Tình hình dịch COVID-19 tính đến sáng 21-2

Tính đến 6 giờ 10 phút ngày 21-2, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì COVID-19 là 2.244 (tăng 115 ca so với số liệu thống kê ngày 20-2) và tổng số ca nhiễm là 76.184. Viện Virus học Vũ Hán nói bị tổn thương sâu sắc vì tin đồn tạo ra virus COVID-19.

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, tính đến 6 giờ 10 phút ngày 21-2, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (tên chính thức COVID-19) là 2.244 (tăng 115 ca so với số liệu thống kê ngày 20-2) và tổng số ca nhiễm là 76.184. Có tổng cộng 17.780 ca được chữa khỏi. Sau hai tháng dịch bệnh, tại Trung Quốc ghi nhận 2.233 ca tử vong và 74.987 ca nhiễm. 115 ca tử vong mới được ghi nhận trong 24 giờ qua là tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc – tâm điểm của dịch bệnh.

Tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc – tâm điểm của dịch bệnh ngày 21-2 thông báo trong 24 giờ qua tại địa phương này ghi nhận 115 ca tử vong mới và 411 ca nhiễm mới (bao gồm 319 ca tại Vũ Hán), nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại tỉnh này lên 2.144 và 62.442. Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất vào ngày 20-2 kể từ ngày 23-1 khi tâm dịch Vũ Hán bị phong tỏa và thay đổi tiêu chí chẩn đoán.

Tính đến nay, tổng số ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục là 11, trong đó hai ca tại Hong Kong, ba ca tại Nhật Bản, một ca tại Philippines, một ca tại Hàn Quốc, một ca tại Đài Loan, một ca tại Pháp, hai ca tại Iran.

Riêng tại Việt Nam có 16 bệnh nhân nhiễm virus COVID-19 tại bốn tỉnh, thành: Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Khánh Hòa và TP.HCM. Đến nay 14 người đã chữa khỏi và chín người đã xuất viện. Kể từ 13-2 đến nay, Việt Nam chưa phát hiện thêm ca nhiễm mới.

Trung Quốc kêu gọi thế giới khôi phục quan hệ thương mại và nhân dân với nước này

Theo SCMP, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 20-2 kêu gọi các nước khôi phục các quan hệ thương mại và nhân dân với Trung Quốc. Ông Vương cũng nói Trung Quốc đã thực hiện hành động mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Phát biểu tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về hợp tác ứng phó dịch COVID-19 tại Vientiane (Lào) hôm 20-2, ông Vương nói những nỗ lực này đang phát huy tác dụng, dẫn các số liệu mới nhất về số người nhiễm virus COVID-19 ngày 20-2, với số ca nhiễm thấp nhất kể từ ngày 25-1.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) chụp ảnh cùng một số bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại cuộc họp ở Lào ngày 20-2. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) chụp ảnh cùng một số bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại cuộc họp ở Lào ngày 20-2. Ảnh: AP

Sau khi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cập nhật cách thống kê người nhiễm virus COVID-19 mới, bỏ cách tính dựa trên triệu chứng lâm sàng của tỉnh Hồ Bắc, số lượng ca nhiễm tại Hồ Bắc tăng ít nhất kể từ ngày 25-1.

"Trung Quốc không chỉ bảo vệ người dân nước mình mà còn bảo vệ cả thế giới. Dịch bệnh này có thể có một số ảnh hưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc song những ảnh hưởng như vậy sẽ chỉ là tạm thời và hạn chế" - ông Vương nói.

“Với những điều kiện hiện tại, các quốc gia cần củng cố quan hệ và hợp tác giữa người với người. Chúng ta sẽ biến những thách thức thành cơ hội", ông Vương nói và thêm rằng trong điều kiện nhiều thách thức, nhiều ngành công nghiệp mới đã xuất hiện.

Tại buổi họp báo sau cuộc họp khẩn với các bộ trưởng ngoại giao của 10 nước ASEAN, ông Vương cho hay ông và những người đồng cấp đã nhất trí tăng cường hợp tác để chống dịch COVID-19.

