Tỉnh Hải Dương giao các Sở, ngành giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu kiện kéo dài 10 năm tại Chí Linh

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương giao nhiệm vụ đích danh cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh tổ chức đối thoại, kiểm tra, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết dứt điểm vụ việc bà Trần Thị Thanh, thường trú tại xã Phục Thiện, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương bị thu hồi đất nhưng không được đền bù thỏa đáng dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài gần 10 năm.

 Văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tới Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh, Chánh Thanh tra tỉnh.

Văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tới Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh, Chánh Thanh tra tỉnh.

Tại văn bản số 1457/UBND-VP ngày 11/5/2017 của UBND tỉnh Hải Dương nêu rõ:

“Sau khi xem xét đơn khiếu nại của bà Trần Thị Thanh ở số 40 Chu Văn An, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương về bồi thường, hỗ trợ cho gia đình bà Trần Thị Thanh sau khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Khu công nghiệp Cộng Hòa, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh.

Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau:

Giao cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng với các Sở, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh tổ chức đối thoại với công dân và xem xét, kiểm tra, tham mưu giúp cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại của bàn Trần Thị Thanh theo đúng quy định của pháp luật.

Giao Thanh tra tỉnh đôn đốc việc thực hiện”.

Theo đó, từ năm 2008, bà Trần Thị Thanh nhận được quyết định thu hồi toàn bộ khu đất đang sản xuất gạch của mình ở xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh (nay là phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh) để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án khu công nghiệp phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bà Thanh ngay lập tức dừng sản xuất. Nhưng 4 năm sau dừng sản xuất, khu sản xuất của bà Thanh mới được kiểm đếm.

Tuy nhiên, công tác kiểm đếm của Phòng Quản lý đô thị thị xã Chí Linh ghi nhận chưa đầy đủ so với số tài sản thực chất mà bà Thanh có kể từ thời điểm có thông báo thu hồi đất.

Cụ thể, tại Báo cáo kiểm kê tài sản, vật kiến trúc phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khu công nghiệp (KCN) Cộng Hòa ngày 17/7/2013 của Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) thị xã Chí Linh cho thấy: Toàn bộ khối lượng tài sản vật kiến trúc hiện có trên khu vực sản xuất của bà Thanh nằm trong KCN Cộng Hòa đã được Phòng QLĐT cùng các bên liên quan kiểm kê vào ngày 21/5/2012 và 12/3/2013 bao gồm: 12 vỏ lò gạch kiểu cũ, 12 lò chân móng kiểu mới, nhà trông coi, nhà kho, gạch chỉ rời, các loại tường bao.

Thế nhưng, Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 27/8/2013 của UBND tỉnh Hải Dương quyết định bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình bà Trần Thị Thanh số lượng chưa bằng một nửa số lượng đã được Phòng QLĐT, thị xã Chí Linh kiểm kê.

Quyết định nêu trên ghi rõ: Bồi thường, hỗ trợ 06 lò gạch thủ công (1.747.300.000 đồng); bồi thường, hỗ trợ 02 móng lò gạch kiểu đứng (6.612.000 đồng); bồi thường, hỗ trợ nhà trông coi + nhà kho (63.137.000 đồng); bồi thường, hỗ trợ công bốc xếp và di chuyển gạch ( 278.682.000 đồng); bồi thường, hỗ trợ công đào đắp 9.694m3 bờ ao (581.640.000 đồng); bồi thường, hỗ trợ kinh phí tôn nền (1.851.225.000 đồng). Tổng cộng: 4.528.596.000 đồng.

Không đồng ý với số tiền đền bù trong quyết định của tỉnh, bà Thanh tiếp tục hành trình khiếu nại của mình và nhận về không ít văn bản.

