Tình hình dịch COVID-19 tại ASEAN hết ngày 6/4: 14.000 ca nhiễm, hàng chục bác sĩ Indonesia tử vong

Tính tới hết ngày 6/4, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng 14.000 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 457 người tử vong. Indonesia trải qua một ngày có số ca nhiễm mới tăng kỷ lục, kèm theo tình trạng đáng lo ngại khi có tới 24 bác sĩ đã tử vong.

Một người cao tuổi đeo khẩu trang ngồi bên vỉa hè ở Indonesia ngày 3/4. Ảnh: Reuters

Một người cao tuổi đeo khẩu trang ngồi bên vỉa hè ở Indonesia ngày 3/4. Ảnh: Reuters

Indonesia: 24 bác sĩ tử vong vì COVID-19

Bộ Y tế Indonesia ngày 6/4 xác nhận có thêm 218 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 2.491. Đây là mức tăng cao nhất trong ngày tại Indonesia kể từ khi quốc gia này phát hiện ca bệnh đầu tiên cách đây một tháng.

Cũng theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, đã có thêm 11 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 209, trong khi có tổng cộng 192 đã khỏi bệnh. Đây là con số tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á, ngoại trừ Trung Quốc.

Cùng ngày hãng tin Reuters dẫn nguồn hiệp hội y khoa Indonesia cho biết có 24 bác sĩ nước này đã tử vong vì nhiễm SARS-CoV-2. Con số tử vong trong đội ngũ nhân viên y tế đã tăng gấp đôi kể từ tuần trước, sau những chỉ trích về tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ tại Indonesia. "Xu hướng này [bác sĩ tử vong] đang tăng nhanh", ông Halik Malik, người phát ngôn Hiệp hội Bác sĩ Indonesia đươc Reuters dẫn lời cho biết. "Nguy cơ nhân viên y tế nhiễm virus luôn tồn tại, nhưng vấn đề là họ cần phải được bảo vệ".

Cảnh sát mặc trang phục bảo hộ tại nghĩa trang Tegal Alur, Jakarta nơi họ giám sát việc chôn cất người tử vong vì COVID-19. Ảnh: AFP

Trong cuộc họp nội các ngày 6/4, Tổng thống Joko Widodo cho biết các thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) đã được phân bổ khắp đất nước và các quan chức địa phương cần giám sát việc chuyển giao thiết bị đến từng bệnh viện.

Các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng tỉ lệ tử vong cao trong các ca nhiễm là một dấu hiệu cho thấy quy mô dịch lớn hơn nhiều so với những dữ liệu chính thức tại quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới. Tuần trước, cơ quan tình báo Indonesia tiết lộ họ đánh giá số ca mắc COVID-19 có thể lên tới đỉnh điểm trong vòng 3 tháng tới, vượt qua 100.000 ca vào tháng 7.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm một người Indonesia ngày 6/4. Ảnh: AFP

Malaysia công bố thêm gói kích thích kinh tế 2,3 tỷ USD

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ngày 6/4 đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 10 tỷ ringgit (khoảng 2,3 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm giảm nhẹ tác động của Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) được áp dụng trong bối cảnh nước này đẩy mạnh ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trước đó, hôm 27/3 vừa qua, Thủ tướng Muhyiddin đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 250 tỷ ringgit (58,28 tỷ USD). Đây là gói cứu trợ thứ hai được chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đưa ra trong vòng 1 tháng nhằm hạn chế tác động về kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.

Malaysia đang nỗ lực tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng ngoài cộng đồng. Tính đến chiều 6/4, nước này ghi thêm 131 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước lên 3.793, trong đó có 62 ca tử vong (tăng 1 ca so với ngày 5/4) và hơn 1.000 trường hợp hồi phục. Malaysia hiện là quốc gia có số người mắc COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Đường phố vắng tanh với các cửa hiệu đóng cửa tại Kuala Lumpur ngày 2/4. Ảnh: EPA-EFE

Philippines xem xét gia hạn phong tỏa đến hết tháng 4

Tại Philippines, có thêm 414 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tính đến cuối ngày 6/4, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 3.660. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 11 ca lên 163. Trong khi đó, tổng cộng 73 trường hợp đã hồi phục.

