Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 2/6: Thái Lan phát sinh ca tử vong mới, Singapore mở cửa lại trường học

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến 23 giờ 59 phút ngày 2/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.533 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 2.834 người.

Khách du lịch tại Bangkok, Thái Lan, ngày 2/3/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Khách du lịch tại Bangkok, Thái Lan, ngày 2/3/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, có ba nước thành viên ASEAN là Indonesia, Philippines và Thái Lan ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Trong ngày, khu vực có 5 nước ghi nhận các ca mắc mới, trong đó Indonesia là nơi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng nhất khu vực. Singapore dù số ca dương tính mới hơn 500 người, song số ca tử vong vẫn duy trì ở mức thấp.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.834 người dân ở khu vực này, tăng 29 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 94.207 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 45.346 trường hợp.

Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới chính là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với 1.613 người tử vong. Thái Lan sau một thời gian dài không có ca tử vong, ngày 2/6, đã có thêm 1 bệnh nhân thiệt mạng vì đại dịch. Về tổng thể, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 2/6

Các tín đồ Hồi giáo thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 trong một buổi cầu nguyện tại Jakarta, Indonesia, ngày 24/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Indonesia, số ca mắc mới và tử vong trong ngày vẫn cao. Số liệu thống kê của trang worldometers.info tới hết ngày 2/6 cho thấy Indonesia trong 24 giờ qua ghi nhận 609 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 và 22 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 và tử vong tại nước này lên lần lượt 27.549 và 1.663.

Ngày 2/6, Bộ trưởng Các vấn đề tôn giáo Indonesia Fachrul Razi cho biết bộ này đã hủy bỏ cuộc hành hương của người dân trong năm 2020 cũng như đưa ra các quy định hạn chế đi lại do lo ngại lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Các tín đồ Hồi giáo rửa tay phòng lây nhiễm COVID-19 trước một buổi cầu nguyện tại Jakarta, Indonesia, ngày 24/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ban Ban thư ký nội các Indonesia cho hay hàng năm có tới hàng trăm nghìn người Indonesia đi đến Saudi Arabia, nơi có hai địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi - Mecca và Medina. Đối với nhiều người Indonesia, cuộc hành hương tôn giáo là sự kiện "một lần trong đời", với thời gian chờ đợi trung bình 20 năm do phải tuân theo hệ thống hạn ngạch.

Ông Fachrul Razi lưu ý hạn ngạch cho người hành hương Indonesia năm nay là 221.000 người, với hơn 90% đã đăng ký trên trang web của Bộ Tôn giáo để tham gia hành hương. Chính quyền Saudi Arabia đã cho biết các cuộc hành hương haj và umrah, nơi thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới sẽ vẫn bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới.

Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách lên tàu hỏa tại Manila, Philippines ngày 1/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVNảnh

Philippines, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên tới 18.997 ca sau khi nước này thông báo có thêm 359 ca nhiễm mới trong ngày 2/6.

Cũng trong ngày này, Philippines ghi nhận thêm 6 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên tới 966 ca. Người phát ngôn Tổng thống Philiipines cho biết nước này đã đạt được mục tiêu tiến hành 30.000 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào cuối tháng 5/2020.

Ngày 1/6, hàng triệu người dân thủ đô Manila đã đi làm trở lại, trong bối cảnh nhà chức trách Philippines quyết định nới lỏng một trong những lệnh phong tỏa dài nhất thế giới do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để phục hồi kinh tế.

Sau gần 3 tháng áp dụng phong tỏa, các phương tiên giao thông công cộng tại Philippines được phép hoạt động trở lại nhưng với quy mô hạn chế, khiến nhiều khách phải xếp hàng đợi trong nhiều giờ. Philippines đã cho phép phần lớn các doanh nghiệp mở lại hoạt động và người dân có thể rời nhà mà không cần giấy phép. Tuy nhiên, các trường học, quán bar, nhà hàng vẫn phải đóng cửa. Hiện cả trẻ em và người lớn tuổi ở Philippines vẫn phải ở nhà trừ khi cần ra ngoài mua nhu yếu phẩm.

