Tình hình dịch COVID-19 ngày 20/2

Giới chức Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 20/2 nhận định tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại tỉnh Hồ Bắc - địa phương ở miền Trung nước này, bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh - đã dần cải thiện.

Trong 4 ngày liên tiếp, tính đến ngày 19/2, số ca được điều trị khỏi bệnh và xuất viện tính theo ngày tại tỉnh Hồ Bắc, trong đó có tâm dịch - thành phố Vũ Hán, đều vượt số ca xác nhận nhiễm mới.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 xuất viện sau khi được chữa khỏi tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 18/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 xuất viện sau khi được chữa khỏi tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 18/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thông báo của Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc, trong ngày 19/2 có thêm 349 ca nhiễm mới COVID-19 tại tỉnh này, giảm mạnh so với con số 1.693 ca một ngày trước đó và 4.823 ca trong ngày 13/2. Theo đó, tổng số ca nhiễm tại tỉnh Hồ Bắc tính từ tháng 12/2019 đến ngày 19/2 là 62.031 ca. Cũng trong ngày 19/2 có 1.266 bệnh nhân tại tỉnh Hồ Bắc xuất viện sau khi bình phục, nâng tổng số người xuất viện tại tỉnh này lên 9.128 người.

Theo người phát ngôn NHC Mi Feng, những số liệu vừa công bố cho thấy tình hình dịch bệnh tại tỉnh Hồ Bắc đã cải thiện nhờ triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch và tăng cường hỗ trợ y tế. Tuy nhiên, người phát ngôn này lưu ý 11.246 bệnh nhân tại tỉnh Hồ Bắc vẫn ở trong tình trạng nguy kịch, trong đó 9.562 ca tại Vũ Hán.

Tính đến hết ngày 19/2, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 74.576 ca được xác nhận nhiễm bệnh và 2.118 trường hợp tử vong do COVID-19.

Trong ngày 20/2 đã ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong ngoài Trung Quốc đại lục, trong đó có 2 ca tại Nhật Bản (gồm một cụ ông và một cụ bà ở độ tuổi 80, đều là hành khách trên tàu du lịch Diamond Princess) và một ca tại Hàn Quốc - người đàn ông 63 tuổi này có tiền sử bệnh tật kéo dài 20 năm qua. Như vậy tính đến tối 20/2, trên toàn thế giới có 75.768 ca nhiễm nCoV, trong đó có 2.129 ca tử vong. Đến thời điểm này, số người khỏi bệnh cũng lên tới 16.329 người.

Tại Hàn Quốc, tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp khi nước này ghi nhận tới 73 trường hợp nhiễm nCoV mới trong 2 ngày 19/2 và 20/2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 104 người.

Số ca nhiễm mới trong hai ngày 19/2 và 20/2 đa số đều ở thành phố Daegu, Đông Nam Hàn Quốc, với 42 trường hợp. Những người này đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhà thờ Shincheonji ở trung tâm thành phố Daegu. Các ca nhiễm mới này được cho có liên quan tới người phụ nữ 61 tuổi đã được xác nhận dương tính với nCoV ngày 18/2 vừa qua. Người phụ nữ này đã dự một số thánh lễ tại nhà thờ trước và sau khi có triệu chứng nhiễm virus.

Các kết quả khảo sát sơ bộ được chính quyền thành phố thực hiện cho thấy khoảng 90 trong số khoảng 1.000 người có mặt tại nhà thờ trên cùng với người phụ nữ này đã có dấu hiệu nhiễm nCoV. Giới chức y tế cho biết đã lập được danh sách hơn 1.000 thành viên của nhà thờ Shincheonji và đã yêu cầu họ tự cách ly. Thị trưởng thành phố 2,5 triệu dân Daegu cũng đã yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài để tránh cho dịch bệnh lan rộng. Toàn thành phố đã được đặt trong tình trạng báo động.

