Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 13/10: Hàng phòng thủ tối tân bảo vệ căn cứ hải quân Nga ở Syria

Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 13/10: Hàng phòng thủ tối tân bảo vệ căn cứ hải quân Nga ở Syria; Mỹ đưa thêm 20 xe bồn chở dầu ra khỏi Syria;...

Hàng phòng thủ tối tân bảo vệ căn cứ hải quân Nga ở Syria

Hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1. Ảnh: H I Sutton

Hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1. Ảnh: H I Sutton

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hải quân Nga (khi đó là Liên Xô) liên tục duy trì một liên đội tàu chiến thường trực ở Địa Trung Hải. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Hải quân Nga rơi vào khủng hoảng nên hoạt động này đã bị xao nhãng.

Tuy nhiên, kể từ khi Nga can thiệp vào cuộc chiến ở Syria, lực lượng hải quân này đã được tái lập. Trong tương lai, Hải quân Nga có thể mở thêm căn cứ ở Libya nhưng hiện tại họ vẫn đang duy trì một căn cứ duy nhất ở Tartus, Syria. Vậy căn cứ này đang được Nga bảo vệ như thế nào?

Để bảo vệ lực lượng hải quân và hậu cần tại đây, Nga đã triển khai một loạt hệ thống radar và tên lửa phòng không cục bộ trực tiếp tới khu vực cảng Tartus.

Các tổ hợp radar hiện đại như P-18 Spoon Rest D, Kasta 2E Flat Face E, Podlet K1 và Monolit-B đều đang hiện diện tại căn cứ cùng rất nhiều hệ thống thông tin liên lạc khác.

Monolit-B được triển khai ở phía cuối cảng, trong khi những hệ thống còn lại nằm trong khu vực được bảo vệ trên bờ biển phía Đông Bắc.

Đơn vị phòng không dễ nhìn thấy nhất là hệ thống tên lửa - pháo Pantsir-S1 (SA-22 GREYHOUND). Hệ thống này dường như được bố trí cố định lâu dài ở bờ phía Bắc hải cảng. Ngoài ra, Nga cũng triển khai tới đây ít nhất hai hệ thống tên lửa Tor (SA-15 GAUNTLET) ở cùng một khu vực.

Đặc biệt, Hải quân Nga đã triển khai các động vật biển có vú đến Tartus ở Syria trong khoảng thời gian từ tháng 9 - 12/2018. Các loài động vật này, nhiều khả năng là cá heo, được bố trí bên cạnh các đơn vị bảo vệ bến cảng, cũng đã được tăng cường vào cùng khoảng thời gian đó.

Có vẻ như, chúng được vận chuyển tới đây để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ bến cảng. Hải quân Nga vẫn được biết đến là lực lượng chuyên huấn luyện các loài động vật có vú trên biển để thực hiện các chiến dịch chống người nhái.

Chúng cũng có thể được sử dụng để bảo vệ các đường ống dưới biển lắp đặt gần cảng bị thợ lặn đối phương đưa vào tầm ngắm.

Dựa trên kết quả phân tích các hình ảnh vệ tinh thì có thể thấy những chuồng thú biển đã xuất hiện ở Tartus vào ngày 30/9/2018 và một lần nữa vào ngày 8/11/2018. Nhưng chúng lại không xuất hiện vào ngày 4/2/2019.

Dữ liệu từ Trung tâm Sentinel (với độ phân giải thấp hơn và do vậy mức độ tin cậy cũng thấp hơn) thì thấy số cá heo này dường như không xuất hiện vào ngày 18/9/2018 nhưng lại có mặt vào ngày 28/9 và dường như đã bị đưa đi đâu đó vào ngày 22/12/2018.

Các loài động vật biển có vú có thể đến từ Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga. Gần cảng Sevastopol ở Crimea cũng có một đơn vị tương tự. Hạm đội Biển Đen thường xuyên triển khai các tàu chiến đến Tartus.

Lực lượng này đóng tại Kazachya Bukhta ở gần Sevastopol và giữ vai trò là cơ sở động vật biển có vú chủ đạo của Hải quân Nga thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Ngoài ra, hải cảng Tartus còn được bảo vệ bởi một loạt các đơn vị chống phá hoại, gồm cả những thợ lặn chống người nhái được trang bị súng trường tấn công dưới nước APS-5 và súng lục SPP-1.

Tại đây, cũng có hai tàu chống phá hoại lớp Pr.21980 Grachonok, 4 tàu tấn công và một loạt tàu nhỏ hơn được sử dụng để tuần tra bến cảng. Các tàu chiến của Nga thường được trang bị súng phóng lựu đa nòng gắn trên boong tàu.

Mỹ đưa thêm 20 xe bồn chở dầu ra khỏi Syria

Một mỏ dầu ở Syria. Ảnh minh họa

SANA đưa tin, một phái đoàn gồm 20 xe tải chở dầu bơm từ các giếng dầu nằm trong vùng Jazira mà quân đội Mỹ đang chiếm đóng đã rời khỏi tỉnh Hasakah để di chuyển tới khu biên giới Al Waleed nằm giữa Syria và Iraq vào đêm ngày 10/10.