Trong số đó, đáng chú ý là Văn bản số 478/UBND-TCKH của UBND thị xã Chí Linh gửi UBND tỉnh về việc đề nghị xem xét giải quyết một số cơ chế chính sách để giải quyết dứt điểm tồn tại vướng mắc trong công tác GPMB KCN Cộng Hòa, ghi rõ: Do dự án KCN có diện tích thu hồi lớn nên mặc dù có thông báo thu hồi từ năm 2008 nhưng đến đầu năm 2012 mới tiến hành kiểm kê nên thực tế có một số tài sản nhà bà Thanh có đầu tư nhưng đến thời điểm kiểm kê đã bị mất mát, hư hỏng.

Trong văn bản này cũng ghi tổng diện tích thu hồi của nhà bà Thanh là hơn 120ha giai đoạn 1 và hơn 22ha giai đoạn 2, đồng thời có 06 lò gạch nằm trên đất thu hồi giai đoạn 2.

Trước thực tế như trên, cũng trong Văn bản số 478, UBND thị xã Chí Linh đã đề nghị UBND tỉnh áp dụng chính sách hỗ trợ khác, cho phép UBND thị xã tính toán hỗ trợ cho hộ bà Thanh đối với phần tài sản nằm trong diện tích đất thu hồi giai đoạn 1 bị mất mát hư hỏng do thời gian từ lúc thu hồi đất đến lúc kiểm đếm quá dài.

UBND thị xã Chí Linh cũng đề nghị, đối với phần đất và tài sản trên đất thuộc giai đoạn 2 của dự án, do gia đình chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách thu hồi đất của Nhà nước, đã dừng sản xuất từ khi có thông báo thu hồi đất nên UBND thị xã đề nghị UBND tỉnh cho phép UBND thị xã quản lý, tính toán phương án bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất của gia đình hộ bà Thanh. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định và có ý kiến chỉ đạo chủ đầu tư dự án KCN ứng trước và sẽ được trừ vào tiền thuê đất phải nộp của Công ty.

Nhận được Văn bản 478 của UBND thị xã Chí Linh, UBND tỉnh Hải Dương lại gửi Văn bản số 1690/ UBND-VP ngày 30/7/2015 đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hải Dương xem xét, nghiên cứu, tham mưu về đề nghị của UBND thị xã.

Trên cơ sở này, Sở TN&MT đã ra Văn bản số 814 ngày 13/8/2015 đề nghị UBND tỉnh cho phép Hội đồng GPMB TX Chí Linh căn cứ trên hồ sơ xây dựng tính toán hỗ trợ bổ sung phần tài sản bị mất mát, hư hỏng do thời gian kiểm đếm quá lâu (sau thông báo thu hồi). Giao UBND thị xã Chí Linh chỉ đạo Hội đồng GPMB thị xã có trách nhiệm đối chiếu các quy định hiện hành để kiểm tra, rà soát lập phương án.

Văn bản của Sở TN&MT cũng đề nghị bồi thường, hỗ trợ cho hộ bà Thanh những mục còn thiếu chưa được tính toán. Đối với diện tích đất thu hồi giai đoạn 2, do hiện nay khu đất không có đường vào, không có hệ thống tưới tiêu nên không sản xuất được, do vậy, đề nghị UBND tỉnh cho phép thu hồi đất giao UBND phường Cộng Hòa quản lý. Nguồn kinh phí để đền bù đề nghị UBND tỉnh giao cho chủ đầu tư dự án KCN ứng vốn chi trả, cho phép đối trừ vào tiền thuê đất của giai đoạn 1.

Mới đây, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương tiếp tục có Báo cáo số 57/BC-STNMT đề nghị hỗ trợ thỏa đáng đối với một số mất mát, hư hỏng, không còn hiện trạng tại thời điểm kiểm kê do bà Thanh dừng sản xuất từ năm 2008 nhưng đến năm 2012, 2013 mới kiểm kê. Tuy nhiên đến nay bà Thanh vẫn mỏi mòn chờ vì UBND tỉnh Hải Dương vẫn chưa thực hiện đề nghị đó.