Cùng ngày, giới chức Hàn Quốc cũng xác nhận một lính hải quân trên đảo Jeju đã có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Quân nhân này ở độ tuổi 20, mới đây đã về thăm nhà ở Daegu. Ngày 20/2, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã cấm các binh sĩ ở thành phố Daegu rời căn cứ, kể cả nghỉ phép, cũng như không gặp người thăm. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) cùng ngày đã cấm việc đi lại "không cần thiết" tới hoặc đi từ thành phố Daegu.

Về phần mình, Nhật Bản cũng đã xác nhận có thêm hai quan chức chính phủ có xét nghiệm dương tính với nCoV. Một quan chức Bộ Y tế Nhật Bản cho biết một trong hai quan chức nhiễm bệnh làm việc tại bộ trên, trong khi người còn lại làm việc tại Văn phòng Thư ký Nội các. Cả 2 người này đều từng tham gia công tác kiểm dịch và kiểm tra y tế cho các hành khách và thủy thủ trên du thuyền Diamond Princess khi con tài này còn đang bị cách ly ngoài khơi thành phố cảng Yokohama của Nhật Bản. Trước đó, Nhật Bản cũng ghi nhận 3 quan chức khác thuộc Bộ Y tế và Văn phòng kiểm dịch có xét nghiệm dương tính với nCoV. Chính phủ Nhật Bản thông báo tính đến ngày 19/2, có 621 người trên tàu đã được xác nhận nhiễm COVID-19.

Trong diễn biến khác, chiều 20/2, Campuchia đã tổ chức lễ tiễn 233 hành khách cuối cùng trên du thuyền MS Westerdam, đang cập cảng Sihanoukville của nước này, rời khỏi tàu. Toàn bộ số hành khách đã lên 10 xe buýt rời thành phố Sihanoukville tới Sân bay quốc tế Phnom Penh, chuẩn bị về nước.

Xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại phòng thí nghiệm ở tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 9/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thông tin trên trang Facebook cá nhân của Thủ tướng Hun Sen, trước khi rời tàu, nhóm du khách đến từ 22 nước đều được Bộ Y tế Campuchia, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm chống bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ (USCDC) kiểm tra thân nhiệt và sức khỏe để đảm bảo không nhiễm COVID-19. Các nhân viên tàu MS Westerdam cũng được kiểm tra lại sức khỏe trước khi cho phép đưa tàu Westerdam rời khỏi Campuchia.

Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Công chính Sun Chanthol cho biết 747 thủy thủ và nhân viên sẽ cùng tàu MS Westerdam rời Campuchia đến Manila, Philippines vào ngày 22/2.

Bộ Y tế Campuchia cũng ra văn bản thông báo rằng 1.286 hành khách trên tàu MS Westerdam đều có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Campuchia nói rằng sức khỏe tổng quát của toàn bộ các hành khách đều bình thường, không ai có thân nhiệt tăng cao.

Trong ngày 20/2, Bộ Y tế Iran cho biết quốc gia này mới phát hiện thêm 3 ca dương tính với chủng mới của virus Corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hai bệnh nhân được phát hiện dương tính với nCoV ở thành phố Qom (Com) và một người khác ở thành phố Arak. Như vậy tới nay Iran đã ghi nhận 5 ca nhiễm nCoV. Trước đó, hãng thông tấn ISNA ngày 19/2 đưa tin giới chức Iran đã xác nhận 2 trường hợp đầu tiên tại nước này nhiễm nCoV và đã tử vong. Những diễn biến này cho thấy bệnh dịch đang lan sang vùng Trung Đông sau thời gian bùng phát mạnh tại Trung Quốc đại lục và lây lan sang các châu lục khác.

Liên quan đến những nghiên cứu về nCoV, các nhà khoa học Mỹ vừa công bố lần đầu tiên đã vẽ được bản đồ 3D cấp độ nguyên tử của virus corona chủng mới - phần cốt lõi của virus gắn với tế bào của người và gây nhiễm bệnh. Đây được xem là bước tiến quan trọng hướng tới bào chế vaccine phòng bệnh cũng như thuốc điều trị bệnh.

Nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Texas tại Austin và Viện nghiên cứu Sức khỏe quốc gia (NIH) đã nghiên cứu mã gene của virus do các nhà nghiên cứu của Trung Quốc cung cấp, và sử dụng mã gene này để phát triển một mẫu ổn định của spike protein (protein dằm), một trong những protein cốt lõi của virus. Sau đó, họ vẽ hình protein này bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến là máy soi hiển vi điện tử đông lạnh. Bản đồ cấu trúc này có thể giúp các nhà khoa học phát triển các protein mới để gắn vào các phần khác nhau của spike protein và ngăn cản hoạt động của protein này, áp dụng điều trị cho các bệnh nhân đã nhiễm virus.

Trong khi đó, các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu mẫu bệnh phẩm ở mũi và họng từ 18 bệnh nhân nhiễm nCoV cho rằng virus này lây giống cúm hơn nhiều so với các chủng virus liên quan khác.

Có ít nhất một trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 mà hoàn toàn không có triệu chứng bệnh. Điều này làm dấy lên lo ngại bệnh có thể lây từ những người không có triệu chứng nhiễm bệnh.

Mặc dù mới chỉ là nghiên cứu sơ bộ, song các nhà khoa học đã đưa ra bằng chứng mới cho thấy chủng virus gây COVID-19 không giống các chủng corona "họ hàng".

Theo bác sĩ Poland, một nhà nghiên cứu về virus và vaccine tại cơ sở y tế Mayo ở bang Minesota (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu trên, nếu được xác nhận, đây sẽ là phát hiện rất quan trọng.

Không giống SARS gây nhiễm trùng sâu đường hô hấp dưới có thể dẫn tới viêm phổi, COVID-19 có thể khu trú ở cả đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Điều này khiến nó không chỉ gây viêm phổi nặng mà có thể lây lan dễ dàng như cúm hoặc cảm lạnh thông thường.

Bác sĩ Kristian Andersen - nhà miễn dịch học tại trung tâm nghiên cứu Scripps tại La Jolla (California), người đã dùng các công cụ giải mã bộ gene để theo dõi sự bùng phát của dịch bệnh, cho rằng các phát hiện mới này bổ sung bằng chứng cho thấy virus COVID-19, mặc dù tương tự về mặt di truyền, song hoạt động không giống virus SARS và có thể có khả năng lây lan hơn bất kỳ chủng virus corona mới nào mà giới khoa học từng biết.

Theo đó, các nhà nghiên cứu đề xuất rằng trong kiểm soát COVID-19 sẽ cần một cách tiếp cận khác với cách tiếp cận đối với dịch SARS trước đây.

Trong ngày 20/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cảnh báo về tình trạng lan truyền các thuyết âm mưu liên quan tới dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với mục đích xấu hoặc do thiếu hiểu biết.

Cảnh báo được đưa ra sau khi một số cá nhân và cơ quan truyền thông đã lan truyền thông tin virus gây bệnh COVID-19 có thể liên quan tới một chương trình chiến tranh sinh học hoặc là một vũ khí sinh học rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc. Phát hiểu trong cuộc họp báo trực tuyến, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định quốc gia này hy vọng bên cạnh việc hợp tác và sát cánh với Bắc Kinh trong cuộc chiến nhằm đẩy lùi loại virus nguy hiểm này, cộng đồng quốc tế cũng sẽ tiếp tục phối hợp để loại bỏ những thuyết âm mưu và "những virus chính trị".

Ông Cảnh Sảng khẳng định lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhiều lần nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào cho thấy chủng mới của virus corona (nCoV) gây bệnh COVID-19 được sản sinh trong phòng thí nghiệm hay là kết quả của một quá trình sản xuất vũ khí sinh học. Nhiều chuyên gia y tế hàng đầu thế giới cũng tin rằng những cáo buộc như "rò rỉ từ phòng thí nghiệm" hay "phát triển vũ khí sinh học" đều không có cơ sở khoa học.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tinh-hinh-dich-covid19-ngay-202-20200220221501683.htm