Ông Vương cam kết Bắc Kinh sẽ chia sẻ thông tin kịp thời về dịch bệnh và các chính phủ sẽ xem xét thiết lập một cơ chế liên lạc giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm thúc đẩy phản ứng nhanh.

Khối ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc sau Liên minh châu Âu (EU) và các hạn chế đi lại do một số nước thành viên ASEAN áp đặt đã làm trì trệ những dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp đặt lệnh cấm đi lại và hạn chế visa với Trung Quốc. Một loạt các hãng hàng không đình chỉ những chuyến bay đến và đi từ nước này. Một số nước khác như Mỹ, Úc, Singapore, Indonesia và Philippines đã cấm những người đến từ Trung Quốc đại lục, đồng thời yêu cầu công dân nước mình không đi đến Trung Quốc. Một số nước khác cấm các du khách từ tâm dịch Hồ Bắc và tạm đình chỉ hoạt động với các tàu du lịch quốc tế khởi hành hoặc quá cảnh tại các cảng ở Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tuần trước trong một tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng việc bùng phát dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi thương mại, cung ứng và du lịch của khu vực, buộc các nước phải hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay và lên phương án duy trì hoạt động cho doanh nghiệp.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cho rằng ngoài những tác động về sức khỏe, dịch COVID-19 còn gây ra những bất lợi lớn đối với thương mại, du lịch và kinh tế toàn cầu. Ông Teodoro Locsin Jr ghi nhận những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Trung Quốc là “nhanh chóng” và “chưa từng có”, đồng thời nhấn mạnh cần có sự hợp tác tập thể để đẩy lùi dịch bệnh.

Viện Virus học Vũ Hán nói bị tổn thương sâu sắc vì tin đồn tạo ra virus COVID-19

Theo SCMP, Viện Virus học Vũ Hán (WIV) ngày 19-2 bác bỏ những tin đồn nói rằng phòng thí nghiệm này có liên quan tới dịch COVID-19, rằng họ bị “tổn thương sâu sắc” bởi những thuyết âm mưu lan truyền trên mạng xã hội.

“Những tin đồn đã làm tổn thương nặng nề các nhà nghiên cứu của chúng tôi, những người đã tận tâm làm việc ở tuyến đầu và đã làm gián đoạn nghiêm trọng nghiên cứu khẩn cấp mà chúng tôi đang tiến hành trong thời gian bùng phát dịch bệnh”, WIV có liên hệ với Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc nói trong tuyên bố đăng trên trang web của cơ quan này ngày 19-2.

Một bệnh nhân nhiễm virus COVID-19 hồi phục và xuất viện khỏi một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Những tin đồn mà WIV nhắc tới gồm chủng virus Corona mới do “con người tạo ra”, “được phát tán từ phòng thí nghiệm của WIV”, rằng “WIV bị quân đội kiểm soát”, “một nhà nghiên cứu của WIV đã tử vong do virus phát tán”, “một sinh viên của WIV là bệnh nhân số 0”, “một nhà nghiên cứu của WIV đã báo cáo chính quyền rằng người đứng đầu WIV chịu trách nhiệm cho dịch bệnh” - tuyên bố của WIV nêu rõ.

WIV vận hành Phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Quốc gia Vũ Hán - cơ sở duy nhất ở Trung Quốc được trang bị để chẩn đoán và nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với cấp độ an toàn sinh học cao nhất - cấp 4.

Phòng thí nghiệm lần đầu nhận mẫu virus COVID-19 vào ngày 30-12-2019, thời điểm bùng phát dịch tại Vũ Hán và đã nhanh chóng hoàn tất “giải trình tự bộ gen” của virus hôm 2-1 rồi nộp cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11-1.

Mẫu virus COVID-19 đã được bổ sung vào kho lưu trữ quốc gia Trung Quốc ngày 9-1. Đến ngày 26-1, WIV đã phân tích 4.000 mẫu để giúp chẩn đoán cho bệnh nhân, tuyên bố cho biết.

“ Nhìn lại công việc trong tháng qua, chúng tôi không có gì phải xấu hổ hay hối tiếc” - tuyên bố của WIV cho hay.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/tinh-hinh-dich-covid19-tinh-den-sang-212-891107.html