Chưa hết, bà Thanh đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ những người dân ở xã Cộng Hòa để tiến hành sản xuất nhưng đến khi đền bù, chính quyền xã lại đền bù cho những người chủ sở hữu cũ. Đến thời điểm này, sau khi đã chi trả đền bù gần 10 năm, bà Thanh vẫn chưa nhận được một đồng đền bù liên quan đến phần đất đã nhận chuyển nhượng này. Cũng trong Báo cáo số 57 này, Sở TN&MT đã xác định rõ ràng việc bồi thường đất nêu trên của chính quyền thị xã Chí Linh là sai đối tượng nhưng khẳng định “bước đầu xác định việc yêu cầu các hộ dân trả lại số tiền đã bồi thường, hỗ trợ này là rất khó khăn”.

Bà Thanh đã nhiều lần gửi đơn và trình bày để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình nhưng nhiều năm qua, các cấp chính quyền của tỉnh Hải Dương vẫn chậm trễ trong việc giải quyết.

Ngoài ra, gia đình bà Thanh còn có hơn 2ha đất (ban đầu nằm trong quy hoạch khu công nghiệp) bị ảnh hưởng bởi KCN Cộng Hòa nên không còn đường đi lại, cũng đã dừng sản xuất từ năm 2008 nhưng hiện nay tỉnh vẫn chưa có hướng giải quyết.

Trong khi đó, ở tất cả các văn bản tham mưu gửi UBND tỉnh, các đơn vị liên quan như UBND thị xã Chí Linh (trước đấy là UBND huyện Chí Linh), Sở TN&MT đều đề nghị UBND tỉnh thu hồi hơn 2ha đất của nhà bà Thanh nhưng UBND tỉnh vẫn thái độ giữ im lặng.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 02/11/2016, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Văn Lịch đã ký ban hành văn bản số 2184/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐ đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo kiểm tra, xác minh vụ việc, báo cáo kết quả về Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/11/2016.

Những tưởng sau chỉ đạo của Tổng cục Quản lý đất đai vụ việc sẽ sớm được kết thúc hoặc chí ít quyền lợi của bà Thanh cũng được quan tâm, thấu đáo hơn. Vậy nhưng, các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương và chủ đầu tư dự án tại KCN Công Hòa Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và KCN Cao su Việt Nam vẫn cứ vòng vo và đưa đẩy trách nhiệm.

Việc chậm trễ giải quyết các khiếu nại của công dân suốt 10 năm qua đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho gia đình bà Trần Thị Thanh.

Đứng trước nguy cơ vụ việc chìm xuống, cực chẳng đã, bà Thanh tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan Trung ương.

Văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi UBND tỉnh Hải Dương.

Trước đó, thừa lệnh của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ngày 07/4/2018, bà Trần Bích Ngọc - Vụ trưởng Vụ I (Vụ Theo dõi công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) đã ký ban hành văn bản số 3204/VPCP-V.I chuyển đơn khiếu nại của bà Trần Thị Thanh đến UBND tỉnh Hải Dương để xem xét, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Động thái này của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã làm nức lòng người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh vụ việc khiếu nại, khiếu kiện đã kéo dài quá lâu nhưng không có biện pháp giải quyết dứt điểm, hiệu quả.

Đây cũng là phép thử để tỉnh Hải Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp địa phương sau nhiều năm liên tiếp chỉ số PCI đi thụt lùi.

Ngoài ra để tránh xảy ra tình trạng vì lợi ích cục bộ, “nóng trên” nhưng “lạnh dưới”, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo và điều hành, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Chánh Thanh tra tỉnh Hải Dương thường xuyên đôn đốc, theo dõi sát sao tiến trình giải quyết vụ việc nêu trên của các cơ quan chức năng theo đúng quy định pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Phan Anh Tuấn

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dan-nguyen/tinh-hai-duong-giao-cac-so-nganh-giai-quyet-dut-diem-vu-viec-khieu-kien-keo-dai-10-nam-tai-chi-linh-12336.html