Tinh gọn bộ máy, nâng cao năng suất lao động

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm; đổi mới, tinh giản bộ máy; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả làm việc… là những giải pháp nền tảng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động theo nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TƯ, ngày 21-5-2018 của Hội nghị Trung ương bảy, khóa XII (Nghị quyết 27). Có thời gian chuẩn bị từ nay đến năm 2021, các giải pháp nêu trên được kỳ vọng tạo ra bước đột phá về chính sách tiền lương.

Việc thực hiện cải cách tiền lương giúp nâng cao năng suất lao động. Ảnh: Anh Tuấn

Gỡ bỏ rào cản

Nghị quyết 27 nêu rõ, bên cạnh kết quả đạt được, chính sách tiền lương hiện hành bộc lộ nhiều bất cập. Thiết kế hệ thống bảng lương trong khu vực công chưa phù hợp với vị trí việc làm, nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa thuyết phục được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Trong khu vực doanh nghiệp, quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương; chưa gắn với năng suất lao động...

Hình thức trả lương mang tính cào bằng tạo ra những rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR - Đại học Quốc gia Hà Nội), chính sách tiền lương chưa hợp lý ảnh hưởng tới năng suất lao động. Không nhận được mức lương tương xứng với công sức bỏ ra, người lao động khó toàn tâm, toàn ý với công việc, chưa nỗ lực cống hiến, sáng tạo hết khả năng. Hiện nay, năng suất lao động ở nước ta thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực. Một số ngành thu hút nhiều lao động như nông nghiệp, điện, nước, khí đốt, bán lẻ, sửa chữa… có năng suất rất thấp. “Để năng suất lao động tăng lên, tiền lương cần được tính toán để trở thành công cụ hỗ trợ người lao động, phù hợp với tốc độ tăng trưởng năng suất lao động và sự phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Đức Thành nói.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 60% số cuộc đình công trong những năm gần đây là do người lao động không hài lòng với chế độ tiền lương, thưởng. Để xảy ra đình công, cả người lao động, doanh nghiệp, thị trường lao động, môi trường kinh doanh đều bị ảnh hưởng. Do đó, những bất cập về tiền lương ở khu vực doanh nghiệp cần sớm được khắc phục.

Ở khu vực công, mức tiền lương không đủ sống khiến nhiều người giỏi không chọn cơ quan nhà nước làm “bến đỗ”. Trong khi đó, các vị trí việc làm sắp xếp chưa hợp lý khiến cán bộ, công chức nhiều cơ quan vẫn còn hiện tượng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Từ những dẫn chứng nêu trên có thể khẳng định, việc Nghị quyết 27 xác định xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương… là hết sức đúng đắn.

Cần triển khai quyết liệt, hiệu quả

Theo lộ trình cải cách, trong giai đoạn 2018-2020, về cơ bản, chính sách tiền lương vẫn được áp dụng như hiện nay. Từ năm 2021 trở đi, tiền lương ở khu vực công được chi trả theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thu hút, khuyến khích người tài. Các doanh nghiệp thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa các bên liên quan; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Nhìn chung, tiền lương của người lao động được điều chỉnh tăng so với hiện nay, trở thành nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động, hiệu quả làm việc...

Để cải cách chính sách tiền lương theo đúng lộ trình, từ nay đến năm 2021, Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội phải chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực cần thiết, trong đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp tục xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, xác định khung năng lực theo từng vị trí việc làm, tinh giản biên chế. “Muốn có nguồn lực bền vững cho cải cách tiền lương, trước hết chúng ta cần đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập cần chuyển sang việc thực hiện khoán kết quả đầu ra”, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, đơn vị sự nghiệp nào có thể chuyển thành công ty thì nên chuyển; đơn vị nào có khả năng tự chủ cao thì nên tự trả lương cho người lao động; còn lại mới hưởng lương từ ngân sách. Ở góc độ quản lý, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH mong muốn Nghị quyết 27 sớm được cụ thể hóa và có sự quyết tâm, đồng lòng thực hiện của cả hệ thống chính trị, sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng xã hội.

Với nhiều điểm mới tiến bộ và lộ trình cải cách phù hợp, việc thực hiện Nghị quyết 27 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá về chính sách tiền lương, góp phần tích cực vào sự phát triển.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, nước ta có hơn 23 triệu lao động làm công hưởng lương (không tính người hưởng lương hưu), chiếm hơn 40% tổng số lao động đang có việc làm. Thu nhập bình quân từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương đạt hơn 5 triệu đồng/ người/tháng. Mức thu nhập này bao gồm lương, tiền làm thêm và phụ cấp.

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/903080/tinh-gon-bo-may-nang-cao-nang-suat-lao-dong