Tuy nhiên, SANA không đưa thêm thông tin về thành phần đi cùng 20 xe tải chở dầu, cũng như đoàn xe này có được các xe quân sự Mỹ đi theo hộ tống hay không.

Hồi cuối tháng Chín, SANA cho hay một phái đoàn gồm 35 xe bồn chở dầu cũng đã di chuyển ra khỏi lãnh thổ Syria. Những vụ việc tương tự diễn ra thường xuyên hơn trong giai đoạn mùa hè.

Vào cuối năm 2019, cơ quan tình báo quân đội Nga đã cho công bố bản báo cáo về hoạt động Mỹ đánh cắp dầu mỏ ở Syria. Theo Nga, Lầu Năm Góc cùng với các nhà thầu tư nhân, CIA và những tay súng phiến quân người Kurd đã đánh cắp số lượng dầu mỏ ở Syria có giá trị lên tới 30 triệu USD mỗi tháng.

Cũng theo SANA, vào ngày 11/10, quân đội Mỹ đã triển khai một phái đoàn gồm 30 phương tiện di chuyển từ Iraq vào Syria qua khu vực biên giới Al Waleed để tới các căn cứ ở tỉnh Hasakah.

Phái đoàn này gồm các xe tải đông lạnh, xe bồn, xe Hummer cùng máy bay yểm trợ bên trên di chuyển tới thành phố Qamishli. Khoảng 55 xe bao gồm 13 xe quân sự được triển khai tới thành phố Qamishli một tuần trước đó.

Cũng trong ngày 11/10, các báo cáo cho hay một số tay súng SDF đã bị thiệt mạng và một số khác bị thương trong cuộc tấn công nhằm vào các vị trí của SDF ở tỉnh Hasakah và Deir ez-Zor. Theo đó, những tay súng phiến quân giấu mặt đã bắn súng và dùng bom tấn công vào các vị trí của SDF. Trước đó, vào ngày 9/10, 4 tay súng SDF đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương sau khi một thiết bị nổ phát nổ gần các xe quân sự của SDF. SDF hiện chiến đấu với các các tay súng nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và những thành viên IS còn sót lại trong vùng.

Chính quyền Damascus ước tính cần từ 200 tỷ - 400 tỷ USD để tái thiết Syria sau chiến tranh. Tuy nhiên, những nỗ lực tái thiết đất nước của Syria đang bị ảnh hưởng lớn do sự xuất hiện của quân đội Mỹ, các tay súng người Kurd và các nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Người Syria chặn đoàn xe tuần tra của Quân đội Nga

Xe tuần tra của quân cảnh Nga bị người dân Syria ngăn cản. Ảnh: AMN

Khi đang thực hiện một cuộc tuần tra khác ở Đông Bắc Syria, Quân đội Nga đã bất ngờ bị tấn công bởi những người dân địa phương giận dữ. Lực lượng này không chỉ che lấp các thiết bị quân sự của Nga bằng đá và các vật liệu tự chế mà còn cản trở bước tiến của họ, do đó làm gián đoạn quá trình hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Ở phía Đông Bắc tỉnh Haseke của Syria, trong khu vực định cư của Ain Dewar, cư dân địa phương lại ngăn cản việc tuần tra của quân cảnh Nga. Bạn có thể không ngừng tìm kiếm "dấu vết của Mỹ" và nói về "lính Mỹ cải trang thành cư dân địa phương", nhưng bản thân người Mỹ xác nhận rằng đây là vùng ảnh hưởng của mình và họ ủng hộ mọi nỗ lực ngăn chặn các sáng kiến của Nga", báo chí Nga đưa tin và đăng tải các bức ảnh có liên quan từ hiện trường.

Đáng chú ý là Quân đội Mỹ gần như chắc chắn đã thông báo cho người dân địa phương Syria về sự xuất hiện của binh sĩ Nga trong khu vực, vì các nguồn tin cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ Quân đội Nga.

Cụ thể là cách đây vài ngày, một máy bay trực thăng quân sự của Mỹ ở tỉnh Haseke cũng đã cố gắng can thiệp nhằm cản trở nhiệm vụ tuần tra khu vực của Quân đội Nga, tuy nhiên sau đó không rõ lý do, chiếc trực thăng bắt đầu bắn ra mồi bẫy nhiệt và bay khỏi khu vực, theo giả định có liên quan đến cảnh báo của binh sĩ Nga.

Thông qua các sự việc nêu trên, có thể thấy rằng cuộc chiến nhằm tranh giành ảnh hưởng của Nga và Mỹ tại miền Bắc Syria sẽ vẫn diễn ra một cách căng thẳng và đầy quyết liệt trong thời gian tới, không loại trừ khả năng sẽ xảy ra đụng độ bằng vũ khí nếu binh sĩ của một trong hai bên tỏ ra mất kiềm chế.

Hoa Vũ (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/tinh-hinh-chien-su-syria-moi-nhat-ngay-13-10-hang-phong-thu-toi-tan-bao-ve-can-cu-hai-quan-nga-o-syria-a342312.html