Tình hình chiến trường Ukraine nghiêng về Nga, Mỹ tìm kiếm ngừng bắn

Mỹ vừa đột ngột muốn có ngừng bắn trong bối cảnh diễn biến trên chiến trường Ukraine chuyển biến theo hướng có lợi cho Nga. Nhưng Moscow không dễ nghe theo đề xuất này.

Lợi thế nghiêng về quân đội Nga, phương Tây thừa nhận thực tế

Những ngày qua, tình hình ở Ukraine đã biến chuyển mau lẹ. Chỉ khoảng một tuần trước, giới lãnh đạo Ukraine tự tin rằng họ có thể đẩy lùi người Nga ra khỏi lãnh thổ của mình, nhưng giờ thì Ukraine đang đứng trước bất lợi lớn ở vùng Donbass – khu vực thuộc miền Đông Ukraine trải dài tới biển Azov và hơn thế nữa.

Lính Nga trên chiến trường Donbass. Ảnh: TASS.

Lính Nga trên chiến trường Donbass. Ảnh: TASS.

Giờ đây báo chí Mỹ và châu Âu dường như đã bám sát những gì xảy ra trên chiến trường hơn, sau nhiều tuần họ thường xuyên dẫn lại các tuyên truyền từ phía Ukraine cho rằng quân đội Ukraine đang chống trả hiệu quả lực lượng Nga.

Với thực tế mới trên chiến trường Ukraine, mức độ hấp dẫn của tư cách thành viên NATO có thể không còn như trước nữa.

Mỹ đang gửi thêm các loại vũ khí mới tới Ukraine, trong đó có HIMARS – một hệ thống rocket chính xác cơ động cao. Số vũ khí này sẽ phải rút ra từ kho vũ khí của Mỹ, từ đó dễ làm suy yếu năng lực quân sự của Mỹ ở những nơi khác, đặc biệt là ở Đông Á. Nhưng ngay cả khi Mỹ quyết tâm gửi HIMARS cho Ukraine thì điều này có thể vẫn là muộn màng đối với sự kháng cự của Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn đang chuẩn bị cho việc đạt một thỏa thuận với Nga. Hiện chưa rõ liệu ông Zelensky có làm được điều đó hay không.

Lực lượng có thể gây áp lực đáng kể lên ông Zelensky từ trong nước chủ yếu là Lữ đoàn dân tộc chủ nghĩa cực đoan Azov nhưng các thành viên của tổ chức này hiện đang bị giam trong trại tù binh của Nga sau thất bại ở mặt trận Mariupol. Do vậy, ông Zelensky có thể sẽ rảnh tay hơn trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận đình chiến.

Vào ngày 13/5/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gọi cho người đồng cấp Nga Sergei Shoigu, đề nghị ông Shoigu ủng hộ một lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

Ngày 19/5, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley gọi điện cho người đồng cấp Nga tướng Valery Gerasimov. Chi tiết cuộc thảo luận này chưa được công bố nhưng người ta có thể đoán đó lại là một đề nghị nữa của Mỹ về một lệnh đình chiến.

Vì sao Washington lại đột ngột muốn tìm kiếm một lệnh ngừng bắn tại Ukraine đến như vậy? Một phương án giải thích là họ đã thấy rõ quân Nga đang chiếm ưu thế ở mặt trận Donbass và phía Ukraine khó lật ngược tình thế.

Hai cuộc gọi điện nói trên đánh dấu sự liên lạc đầu tiên giữa quân đội Nga và quân đội Mỹ kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24/2/2022.

Cần lưu ý rằng Mỹ vừa mới rút quân khỏi Afghanistan và ngay sau đó họ phải chứng kiến cảnh Taliban tuyên bố chiến thắng trên toàn lãnh thổ Afghanistan.

Và trước ván bài Ukraine hôm nay, NATO dường như đoàn kết hơn bao giờ hết. Mỹ và đồng minh viện trợ vũ khí cho Ukraine với tốc độ chưa từng có tiền lệ. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ đã cử phu nhân của mình, bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng sang Ukraine.

Nga không vội vã đình chiến và có thể có nhiều toan tính

Tuy nhiên, dường như Nga vẫn chưa nghe theo lời thuyết phục của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.

