Tình hình dịch bệnh viêm COVID-19 trên toàn thế giới tính tới ngày 1/5

Tính đến 21 giờ ngày 1/5 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 3.330.803 ca mắc bệnh COVID-19 và 234.769 trường hợp tử vong; số bệnh nhân phục hồi là 1.053.250 người.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Brooklyn, New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Brooklyn, New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 21 giờ ngày 1/5 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 3.330.803 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 234.769 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân phục hồi là 1.053.250 người.

Mỹ tiếp tục là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với 1.097.080 ca mắc bệnh và 63.913 ca tử vong.

Số liệu do Đại học Johns Hopkins cập nhật cho thấy, tính đến sáng 1/5, số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ trong 24 giờ qua là 2.053 người. Như vậy, sau hai ngày giảm liên tục, Mỹ lại trải qua 3 ngày liên tiếp có số ca tử vong tăng trở lại, đều ở ngưỡng trên 2.000 người/ngày.

Trước tình hình này, theo bước Jet Blue, ba hãng hàng không lớn của Mỹ gồm Delta Air Lines Inc, American Airlines Group Inc và Frontier Airlines thông báo áp dụng quy định yêu cầu các hành khách đeo khẩu trang trên các chuyến bay để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Về kinh tế, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa, làm hạn chế đầu tư và mua sắm, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 1 vừa qua đã giảm mạnh ở mức 4,8%. Đây là mức giảm tính theo quý mạnh nhất kể từ quý 4/2008, chấm dứt hơn một thập niên tăng trưởng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 239.639 ca mắc COVID-19 và 24.543 ca tử vong.

Ngày 1/5, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino cảnh báo GDP của nước này trong năm nay sẽ giảm 9,2%.

Chính phủ Tây Ban Nha cũng điều chỉnh tăng mức dự báo thâm hụt ngân sách trong năm nay lên 10,34% - mức thâm hụt mạnh nhất kể từ năm 2012 (10,7%). Tỷ lệ thất nghiệp trong năm nay được dự báo tăng lên 19%, nhưng sau đó sẽ giảm xuống còn 17,2% trong năm 2021.

Hiện quốc gia thuộc bán đảo Iberia này vẫn là tâm dịch lớn nhất tại châu Âu, tiếp đó là Italy - với 205.463 ca mắc COVID-19 và 27.967 ca tử vong. Anh hiện có 171.253 ca mắc COVID-19; trong đó có 26.771 ca tử vong, tiếp đó là Pháp với 167.178 ca mắc và 24.376 ca tử vong, Đức là 163.162 ca mắc và 6.632 ca tử vong.

Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 cho biết tính đến trưa 1/5, nước này đã ghi nhận thêm 7.933 người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang trong vòng một ngày, mức cao nhất trong ngày từ trước tới nay, đẩy tổng số ca mắc COVID-19 lên 114.431 người.

Ở khu vực Mỹ Latinh, đại dịch COVID-19 cũng đang tiếp tục lây lan mạnh tại Brazil khi nước này xác nhận thêm 7.218 ca nhiễm ngày 30/4, con số kỷ lục trong 1 ngày. Số ca mắc bệnh ở nước này hiện là 87.187 người, trong khi số ca tử vong là 6.006.

Chính quyền thành phố Rio de Janeiro cảnh báo hệ thống bệnh viện tại đây có thể sẽ “sụp đổ” trong những ngày tới do số lượng bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng.

Trong khi đó, Mexico là nước có tỷ lệ tử vong cao nhất tại châu Mỹ, tới 9,67%, trong bối cảnh 70% dân số nước này mắc các bệnh về cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch và béo phì.

Nhằm ngăn chặn dịch lây lan, cơ quan chức năng kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 30/5. Dự báo đỉnh dịch sẽ diễn ra vào tuần tới và kéo dài trong vòng 3 tuần.

Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Singapore ngày 1/5 thông báo đã phát hiện thêm 932 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 17.101 ca, trong đó khoảng 90% số ca nhiễm là lao động nước ngoài. Số ca tử vong đang là 15 người.

Giới chức Singapore đánh giá tình hình bùng phát dịch bệnh tại các khu nhà ở của lao động nước ngoài tiếp tục là một thách thức.

Đến nay đã có 38/43 khu nhà ở tập thể của lao động nước ngoài bị coi là ổ dịch. Trước tình hình này, Singapore đã quyết định kéo dài thời gian cách ly toàn diện đối với tất cả lao động nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại 43 khu nhà ở thêm 2 tuần, tới ngày 18/5 tới.

