Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 18/5: Toàn khối có 2.220 ca tử vong, gần 70.000 người bệnh

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á ghi nhận 1.063 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 50 người tử vong. Indonesia vượt qua Singapore về số ca mắc bệnh mới và tử vong trong ngày.

Người dân mua sắm tại một trung tâm thương mại mới mở cửa trở lại ở Bangkok, Thái Lan ngày 17/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân mua sắm tại một trung tâm thương mại mới mở cửa trở lại ở Bangkok, Thái Lan ngày 17/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/5, các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tổng cộng 69.860 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.063 ca so với một ngày trước.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 2.220 người dân trong khu vực, tăng 50 ca so với ngày 17/5. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công hiện là 25.521 trường hợp.

Nhìn chung, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines; nhiều nước ASEAN bắt đầu mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế-xã hội sau chuỗi nhiều ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Indonesia tung gói kích thích kinh tế trị giá 43 tỷ USD

Chính phủ Indonesia đang triển khai chương trình kích thích kinh tế trị giá 641.170 tỷ rupiah (43 tỷ USD), lớn hơn khoản tiền được công bố trước đó, nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), cũng như các doanh nghiệp nhà nước (SOE).

Ngày 18/5, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết chương trình phục hồi kinh tế quốc gia của Chính phủ Indonesia sẽ tăng cường hỗ trợ cho mạng lưới an sinh xã hội, cấp các ưu đãi thuế, bơm vốn cho các SOE và miễn giảm lãi suất tín dụng cho các MSME. Với quy mô của gói kích thích trên, dự kiến, thâm hụt ngân sách năm nay sẽ tăng lên mức 6,27% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn so với kế hoạch ban đầu là 5,07% GDP.

Trong kế hoạch cứu trợ, chính phủ tiếp tục miễn giảm tiền điện cho hộ gia đình có mức tiêu thụ điện 450 VA/tháng và giảm giá 50% cho khách hàng có mức tiêu thụ điện tới 900 VA/tháng đến tháng 9/2020. Chính phủ tiếp tục hỗ trợ thực phẩm thiết yếu cho người dân đến tháng 12/2020.

Ngày 18/5, Indonesia tiếp tục ghi nhận 496 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này lên thành 18.010 người. Như vậy, Indonesia đã vượt qua Singapore dẫn đầu khu vực về số ca mắc COVID-19 trong ngày và tiếp tục là quốc gia có số ca tử vong cao nhất khu vực. Theo Bộ Y tế Indonesia, số ca tử vong mới do COVID-19 tại đất nước vạn đảo là 43 ca, và tổng số bệnh nhân đã tử vong hiện là 1.191 người. Trong khi đó, tổng số bệnh nhân đã hồi phục là 4.324 người.

Dòng người đi lại đông đúc ở Bogor, Indonesia sau khi lệnh hạn chế được nới lỏng. Ảnh: Straits Times

Philippines bị dịch tấn công ở cả trong và ngoài nước

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này đã ghi nhận thêm 205 ca mắc COVID-19 và 7 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại đây lên lần lượt là 12.718 và 831 ca. Ngoài ra, Philippines cũng có thêm 94 bệnh nhân hồi phục, đưa tổng số ca phục hồi ở nước này lên 2.729 người.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trên 2.400 công dân Philippines ở nước ngoài đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó ngày 18/5, có thêm 8 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong. Như vậy số người Philippines tử vong vì COVID-19 ở nước ngoài là 279 ca.

Kiểm tra thân nhiệt tại một chốt kiểm soát ở Philippines. Ảnh: Philstar

Trong khi đó, Bộ Y tế Malaysia ghi nhận 47 ca mắc COVID-19 trong ngày 18/5, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 6.941. Số ca tử vong do dịch bệnh hiện vẫn là 113 ca, không ghi nhận trường hợp tử vong mới trong ngày.

