Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 14/6: Ba nước có các ca tử vong mới; Thái Lan chính thức dỡ bỏ giới nghiêm

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.813 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 3.200 người.

Người dân và khách du lịch thăm Hoàng cung ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 7/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân và khách du lịch thăm Hoàng cung ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 7/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có ba quốc gia Indonesia, Philippines và Malaysia ghi nhận ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Tình hình tiếp tục diễn biến nghiêm trọng và ngày một xấu đi ở Indonesia; Malaysia liên tiếp ghi nhận các ca tử vong trong mấy ngày qua.

Trong ngày, khu vực có 6 nước ghi nhận các ca mắc mới.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.435 người dân ở khu vực này, tăng 58 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 117.306 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 61.203 trường hợp.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trước khi người lao động quay trở lại làm việc tại Singapore ngày 10/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia vẫn là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với tổng cộng 2.130 người tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai nước Indonesia và Philippines.

Ngược lại, 6 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN đang đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 14/6

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 8/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình tại Indonesia là phức tạp nhất. Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này ghi nhận thêm 857 ca mắc mới và 43 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Theo đó, tổng số ca mắc tại đây tăng lên 38.277 ca, trong đó có 2.134 ca tử vong.

Indonesia có thêm 755 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện, nâng tổng số ca bình phục lên 14.531 người. Đến nay, đảo quốc này đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cho 322.933 người.

Nhằm giúp Indonesia ứng phó với đại dịch, Liên hợp quốc (LHQ) sẽ giải ngân 2 triệu USD từ Quỹ ủy thác đa phương chống dịch COVID-19 (COVID-19 MPTF). Khoản tiền trên sẽ được giải ngân thông qua dự án bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ và trẻ em, trước các tác động kinh tế và xã hội của đại dịch.

Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Sibreh, tỉnh Aceh, Indonesia, ngày 11/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Indonesia, ông Niels Scott nhấn mạnh ưu tiên của LHQ là hỗ trợ Chính phủ Indonesia bảo vệ tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Ông Scott bày tỏ cảm ơn chính phủ các nước Hà Lan, Na Uy, Thụy Sĩ và Đan Mạch cung cấp những khoản đóng góp đầu tiên cho Quỹ COVID-19 MPTF.

Gói tài trợ trên sẽ hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương thông qua các cơ chế bảo vệ kinh tế và xã hội bằng cách tăng cường hỗ trợ tiền mặt, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội và cung cấp hỗ trợ giáo dục và an ninh lương thực cho trẻ em. Ngoài ra, khoản tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ đổi mới kỹ thuật số, qua đó giúp thúc đẩy việc làm, tăng cường các dịch vụ xã hội và cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế.

LHQ cho biết chương trình sẽ được triển khai thông qua các cơ quan tại Indonesia, trong đó có Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF). Tính đến ngày 13/6, Quỹ COVID-19 MPTF đã hỗ trợ cho 45 quốc gia đang phát triển với tổng ngân sách được phê duyệt là 41,3 triệu USD, trong đó Indonesia và Ấn Độ được hỗ trợ nhiều nhất với 2 triệu USD mỗi nước.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên tàu điện tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines đã xác nhận thêm 539 ca mắc và 14 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc tại nước này đã tăng lên 25.930 ca, trong đó có 1.088 ca không qua khỏi.

Do tác động của dịch COVID-19, lượng kiều hối của Philippines năm 2020 có thể giảm 5% so với năm 2019 do tác động của dịch COVID-19.

Theo Thống đốc ngân hàng trung ương Philippines (BSP) Benjamin Diokno, kiều hối tiền mặt mà những lao động Philippines ở nước ngoài (OFWs) gửi về thông qua các ngân hàng có thể chỉ đạt 28,6 tỷ USD năm 2020, giảm khoảng 5% so với con số cao kỷ lục 30,7 tỷ USD trong năm 2019.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trước khi người lao động quay trở lại làm việc tại Singapore ngày 10/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính tới hết ngày 14/6, Bộ Y tế Singapore thông báo 407 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 40.604 ca. Số ca tử vong tại đảo quốc này vẫn là 26 ca, trong khi 28.808 ca đã bình phục và xuất viện.

Malaysia sau hơn 1 tháng kiểm soát tốt dịch bệnh, những người qua đang chứng kiến làn sóng virus SARS-CoV-2 có vẻ đang quay trở lại, sau khi nước này ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 đầu tiên trong vòng hơn 5 tuần.

Theo www.worldometers.info tới hết ngày 14/6, Malaysia có tổng cộng 8.453 ca mắc bệnh và 121 trường hợp tử vong.

Khách du lịch trên đường Khao San ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 6/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan ngày 14/6 chỉ ghi nhận thêm 1 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 3.135, nhiều thứ 5 khu vực Đông Nam Á.

Đa số người dân Thái Lan được hỏi không còn lo ngại về dịch COVID-19, nhưng chưa muốn du khách nước ngoài sớm trở lại dù tình hình dịch bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này đang cải thiện và lệnh giới nghiêm ban đêm được dỡ bỏ từ ngày 15/6.

Kết quả thăm dò dư luận của Viện Quản lý phát triển Quốc gia (NIDA) công bố ngày 14/6 cho thấy 52,76% số người được hỏi nói rằng không còn sợ bệnh COVID-19 do Thái Lan không còn những ca lây nhiễm mới trong cộng đồng từ nhiều ngày qua và họ tin tưởng vào công việc của các nhân viên y tế.

Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit thực hiện được công bố cùng ngày cho thấy đa số người dân Thái Lan được hỏi (75,72%) không muốn du khách nước ngoài trở lại sớm vì cho rằng người nước ngoài có thể làm lây lan dịch COVID-19 và người dân Thái sẽ có thể là những người đầu tiên lây nhiễm.

Người dân Lào đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi ra đường. Ảnh: THX

Trong số các nước ASEAN, hiện có Lào và Timor-Leste không còn bệnh nhân COVID-19 nào.

Ngày 11/6, Chính phủ Lào tuyên bố nước này đã giành chiến thắng ban đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, sau khi toàn bộ 19 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được xuất viện và không có ca nhiễm mới nào trong hơn 60 ngày liên tiếp.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tinh-hinh-covid19-tai-asean-het-ngay-146-ba-nuoc-co-cac-ca-tu-vong-moi-thai-lan-chinh-thuc-do-bo-gioi-nghiem-20200614233207292.htm