Trong khi đó, Lào và Malaysia bắt đầu nới lỏng một số hạn chế. Chính phủ Lào đã công bố một số biện pháp nới lỏng các quy định hạn chế từ ngày 4/5 tới để đưa xã hội dần trở lại nhịp hoạt động bình thường trên tinh thần vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa như rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ giãn cách tối thiểu 1m.

Còn tại Malaysia, nhiều doanh nghiệp được phép khôi phục hoạt động từ ngày 4/5 tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ đặc thù tụ tập đông người và tiếp xúc gần như rạp chiếu phim và các chợ Ramadan, chưa được phép mở cửa trở lại.

Các trường học và đền thờ Hồi giáo cũng vẫn đóng cửa. Người dân cũng không được phép về quê trong kỳ nghỉ Eid cuối tháng Năm này, sau tháng lễ Ramadan. Số ca nhiễm mới ở Malaysia đã chậm lại đáng kể trong vài tuần trở lại đây. Hiện Malaysia ghi nhận khoảng 6.000 ca mắc và 100 ca tử vong vì dịch bệnh.

Người dân di chuyển trên phố ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 16/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thái Lan đã 5 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới theo ngày ở mức 1 chữ số. Tính đến ngày 1/5, tại nước này có tổng cộng 2.960 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong.

Đại học Prince of Songkla (PSU) của Thái Lan đang phát triển các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 có thể cho kết quả trong 15 phút dựa trên kỹ thuật sắc ký miễn dịch. Bộ xét nghiệm này sử dụng nguyên lý sắc ký miễn dịch để phát hiện các kháng thể IgM và IgG mà hệ miễn dịch của người bị nhiễm COVID-19 sản sinh ra.

Cùng ngày, Nhật Bản thông báo sẽ cung cấp miễn phí thuốc kháng virus Avigan cho 43 nước để tiến hành nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả của thuốc trong điều trị bệnh COVID-19.

Thuốc Avigan dự kiến sẽ được gửi đến các nước trên sau khi đợt nghỉ Tuần lễ Vàng tại Nhật Bản kết thúc vào ngày 6/5 tới. Khoảng 80 nước đã bày tỏ sự quan tâm tới thuốc Avigan. Mỗi quốc gia sẽ nhận lượng thuốc Avigan đủ để điều trị cho khoảng 20-100 người vì mục đích nghiên cứu.

Tối 1/5, Bộ Nội vụ Ấn Độ (MHA) đã ban hành chỉ thị tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa thêm 2 tuần sau ngày 4/5 tới, trong bối cảnh số ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở quốc gia hơn 1,3 tỷ dân này đã tăng lên 35.365 ca với 1.152 người tử vong.

MHA cũng ban hành tài liệu hướng dẫn mới để điều tiết các hoạt động khác nhau trong giai đoạn này dựa cơ sơ phân vùng nguy cơ dịch bệnh đối với các quận huyện trên cả nước theo các khu vực màu đỏ (điểm nóng - 130 khu vực), màu cam (284) và màu xanh (319).

Bản hướng dẫn cho phép nới lỏng đáng kể các biện pháp hạn chế tại những vùng được đánh dấu màu cam và màu xanh.

Hôm 30/4, Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ đã xác định tất cả các thành phố đô thị lớn của nước này là Delhi, Mumbai, Chennai, Kolkata, Hyderabad, Bengaluru và Ahmedabad là những khu vực màu đỏ sau khi lệnh phong tỏa giai đoạn 2 kết thúc vào ngày 3/5 tới, và đề nghị chính quyền các bang và địa phương phân định các vùng ngăn chặn và vùng đệm để theo dõi chặt chẽ hoạt động di chuyển bên trong.

Uttar Pradesh và Maharashtra là hai bang có số lượng khu vực màu đỏ cao nhất lần lượt là 19 và 14, tiếp theo là Tamil Nadu 12. Tất cả các quận của Delhi (11 quận) đều nằm trong diện này. Bộ Y tế sẽ chia sẻ thông tin về việc phân loại các khu vực màu đỏ, màu cam và màu xanh với các bang trên cơ sở hàng tuần hoặc sớm hơn nếu cần.

Ngoài ra, MHA cũng cho phép sử dụng phương tiện tàu hỏa để đưa người bị mắc kẹt do lệnh phong tỏa toàn quốc tới các bang tương ứng của họ.

Theo đó, những người mắc kẹt như lao động di cư, khách du lịch, khách hành hương và sinh viên nay có thể di chuyển bằng tàu hỏa. Các bang và nhà chức trách đường sắt sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết để tạo thuận lợi cho hoạt động này./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tinh-hinh-dich-benh-viem-covid19-tren-toan-the-gioi-tinh-toi-ngay-15/637905.vnp