Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 10/12: IS mua cả kho khí tài quân sự bằng chiêu thức tinh vi

Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 10/12: IS mua cả kho khí tài quân sự bằng chiêu thức tinh vi; Lính Thổ Nhĩ Kỳ ẩu đả với dân để được về nước;...

IS mua cả kho khí tài quân sự bằng chiêu thức tinh vi

Khủng bố IS qua mặt chính phủ và nhà cung cấp để mua cả kho vũ khí quân sự. Ảnh minh họa

Khủng bố IS qua mặt chính phủ và nhà cung cấp để mua cả kho vũ khí quân sự. Ảnh minh họa

Ngày 8/12, Tổ chức Nghiên cứu Vũ khí trong xung đột (CAR) cho biết tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng có thể đã xây dựng được một kho chứa vũ khí và khí tài quân sự lớn, trong đó có cả thuốc nổ và máy bay không người lái thông qua một quá trình thu mua tinh vi, mà chính phủ và các nhà cung cấp đã bỏ qua những dấu hiệu mua bán nguy hiểm này.

Cụ thể, trong một nghiên cứu, CAR cho biết IS có thể đã xây dựng một kho như vậy để phục vụ chương trình sản xuất vũ khí tại Iraq và Syria từ năm 2015-2019 thông qua các cá nhân và công ty ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và một số nơi khác.

Mặc dù năm ngoái, IS đã bị đánh bật khỏi các thành trì chủ chốt của chúng ở Iraq và Syria, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng IS vẫn nắm giữ công nghệ chế tạo vũ khí và duy trì liên hệ với mạng lưới cung cấp vũ khí hay vật liệu sản xuất vũ khí.

Theo CAR, IS đã mua vật liệu chính thông qua các nhóm liên kết, các công ty gia đình và các cá nhân tại khu vực gần cửa khẩu biên giới vào vùng lãnh thổ do chúng kiểm soát. CAR nhấn mạnh rằng không có bằng chứng để cáo buộc những công ty này "tiếp tay" cho IS, mà chỉ đóng vai trò như "điểm kết nối chính" trong chuỗi cung ứng vũ khí cho IS.

Theo CAR, việc mua một lượng lớn vật liệu để chế tạo thuốc nổ và các thiết bị điện tử thông qua mạng lưới này thường đi kèm những điểm bất thường. Ví dụ như các công ty mua một số lượng lớn sản phẩm không phù hợp với ngành hàng kinh doanh của họ. Đơn cử như một cửa hàng nhỏ bán điện thoại di động liệu có cần mua tới 6 tấn nhũ nhôm - một nguyên liệu chính trong sản xuất tên lửa và đạn dược.

Theo báo cáo, có tổng cộng hơn 50 công ty ở trên 20 nước trên thế giới, đã sản xuất hoặc phân phối những mặt hàng mà IS sử dụng để chế tạo thiết bị nổ tự chế (IED), máy bay không người lái và hệ thống vũ khí cải tiến. Trong số những nước này có Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Đan Mạch và Tây Ban Nha... Các mặt hàng này được vận chuyển một cách nhanh chóng thông qua chuỗi cung ứng của IS.

Lính Thổ Nhĩ Kỳ ẩu đả với dân để được về nước

Lính Thổ Nhĩ Kỳ bất bình vì bị hoãn việc nghỉ phép. Ảnh: SOHR

Hôm 8/12, tổ chức SOHR có trụ sở tại Anh dẫn các "nguồn đáng tin cậy" cho biết rằng một cuộc ẩu đả đã nổ ra giữa người dân tại thị trấn Taftanaz, phía đông Idlib và binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đóng tại một "điểm giám sát ngừng bắn" gần đó.

Sự việc bắt đầu khi chủ nhân của một trong những ngôi nhà xung quanh căn cứ phát hiện lính Thổ đập phá đồ đạc. Khi chủ nhà cố gắng ngăn cản họ tiếp tục làm điều đó, cuộc ẩu đả đã nổ ra.

Phiến quân Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) đã nhanh chóng xuất hiện và giúp chấm dứt vụ việc.

SOHR cho rằng vụ việc chứng minh sự bất bình của binh sĩ Thổ đóng quân ở tỉnh Idlib của Syria. Tất cả bắt nguồn từ việc Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) tạm hoãn việc nghỉ phép.

Nhiều lính Thổ đã phải đóng quân ở "Idlib lớn" (khu vực tây bắc Syria do phiến quân kiểm soát) hơn 6 tháng mà không được nghỉ phép, điều này đã dẫn đến việc một số người tự gây thương tích để được trở về điều trị ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ chỉ huy của TAF tại tỉnh Idlib được cho là đã tiến hành điều chuyển trang thiết bị và thay thế lính đồn trú, đồng thời bố trí các đơn vị kỹ thuật hỗn hợp để tăng cường năng lực phòng thủ tại các cứ điểm ở Idlib bao gồm pháo binh, thiết giáp, bộ binh, hậu cần và phòng không.

Iran hỗ trợ Syria trong tranh chấp ở cao nguyên Golan

Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: IRNA

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, Tehran sẽ tiếp tục ủng hộ chính phủ và người dân Syria khi xem Damascus là đồng minh chiến lược. Tổng thống Rouhani nhấn mạnh, Iran sẽ luôn sát cánh với Syria cho tới khi giành chiến thắng cuối cùng.

“Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ tiếp tục ủng hộ Syria, chính phủ cũng như người dân khi xem Syria là đồng minh chiến lược. Chúng tôi sẽ luôn sát cánh với Syria cho tới khi giành chiến thắng cuối cùng. Chúng tôi coi trọng hiệp ước Astana để bảo vệ lợi ích của Syria và sự hợp nhất lãnh thổ”, Tổng thống Iran chia sẻ trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Syria Faisal al-Miqdad.

Bình luận về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một hiệp ước công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan, vùng lãnh thổ mà Israel đã giành lấy từ Syria sau Chiến tranh Sáu ngày diễn ra vào năm 1967, Tổng thống Rouhani nói, “cần đấu tranh chống lại những kẻ xâm lược từ Israel cho tới khi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng được giải phóng như cao nguyên Golan”.

Tổng thống Iran nhấn mạnh thêm, “mục tiêu chính của chủ nghĩa khủng bố và áp đặt lệnh trừng phạt là gây sức ép cho các chính phủ và nhà nước hợp pháp trong khu vực, chúng tôi hoàn toàn biết chuyện này”.

Trong khi đó, vào chiều ngày 8/12, Israel đã gửi “yêu cầu lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc” liên quan tới việc ngăn chặn “những nỗ lực quân sự của Iran ở Syria”.

Theo Times of Israel, trong bức thư gửi tới Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ Inga Rhonda King, đại diện Israel tại LHQ Gilad Ardan đã kêu gọi cần có “những biện pháp ngăn chặn Iran nỗ lực xây dựng một vị thế quân sự ở Syria, sau khi Tehran cài cắm các thiết bị nổ trong vùng tranh chấp Golan”.

Israel còn khẳng định chính đơn vị 840 của Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là thủ phạm cài thiết bị nổ ở cao nguyên Golan, đồng thời cáo buộc hành động này có thể “dẫn tới sự leo thang nguy hiểm trong khu vực và tạo ra mối đe dọa không chỉ với dân thường mà còn cả nhân viên LHQ tại đây”.

Hoa Vũ (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/tinh-hinh-chien-su-syria-moi-nhat-ngay-10-12-2020-is-mua-ca-kho-khi-tai-quan-su-bang-chieu-thuc-tinh-vi-a348872.html