Có ít nhất 2 lý do để Nga khước từ các đề nghị đó. Điều thứ nhất (và cũng dễ hiểu nhất): Nga đã giành lợi thế lớn trên chiến trường, tránh được thế thảm họa ở Ukraine. Lý do thứ hai, liên quan chặt với điều thứ nhất: Tổng thống Nga Putin cần một chiến thắng chứ không phải là một tình trạng đình chiến. Ông Putin đứng trước sức ép trong nước phải chiến thắng. Một lệnh ngừng bắn sẽ có ý nghĩa tiêu cực đối với ông.

Như vậy, người Ukraine chỉ có thể chấm dứt chiến tranh sau khi nhất trí được một thỏa thuận đầy đủ về hòa bình chứ không phải là trước khi có một thỏa thuận như vậy.

Có nhiều điều mà Nga chắc chắn muốn Ukraine phải chấp nhận. Điều lớn nhất là không có sự hiện diện của NATO trên đất Ukraine. Tổng thống Zelensky từng bắn tin về khả năng ông chấp nhận điều này.

Nhưng người Nga có thể đi xa hơn nữa, muốn Ukraine gia nhập chính liên minh an ninh quen thuộc của Nga, đó là Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) hiện gồm Nga, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.

Nga có thể muốn CSTO thay thế vai trò của NATO đối với Ukraine. CSTO cũng có thể đề xuất với Ukraine các bảo đảm về an ninh nếu Ukraine chấp nhận.

Phương án 2 là Ukraine có thể tự đề xuất liên kết với Ủy ban Hợp tác An ninh châu Âu (CSCE) – đây là một bên của cả hai thỏa thuận Minsk, nên có độ tin cậy đối với cả Ukraine lẫn Nga. Nhưng phương án này vẫn phải chờ đợi sự đồng ý của Tổng thống Putin bởi CSCE đã không thể đưa ra một giải pháp cuối cùng trong khuôn khổ thỏa thuận Minsk II (2015) - điều này đã mở cửa cho NATO và Mỹ huấn luyện và cung cấp vũ khí khí tài cho quân đội Ukraine, cũng như khởi động xây dựng căn cứ hải quân và không quân của NATO trên lãnh thổ Ukraine.

Ngoài vấn đề không gia nhập NATO và khả năng về các bảo đảm an ninh, còn có 2 vấn đề nan giải nữa, bao gồm quy chế cho hai nước “cộng hòa” tự xưng là Lugansk và Donetsk.

Nga công nhận 2 vùng này là các quốc gia độc lập ngay trước khi Nga tấn công Ukraine. Trước đó, vị thế của 2 vùng lãnh thổ này đang đợi chờ một giải pháp trong khuôn khổ thỏa thuận Minsk II vốn hứa hẹn trao cho 2 vùng đó “quyền tự trị” nhưng là quyền tự trị dưới Hiến pháp Ukraine.

Khi ấy, có 2 trở ngại lớn phải xử lý, đó vị thế của tiếng Nga ở miền Đông Ukraine và việc xác định đường “biên giới” giữa Ukraine và 2 vùng ly khai này.

Bên cạnh đó, Nga vẫn sẽ yêu cầu Ukraine phải phi quân sự hóa theo cách này hay cách khác, còn Ukraine sẽ chắc chắn tìm cách tránh né điều đó. Ukraine cũng cần các nhượng bộ về kinh tế, đặc biệt là quyền vận chuyển ngũ cốc và các mặt hàng khác qua Biển Đen. Việc trung chuyển dầu khí cũng là một vấn đề thương mại quan trọng cần được giải quyết.

Các vấn đề như thế rất nhiều và khó giải quyết trong ngày một ngày hai. Mà các nhà lãnh đạo Putin và Zelensky đều gặp phải những áp lực riêng tương ứng ở mỗi nước.

Hiện khó dự đoán khi nào chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kết thúc. Nó có thể kéo dài nhiều năm, khiến hàng ngàn người nữa thiệt mạng ở cả hai bên chiến tuyến./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Asia Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tinh-hinh-chien-truong-ukraine-nghieng-ve-nga-my-tim-kiem-ngung-ban-post947185.vov