Trước việc dịch bệnh diễn biến phức tạp đặt ra nhiều thách thức cho đất nước, đặc biệt là kinh tế, Quốc vương Malaysia Abdullah Sultan Ahmad Shah đã hối thúc các nghị sĩ đoàn kết, hợp tác hướng tới sự ổn định và tránh làm phức tạp thêm tình hình chính trị. Quốc vương cũng kêu gọi Chính phủ Malaysia tập trung vào nhiệm vụ ổn định cuộc sống và đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Thái Lan: Kinh tế tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 8 năm

Theo thống kê của Chính phủ Thái Lan công bố ngày 18/5, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý I đã giảm ở mức 1,8% và đây là mức giảm mạnh nhất trong 8 năm. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến du lịch và hoạt động kinh tế nội địa.

Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở Bangkok, Thái Lan ngày 16/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi điều chỉnh yếu tố thời vụ, tăng trưởng kinh tế Thái Lan trong quý I đã giảm 2,2%. Bên cạnh đó, Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan (NESDC), cơ quan hoạch định chính sách của nước này, đã điều chỉnh mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV/2019 từ 0,2% thành âm 0,2%.

Với hai quý liên tiếp tăng trưởng âm, kinh tế Thái Lan đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật. NESDC cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2020 xuống âm 5%-6%, thay vì 1,5%-2,5% như dự báo trong tháng 2 vừa qua. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước này.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 18/5 (theo giờ Việt Nam), Thái Lan hiện ghi nhận tổng cộng 3.031 ca nhiễm (tăng 3 ca trong ngày 18/5) và 56 ca tử vong do COVID-19.

Singapore thêm 305 ca bệnh trong ngày

Bộ Y tế Singapore cho biết trong ngày 18/5 nước này ghi nhận 305 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 28.343. Trong số ca nhiễm virus mới chỉ có 2 người Singapore và thường trú nhân, còn lại đều là công nhân nhập cư sống trong các khu nhà ở tập thể.

Bộ Y tế Singapore cho biết con số ca bệnh mới thấp hơn trong ngày 18/5 một phần là do số lượng xét nghiệm được tiến hành ít hơn khi một phòng thí nghiệm tạm dừng hoạt động để xem xét lại quy trình sau sự cố hiệu chuẩn thiết bị trước đó. Phòng thí nghiệm này sẽ cần thời gian để tăng khả năng xét nghiệm.

Hải quân Singapore mở chiến dịch kiểm tra đề phòng lây nhiễm dịch COVID-19 trên các tàu hàng nước ngoài. Ảnh: Straits Times

Cũng theo cơ quan trên, hiện có 1.036 bệnh nhân đang điều trị tại Singapore, hầu hết tình hình đã cải thiện, chỉ có 12 người trong tình trạng nguy kịch được chăm sóc đặc biệt. Tổng cộng 17.450 công nhân đã bị cách ly và được chăm sóc trong các cơ sở cộng đồng. Tính đến ngày 17/5, có gần 8% công nhân nhập cư tại Singapore có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Trong khi đó, ngày 18/5, Myanmar ghi nhận 3 ca COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 187 trường hợp, trong đó 97 người đã hồi phục.

Các quốc gia còn lại trong khu vực gồm Brunei, Campuchia, Timor Leste Lào đều không ghi nhận ca nhiễm virus và tử vong nào trong ngày.

Ngày 18/5, Việt Nam có 4 ca mắc COVID-19, trong đó có 2 trường hợp là tiếp viên hàng không trên chuyến bay đón người từ vùng dịch về. Như vậy, đến nay Việt Nam ghi nhận tổng số 324 ca COVID-19 và đã 32 ngày nước ta không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Vào chiều 18/5, thêm 3 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Các bệnh sức khỏe ổn định, không ho, không sốt, không khó thở.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tinh-hinh-covid19-tai-asean-het-ngay-185-toan-khoi-co-2220-ca-tu-vong-gan-70000-nguoi-benh-20200518222204118.htm