Tinh gọn, phát huy lợi thế trường nghề

Sau khi quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Đồng Nai đã tiến hành giải thể 2 trường trung cấp và sáp nhập 1 trường trung cấp nghề vào trường cao đẳng.

Đào tạo nghề may công nghiệp tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai đang thu hút đông học viên. Ảnh: Đ.CÔNG

Đào tạo nghề may công nghiệp tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai đang thu hút đông học viên. Ảnh: Đ.CÔNG

Đồng Nai đã quyết tâm thực hiện củng cố và phát triển các trường nghề theo hướng coi trọng chất lượng hơn số lượng, phục vụ cho sự phát triển bền vững.

* Quyết liệt sắp xếp lại hệ thống

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 60 cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: 12 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 23 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 20 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, Đồng Nai đang dần hình thành một số mô hình đào tạo nghề ngay trong doanh nghiệp có sự liên kết với các trường nghề, đáp ứng các yêu cầu cao về chất lượng quốc tế. Hiện các trường cao đẳng đều được Bộ LĐ-TBXH kiểm định chất lượng đào tạo nghề và công nhận đạt cấp độ 3.

Trong số 12 trường cao đẳng nghề của tỉnh đang hoạt động, hiện có 3 trường được đưa vào danh sách quy hoạch đầu tư trường trọng điểm chất lượng cao của Chính phủ. Định hướng đến năm 2025, Đồng Nai sẽ có 7 trường cao đẳng và 4 trường trung cấp được phê duyệt đầu tư ngành nghề trọng điểm. Một trong những mô hình mới của Đồng Nai trong lĩnh vực đào tạo nghề là việc phát triển được 2 mô hình trường đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế với sự đầu tư hợp tác của Cộng hòa liên bang Đức. Cụ thể: Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) có 9 nghề đạt chuẩn quốc tế và Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom) đang trong quá trình đầu tư.

Việc củng cố chất lượng các cơ sở đào tạo nghề là cơ sở để các trường củng cố lại chất lượng, từ đó khẳng định uy tín với doanh nghiệp và tăng dần số lượng đào tạo. Theo Sở LĐ-TBXH, mỗi năm tỉnh cần bổ sung khoảng từ 80-85 ngàn lao động cho các lĩnh vực dịch vụ và sản xuất, trong đó có trên 17 ngàn lao động kỹ thuật trình độ trung cấp trở lên. Những năm tới, khi nguồn vốn đầu tư vào tỉnh còn tăng cao thì chắc chắn nhu cầu lao động, nhất là lao động kỹ thuật sẽ cần rất lớn. Điều đó đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho công tác giáo dục nghề nghiệp để cung cấp đủ nguồn nhân lực có tay nghề cao cho thị trường lao động.

* Cần đầu tư đúng trọng điểm

Xác định việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giáo dục nghề nghiệp là khâu then chốt quyết định đến chất lượng đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao, trong những năm qua, Đồng Nai luôn đẩy mạnh việc đào tạo và bồi dưỡng trong và ngoài nước theo hướng chuẩn, đủ số lượng, cơ cấu hợp lý theo từng ngành, nghề và trình độ đào tạo nghề; từng bước ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, phương pháp giảng dạy mới đạt trình độ khu vực và quốc tế nhằm đảm bảo công tác giáo dục nghề nghiệp phục vụ cho nhu cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh. Trong 5 năm trở lại đây, Đồng Nai đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho 748 lượt giáo viên giáo dục nghề nghiệp (kỹ năng nghề, quản lý, phương pháp sư phạm, ngoại ngữ, tin học…).

Việc đầu tư kinh phí của Trung ương, của tỉnh cho giáo dục nghề nghiệp trong những năm qua đã góp phần phát triển mạnh mẽ công tác đào tạo nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề cả về chất lượng lẫn số lượng, nhất là về chất lượng; cán bộ và giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng cả trong và ngoài nước về kỹ năng nghề, phương pháp sư phạm, ngoại ngữ, tin học… Trang thiết bị dạy nghề được đầu tư hiện đại, đa chủng loại đáp ứng được phần nào nhu cầu đào tạo cho thị trường lao động theo xu thế hội nhập quốc tế; một số chương trình đào tạo được cập nhật và điều chỉnh gần đây đã nhận được chương trình đào tạo chuyển giao từ nước ngoài.

Trong những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động trong việc tìm kiếm các đối tác, tổ chức giáo dục nghề nghiệp nước ngoài ở các nước có nền giáo dục nghề nghiệp phát triển như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… để hợp tác, liên kết về đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giải quyết việc làm cho người học. Thời gian tới, Đồng Nai cần đẩy mạnh thị trường lao động, tập trung đào tạo nghề. Đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thành:

Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Đồng Nai hiện có số lượng khu công nghiệp lớn và tiếp tục mở rộng, tỉnh lại có xu hướng ưu tiên mời gọi công nghệ cao. Việc tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là cơ hội giúp nâng cao năng suất lao động, tăng cường tính cạnh tranh và phát triển bền vững cho tỉnh. Bên cạnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề chất lượng cao, tỉnh phải kết nối với doanh nghiệp công nghệ cao để hình thành các trung tâm đào tạo nghề, đồng thời chú trọng đưa giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài, tập trung đầu tư chuyên sâu máy móc, thiết bị, chương trình đào tạo nghề chuẩn quốc tế.

Đặng Công

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202104/tinh-gon-phat-huy-loi-the-truong-nghe-3050390/