Theo tờ Philstar, Tổng thống Rodrigo Duterte nhiều khả năng sẽ gia hạn phong tỏa trên đảo Luzon cho đến ngày 30/4. Trong một chương trình truyền hình vào tối 6/4, ông Duterte nói rằng các quan chức chính phủ đã thảo luận về khả năng này. Lệnh phong tỏa hiện tại trên toàn đảo Luzon dự kiến kết thúc vào nửa đêm ngày 13/4. Bộ trưởng Nội các Karlo Nograles cho biết Lực lượng đặc nhiệm liên ngành (IATF) về Quản lý bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện sẽ xem xét một số yếu tố trước khi đưa ra khuyến nghị với Tổng thống, người sau đó sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc phong tỏa.

Người dân được kiểm tra thân nhiệt trước khi được khử khuẩn tại Manila, Philippines, ngày 6/4. Ảnh: EPA-EFE

Thái Lan xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm lệnh giới nghiêm

Trong ba đêm qua, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ gần 1.200 người vi phạm lệnh giới nghiêm được áp đặt từ ngày 3/4 nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Ngày 6/4, người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia Thái Lan cho biết những đối tượng trên đã cố tình đi lại trên đường phố và tụ tập đông người tại nhiều địa điểm trong 6 giờ đồng hồ thực hiện lệnh giới nghiêm (từ 22h ngày hôm trước đến 4h sáng ngày hôm sau), mà không có lý do chính đáng. Với việc vi phạm các quy định về lệnh giới nghiêm này, họ có thể bị truy tố theo luật khẩn cấp hiện đang được áp dụng tại Thái Lan.

Cùng ngày, Cơ quan Hàng không dân dụng Thái Lan thông báo gia hạn lệnh cấm mọi chuyến bay chở khách tới nước này để ngăn chặn dịch bệnh. Lệnh cấm có hiệu lực đến hết ngày 18/4, thay vì ngày 6/4 theo thông báo ban đầu.

Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 5/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Quyết định trên được đưa ra sau khi Thái Lan trong ngày 6/4 ghi nhận thêm 51 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và thêm 3 bệnh nhân tử vong. Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 ở Thái Lan là 2.220 ca và 26 ca tử vong. Ngày 6/4 là ngày Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất trong ngày kể từ ngày 20/3. Hiện Thái Lan vẫn duy trì lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia cho đến hết tháng 4 này.

Singapore: Ngừng hoạt động nhà ga sân bay Changi trong 18 tháng

Bộ trưởng Giao thông Singapore, Khaw Boon Wan ngày 6/4 cho biết hoạt động tại nhà ga số 3 Sân bay quốc tế Changi sẽ ngừng trong 18 tháng kể từ ngày 1/5 để tiết kiệm chi phí. Tập đoàn Sân bay Changi (CAG) cho biết họ đã quyết định như vậy trước viễn cảnh "sự sụt giảm chắc chắn về lưu lượng hành khách và khả năng nhu cầu đi lại hàng không sẽ không trở lại như trước dịch COVID-19 trong tương lai gần". Trước đó, cuối tháng 3, Phó Thủ tướng Heng Swee Keat cho biết, số hành khách đi qua sân bay Changi đã giảm trên 90% kể từ khi dịch bùng phát.

Cùng ngày, Bộ Y tế Singapore xác nhận có thêm 66 ca mắc COVID-19 mới, cùng với 2 chùm lây nhiễm mới, nâng tổng số ca lây nhiễm tại nước này lên 1.375 trường hợp, trong đó 344 bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn; 571 ca vẫn đang điều trị nhưng chỉ có 25 bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt.

Trong số các quốc gia còn lại trong khối, Brunei, Campuchia và Myanmar không ghi nhận thêm ca nhiễm mới hay tử vong nào trong ngày 6/4, lần lượt dừng ở 135, 114 và 21 ca. Lào có thêm một ca mắc COVID-19 mới, lên 12 ca, trong khi Timor Leste vẫn chỉ có 1 bệnh nhân.

Trong ngày 6/4, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, gồm một người từng đưa vợ đến Bệnh viện Bạch Mai khám, 3 người từ Nga về cách ly ngay. Như vậy, tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước ta là 245 ca, trong đó 91 ca đã khỏi bệnh; 4 bệnh nhân nặng đang có tiến triển tốt lên; 58 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên (bao gồm 24 trường hợp âm tính từ 2 lần).
Thống kê trong số 150 trường hợp đang điều trị cho thấy độ tuổi của các bệnh nhân trung bình là 34 tuổi; 40% là nam, 60% là nữ. Về quốc tịch, có 123 bệnh nhân Việt Nam và 27 bệnh nhân nước ngoài.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tinh-hinh-dich-covid19-tai-asean-het-ngay-64-14000-ca-nhiem-hang-chuc-bac-si-indonesia-tu-vong-20200406225218063.htm