Tình hình dịch COVID-19 ngày 25/3

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 25/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 478.649.399 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.135.405 ca tử vong. Trên 413,33 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn trên 59,17 triệu người chưa khỏi.

Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay ở Manila, Philippines. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay ở Manila, Philippines. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong ngày 25/3, thêm nhiều nước trên thế giới công bố kế hoạch nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng dịch để tạo điều kiện đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới sau thời gian dài gián đoạn. Từ ngày 1/4 tới, Philippines sẽ khôi phục các quy định nhập cảnh như trước khi dịch COVID-19 bùng phát với công dân các nước được yêu cầu thị thực và đã tiêm phòng đủ các liều cơ bản.

Theo đó, công dân nước ngoài có thể nhập cảnh Philippines với điều kiện tuân thủ các quy định về thị thực hiện hành cũng như thủ tục nhập cảnh và xuất cảnh. Người nước ngoài khi nhập cảnh Philippines phải trình giấy chứng nhận đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, ngoại trừ trẻ em 12 tuổi đi cùng cha mẹ là người nước ngoài đã hoàn thành liều cơ bản. Ngoài ra, người nhập cảnh cũng phải cung cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính có hiệu lực trong vòng 48 giờ hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính trong phòng thí nghiệm có hiệu lực trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành. Sau khi nhập cảnh, du khách tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày đến. Tháng trước, Philippines đã mở cửa trở lại cho khách du lịch nước ngoài đến từ 157 quốc gia và khu vực trong danh sách miễn thị thực sau hơn hai năm đóng cửa vì đại dịch COVID-19.

Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 10.405 ca mắc mới COVID-19, mức thấp nhất trong vòng một tháng. Từ ngày 1/4, chính quyền đặc khu sẽ dần khôi phục các dịch vụ công, mục tiêu là khôi phục hoạt động bình thường vào ngày 21/4. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các quy định về phòng chống dịch, một số dịch vụ không khẩn cấp hoặc không thiết yếu có thể chưa được nối lại sau đó. Cũng từ ngày 1/4, các cơ quan chính quyền tại Hong Kong sẽ trở lại hoạt động bình thường sau thời gian thực hiện yêu cầu làm việc giãn cách, tất cả nhân viên phải hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước ngày này.

Mặc dù số ca mắc mới có dấu hiệu giảm dần trong những ngày gần đây, nhưng chính quyền Hong Kong vẫn kêu gọi các chủ lao động tiếp tục cho phép nhân viên làm việc tại nhà càng nhiều càng tốt để giảm dòng người lưu thông và giảm tiếp xúc xã hội. Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong cho rằng dịch vẫn đang diễn biến nghiêm trọng và khó có thể dự đoán được xu hướng, do đó người dân vẫn cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.

Từ khi dịch bệnh bùng phát năm 2020 đến nay, Hong Kong đã ghi nhận khoảng 1,1 triệu ca bệnh và trên 6.700 trường hợp tử vong, chủ yếu là trong làn sóng dịch bệnh thứ 5. Hong Kong từng ghi nhận mức ca mới cao kỷ lục trên 58.000 ca vào ngày 9/3.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Australia Grey Hunt ngày 25/3 xác nhận nước này sẽ nới lỏng các quy định áp dụng cho người nhập cảnh quốc tế kể từ ngày 17/4 sau khi Tuyên bố khẩn cấp về an toàn sinh học hết hiệu lực. Theo đó, Australia sẽ bãi bỏ yêu cầu du khách phải thực hiện xét nghiệm trước khi bay đến Australia, nhưng vẫn cần đảm bảo một số yêu cầu khác như xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi vaccine, với các loại vaccine đã được Australia phê duyệt và đeo khẩu trang trên tất cả các chuyến bay nội địa, cũng như quốc tế.

Về các chiến dịch tiêm phòng, trong ngày 25/3, nhiều nước cũng bắt đầu đưa ra các thông tin khuyến nghị về việc tiêm mũi vaccine thứ 4. Đến nay, Israel và Vương quốc Anh đã khuyến nghị tiêm mũi vaccine thứ 4, nhưng chỉ giới hạn ở các nhân viên y tế và những người có nguy cơ gặp triệu chứng nặng.

