Tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tích cực triển khai việc đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, bộ máy chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động hiệu quả.

Bộ máy tinh gọn

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, An Giang đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, như: Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng khóm, ấp đạt 888/888 khóm, ấp (100%); Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND, tại 9/11 đơn vị cấp huyện và 93/156 đơn vị cấp xã; 3/11 đơn vị cấp huyện hợp nhất Trung tâm Văn hóa và Trung tâm Thể dục - Thể thao; sáp nhập Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa cấp huyện đạt 100%.

Điểm nổi bật của An Giang là việc tiếp tục nhân rộng mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã. Hiện tại, đã thực hiện ở 62/156 xã, phường, thị trấn (huyện Châu Phú đã thực hiện 100%), dự kiến đến cuối năm 2018 đạt 92/156 đơn vị (chiếm 59%); phấn đấu đến hết năm 2020 có 100% đơn vị thực hiện.

Bí thư cấp ủy đồng thời Chủ tịch UBND phường tạo sự thống nhất, tập trung trong chỉ đạo, hành động, giải quyết kịp thời tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân

Theo cô Võ Thị Cẩm Hồng (70 tuổi, ngụ khóm Bình Long 4, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên): “Qua thời gian “theo dõi” việc thực hiện mô hình “2 vai” Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường, tôi thấy có nhiều cái được. Trong lãnh, chỉ đạo, xử lý công việc nhanh nhạy hơn, sâu sát, có đôn đốc, kiểm tra. Quan trọng nhất là người đứng đầu gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân; tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, hành động; phát huy dân chủ tránh lạm quyền.

Việc gì cần ý kiến nhân dân được đem ra bàn bạc, họp dân. Điển hình là việc họp dân lấy ý kiến nâng cấp, lót gạch vỉa hè ở các tuyến đường trên địa bàn phường Mỹ Bình. Nhờ đó, trong đợt triều cường dâng cao vừa rồi, các con đường thấp đã không còn bị ngập bì bõm, vỉa hè sạch sẽ, thoáng đãng, góp phần làm đẹp thành phố”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên) Võ Thị Xuân Kiều chia sẻ: “Đảm nhận “2 vai” Bí thư và Chủ tịch thì áp lực khá lớn do khối lượng công việc rất nhiều. Để thực hiện tốt “việc nước, việc nhà”, tôi phải sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý để có thể gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân; vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa làm tròn trách nhiệm với gia đình. Đặc biệt, phải thật sự làm trung tâm đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xây dựng đội ngũ Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND thật sự là cánh tay nối dài hỗ trợ Bí thư, Chủ tịch hoàn thành nhiệm vụ cả 2 mảng công việc”.

Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy giúp hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Không chỉ thực hiện mô hình “2 vai” ở cấp xã, phường, An Giang còn thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện (TP. Long Xuyên và huyện Châu Phú). Đồng thời, tiến hành hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện thành Văn phòng cấp ủy, HĐND và UBND ở những địa phương thực hiện chủ trương thí điểm Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND cấp huyện. Mở rộng mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ, tiến tới hợp nhất Ban Dân vận và UBMTTQ cấp huyện thành một cơ quan là Ban Dân vận - Mặt trận ở những địa phương có đủ điều kiện; hiện có 3 đơn vị đã thực hiện nhất thể hóa chức danh gồm: TP. Châu Đốc, Châu Phú, TP. Long Xuyên.

Hiện có 7/11 đơn vị triển khai thực hiện hợp nhất 2 chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh theo hướng chuyển giao cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ, cơ sở y tế về Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang.

Ngoài ra, từng cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện đang tiến hành rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng giảm đầu mối bên trong gắn với tinh giản biên chế, từ 147 phòng, 17 chi cục và tương đương giảm còn 118 phòng, 11 chi cục và tương đương.

Số cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dự tính sẽ giảm 5.043 người. Trong đó, giảm do thực hiện kiêm nhiệm, hợp nhất và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện là 507/4.153 người (12%); giảm do kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức cấp xã là 312/3.353 người (9%); giảm do kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã 1.560/2.983 người (52%) và khóm, ấp 2.664/7.061 người (38%). Nhờ tinh gọn bộ máy, giảm nhân sự nên tiết kiệm được 134 tỷ đồng/năm.

Hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Thời gian qua, cùng với việc phát triển kinh kế - xã hội, An Giang luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng. Trong đó, việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả luôn bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Điều lệ Đảng, phù hợp với tình hình thực tế.

Trong thực hiện cẩn trọng, đổi mới, vận dụng sáng tạo, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân thông qua MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; bám sát mục tiêu, yêu cầu và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Những kết quả nổi bật đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên.

Việc triển khai mô hình hợp nhất một số tổ chức, nhất thể hóa chức danh ở cấp xã, huyện, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, hoàn thiện, đảm bảo đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực thực tiễn và kỹ năng chuyên môn được nâng cao. Bộ máy chính quyền được đảm bảo đúng quy định. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được nâng lên, tích cực cải tiến lề lối làm việc, ngăn ngừa và phòng, chống các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa phù hợp vào điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo ổn định an ninh trật tự; quan tâm chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn từng bước được nâng lên, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

Phát huy những kết quả đạt được, An Giang tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động số 19 ngày 19-4-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Phấn đấu đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, cấp phó. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo quy định, hướng dẫn của Trung ương để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý.

Tiếp tục thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Nhất là, giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Đến năm 2030, tỉnh tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy; thí điểm thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị; các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và khóm, ấp cơ bản đạt tiêu chuẩn theo quy định. Qua đó, nâng cao được hiệu quả công việc, tăng thu nhập cho người lao động, tạo động lực mới cho kinh tế - xã hội tỉnh ngày càng phát triển.

THU THẢO

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/tinh-gon-bo-may-hoat-dong-hieu-luc-hieu-qua-a234012.html