành phố Nghi Xương cũng cử một tàu thu gom rác đi theo để thu thập và xử lý rác thải và chất thải từ bảy du thuyền này. Chính quyền Bắc Kinh hy vọng các du thuyền sẽ cung cấp nơi ăn chốn nghỉ an toàn cho các y bác sĩ tuyến đầu tại Vũ Hán, giúp họ an tâm và có sức khỏe chống dịch COVID-19.

33 nhân viên công tác xã hội Trung Quốc qua đời

Theo thống kê sơ bộ đến hết ngày 20-2, đã có 33 nhân viên công tác xã hội của Trung Quốc qua đời khi đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 ở nước này. Thông tin này được ông Chen Yueliang, quan chức Bộ Nội vụ Trung Quốc, xác nhận trong cuộc họp báo ngày 21-2, theo đài CGTN.

Tuy nhiên, ông Chen không tiết lộ chi tiết nguyên nhân tử vong của những nhân viên làm công tác xã hội này. Ông Chen cũng kêu gọi người dân ủng hộ và hợp tác với các nhân viên công tác xã hội khi họ làm nhiệm vụ trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành.

TÚ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/tinh-hinh-dich-covid19-tinh-den-sang-232-891529.html