Bộ Y tế Lào cho biết nước này đã bắt đầu triển khai tiêm liều vaccine thứ 4 cho các nhóm ưu tiên và người từ 18 tuổi trở lên. Đây là liều sẽ được tiêm cho những người đã tiêm mũi thứ ba (mũi tăng cường) trước đó đủ 3 tháng trở lên. Các nhóm ưu tiên sẽ được xếp lần lượt theo thứ tự gồm: nhân viên tuyến đầu, những người trên 60 tuổi và những người có bệnh nền. Hai loại vaccine cho mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4 ) là vaccine của AstraZeneca và của Pfizer. Ngày 25/3, Lào ghi nhận 2.212 ca nhiễm, giảm 707 ca so với ngày trước đó. Tính tới nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 164.078 ca.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Nagoya, Aichi, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) quyết định sẽ tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ 4 để tăng cường khả năng miễn dịch cho người dân. Quyết định trên được đưa ra sau khi một hội đồng chuyên gia của MHLW phê chuẩn kế hoạch tiêm mũi vaccine thứ 4 với lý do hiệu quả phòng dịch của vaccine có xu hướng giảm sau một thời gian nhất định. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, MHLW vẫn chưa quyết định thời điểm triển khai và đối tượng được tiêm mũi thứ 4 cũng như khoảng cách giữa các mũi tiêm thứ 3 và thứ 4. Tính đến ngày 23/3, có trên 102,23 triệu người ở Nhật Bản đã được tiêm ít nhất 1 mũi, trong đó có gần 100,54 triệu người đã được tiêm mũi thứ 2. Riêng đối với mũi thứ 3, có trên 46,64 triệu người ở nước này đã được tiêm, chiếm khoảng 37% dân số.

Hội đồng Cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Australia (ATAGI) khuyến nghị 4 nhóm đối tượng có nguy cơ cao về sức khỏe nên tiêm nhắc liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 4, trong bối cảnh Australia sắp bước vào mùa Đông với dịch bệnh cúm nghiêm trọng thường xuất hiện trong giai đoạn này. Cụ thể, những người từ 65 tuổi trở lên, người Australia bản địa trên 50 tuổi, những người đang ở tại các cơ sở chăm sóc người già và người khuyết tật, cùng những người trên 16 tuổi được xác định là suy giảm hệ miễn dịch sẽ đủ điều kiện để tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 hay còn được gọi là “liều vaccine mùa Đông”, vào 4 tháng sau lần tiêm liều vaccine tăng cường thứ ba. Người dân có thể lựa chọn tiêm một trong 4 loại vaccine ngừa COVID-19 hiện đã được chấp thuận sử dụng ở Australia, bao gồm của các hãng AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna và Novavax.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Gruenau, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach cho biết đã đề nghị Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) thuộc Viện Robert Koch (RKI) đưa ra các khuyến nghị mới đối với những người có thể tiêm mũi thứ 4, trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang ở mức cao kỷ lục tại Đức. Bộ trưởng Lauterbach nhấn mạnh Đức phải chủ động phòng ngừa với mũi tiêm thứ 4 khi hiện có tới 90% số người được STIKO khuyến nghị tiêm mũi thứ 4 (là những người trên 70 tuổi, người có bệnh nền,...) vẫn chưa thực hiện việc này.

Ông cho biết đã đề nghị STIKO sửa đổi và mở rộng khuyến nghị đối với việc tiêm mũi tăng cường thứ hai này, khẳng định rằng việc tiêm mũi thứ 4 sẽ tạo ra sự khác biệt chỉ sau một tuần. Ông cũng kêu gọi tất cả những người chưa tiêm nên tiến hành tiêm chủng để ngăn ngừa nguy cơ bệnh trở nặng và có thể phải đánh đổi bằng tính mạng của mình.

Lê Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tinh-hinh-dich-covid19-ngay-253-20220325205939716.htm