Biện pháp giãn cách xã hội được tuân thủ tại khu ăn uống của một trung tâm thương mại. Ảnh: Ngọc Quang - PV TTXVN tại Thái Lan

Thái Lan, sau một thời gian dài yên ắng, ngày 2/6 đã ghi nhận thêm 1 ca tử vong nữa vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại "xứ sở chùa Phật ngọc" lên 58 ca, trong tổng số 3.083 trường hợp mắc bệnh.

Tuy nhiên, nhìn chung Thái Lan đã khống chế tốt đại dịch. Trước tình hình đó, người dân nước này đang bắt đầu đi viếng các đền thờ trong bối cảnh đất nước có đông người theo Phật giáo này đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Khách đến viếng thăm đền vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ trước khi bước vào đền.

Các vũ công đeo mặt nạ phòng lây nhiễm COVID-19 trong buổi biểu diễn tại Đền Erawan ở Bangkok, Thái Lan ngày 4/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Thượng viện Thái Lan ngày 2/6 đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ baht (khoảng 60 tỷ USD) để giảm thiểu những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế Thái Lan có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Theo đánh giá của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT), nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này sẽ sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân.

Gói kích thích kinh tế này bao gồm 3 sắc lệnh khẩn cấp. Sắc lệnh thứ nhất cho phép Bộ Tài chính Thái Lan vay 1.100 tỷ baht để khôi phục nền kinh tế, sắc lệnh thứ hai dành những khoản vay ưu đãi với tổng giá trị 500 tỷ baht cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sắc lệnh thứ ba dành số tiền còn lại cho việc ổn định hệ thống tài chính và an ninh kinh tế. Trước đó, ngày 31/5, Hạ viện Thái Lan cũng đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế trên.

Người lao động nhập cư tại một khu ký túc xá ở Singapore, ngày 19/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, các trường học ở Singapore đã mở cửa trở lại sau gần 2 tháng đóng cửa do dịch COVID-19. Học sinh đến trường phải tuân thủ các quy định về y tế như đeo khẩu trang, đo nhiệt độ và rửa tay sát khuẩn cũng như giữ khoảng cách an toàn khi xếp hàng vào lớp, ngồi cách xa nhau tại căng tin...

Là một trong những nước có số ca nhiễm cao nhất ở châu Á, Singapore thông báo sẽ dần nới lỏng các biện pháp hạn chế. Phòng đăng ký kết hôn và một số hoạt động kinh doanh cũng trở lại hoạt động vào ngày 2/6.

Theo kết quả nghiên cứu ở một số nước châu Âu đã mở cửa lại trường học, việc mở cửa này không làm tăng số ca nhiễm bệnh, trong khi các nghiên cứu khác cho thấy số ca nhiễm ở trẻ em ít hơn so với người trưởng thành. Theo số liệu mới nhất, Singapore ngày 2/6 thông báo có 544 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 35.836 ca, trong khi số ca tử vong đến nay vẫn là 24 ca.

Khu đền Angkor Wat ở Siem Reap, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Tờ Bangkok Post ngày 2/6 đưa tin khoảng 1.000 tiểu thương Campuchia đã biểu tình tại cửa khẩu biên giới ở tỉnh Banteay Meanchey giáp với Thái Lan để phản đối việc đóng cửa biên giới kéo dài vì đại dịch COVID-19.

Theo tờ báo, những tiểu thương này tụ tập bên phía Campuchia và lên tiếng yêu cầu cửa khẩu được mở lại để họ có thể sang bên phía Thái Lan để buôn bán tại chợ đồ cũ Rong Klua thuộc huyện Aranyaprathet của tỉnh Sa Kaeo.

Cuộc biểu tình bắt đầu từ sáng sớm 1/6 và ngày càng đông, khiến cho văn phòng tỉnh Banteay Meanchey phải vào cuộc và thuyết phục thành công những người biểu bình giải tán vào khoảng 9h sáng.

Các phương tiện lưu thông trên đường phố ở Manila, Philippines ngày 1/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 2/6, các nước ASEAN khác như Brunei, Việt Nam, Myanmar hay Timor Leste không ghi nhận ca COVID-19 nào.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tinh-hinh-covid19-tai-asean-het-ngay-26-thai-lan-phat-sinh-ca-tu-vong-moi-singapore-mo-cua-lai-truong-hoc-20200602221612903.htm