Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động từ cơ sở

Một trưởng thôn mà có 10 bí thư chi bộ cùng lãnh đạo, chỉ đạo. Đó là thực tế trước đây ở không ít địa bàn của thành phố Hà Nội, dẫn đến nhiều khó khăn trong hoạt động, đòi hỏi phải sớm có giải pháp đồng bộ hệ thống chính trị để nâng cao hiệu quả công tác quản lý từ cơ sở.

Một buổi sinh hoạt chi bộ tại khu dân cư B2, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: KIỀU OANH

10 bí thư chi bộ lãnh đạo… một trưởng thôn

Trước năm 2013, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) có gần 9.300 nhân khẩu, 255 đảng viên, một trưởng thôn, nhưng lại có tới chín chi bộ ở chín xóm. Dù nghị quyết của các chi bộ đều được triển khai kịp thời đến các xóm, nhưng do không trực tiếp lãnh đạo trưởng thôn và Ban Công tác mặt trận, các đoàn thể, cho nên hiệu quả chưa cao, thậm chí có tình trạng trưởng thôn "chỉ đạo ngược" các bí thư chi bộ. Bản thân trưởng thôn cũng gặp khó khăn mỗi khi phải xin ý kiến của nhiều bí thư chi bộ và không phải lúc nào tất cả đều thống nhất, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực thi. Không chỉ ở thôn Hạ Lôi, rất nhiều thôn khác trên địa bàn Hà Nội cũng có tình trạng này. Cá biệt như thôn Vật Lại (xã Vật Lại, huyện Ba Vì) có tới 13 chi bộ mà chỉ có một trưởng thôn. Từ thực tế này, ngày 24-9-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thông qua Ðề án số 06-ÐA/TU về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Ðảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội". Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Ðức Bảo cho biết, trước khi thực hiện đề án, Thành ủy Hà Nội có 9.988 thôn, tổ dân phố, 5.638 chi bộ trên địa bàn dân cư. Nhiều chi bộ lãnh đạo một thôn, một tổ dân phố.

Khi mới thực hiện, không phải không có tâm tư, ý kiến bởi động chạm đến hàng nghìn người. Nhưng bằng sự quyết tâm, cách làm chủ động, Thành ủy và các cấp ủy trực thuộc đã từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo nhiều chi bộ lãnh đạo một tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố. Các thôn, tổ dân phố có quy mô hợp lý hơn, thu gọn đầu mối bảo đảm hiệu quả hoạt động. Ðến nay, thành phố có 7.970 thôn, tổ dân phố, giảm 2.018 thôn, tổ dân phố; còn 5.236 chi bộ dân cư, giảm 402 chi bộ cùng hàng nghìn đầu mối của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác như Ban Công tác mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Nhờ đó, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở địa bàn dân cư và người hưởng hỗ trợ bồi dưỡng kinh phí từ ngân sách đã giảm 9.539 người. Ðiều quan trọng là vai trò của chi bộ thôn, tổ dân phố đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn được nâng lên, tăng cường năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng.

Tiếp tục tinh gọn

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn sau khi sắp xếp mô hình hệ thống chính trị theo Ðề án số 06-ÐA/TU. Như số lượng chi bộ thôn, tổ dân phố có đông đảng viên ngày càng tăng; hoạt động của đảng bộ xuất hiện nhiều khó khăn; quy mô số hộ ở thôn, tổ dân phố một số nơi chưa phù hợp; khó khăn, hạn chế về tổ chức và hoạt động của các chi hội đoàn thể; thực trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên.

Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Ðường Hoài Nam, để khắc phục tình trạng này, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Ðề án 06, trong đó sẽ không còn tình trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng trong năm 2019; phấn đấu đến năm 2023, có từ 95% trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trở lên là đảng viên và ít nhất 50% thôn, tổ dân phố thực hiện mô hình Bí thư Chi bộ thôn, tổ dân phố đồng thời là Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội hiện có 59.156 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 582,627 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, công việc của người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố chưa được quy định cụ thể. Do đó, việc thực hiện thí điểm sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố làm căn cứ thực hiện toàn thành phố là cần thiết.

Là địa phương tiên phong thí điểm mô hình, Bí thư Quận ủy Long Biên Ðỗ Mạnh Hải cho biết, quận đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng Ðề án sắp xếp người hoạt động không
chuyên trách ở tổ dân phố, đến nay cơ bản đã hoàn thành việc khảo sát, hình thành nội dung cơ bản của đề án, sẵn sàng thực hiện từ quý I-2019. Nếu thực hiện được theo đề án, riêng quận Long Biên dự kiến có thể giảm chi phí từ ngân sách nhà nước khoảng 10 tỷ đồng/năm; đồng thời nâng cao được chất lượng hoạt động của các vị trí công tác, cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư.

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Ðề án 06 của Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá, Ðề án sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố tại quận Long Biên là rất cần thiết và sớm nghiên cứu mở rộng diện thí điểm nội dung này ở một số quận, huyện đặc thù khác. Ðồng chí cũng yêu cầu các cấp, các ngành phải tiếp tục tập trung thực hiện Ðề án số 06 hiệu quả hơn, trong đó, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng Ðề án sắp xếp các thôn, tổ dân phố theo quy định mới của Bộ Nội vụ; đồng thời phối hợp HÐND thành phố nghiên cứu giải pháp về cơ chế, chính sách, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phải dự báo chính xác tình hình, có giải pháp lâu dài, tránh "làm đi, làm lại", gây xáo trộn, lãng phí.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38457102-tinh-gon-bo-may-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-tu-co-so.html