Tinh gọn bộ máy hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Góp ý vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Nguyễn Đức Thắng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4, phường Đống Mác (quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) cho rằng, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đặt ra và thực hiện quyết liệt.

Trong quá trình phát triển, nhà nước ngày càng xác định rõ hơn, đúng hơn chức năng của mình. Dù xu hướng có thay đổi nhưng nhà nước phải tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua bộ máy quản lý nhà nước.

Cần tiếp tục tinh gọn bộ máy hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động (ảnh minh họa)

Cần tiếp tục tinh gọn bộ máy hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động (ảnh minh họa)

Bộ máy quản lý nhà nước thực chất là một hệ thống tổ chức nhằm triển khai thực thi pháp luật, thực hiện quyền lực nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Quyền lực nhà nước bao gồm ba bộ phận cấu thành là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cần dựa vào sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị với ba bộ phận là: hệ thống các tổ chức của Đảng, hệ thống các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Như vậy, trong thực hiện cải cách hệ thống tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phải chú trọng đến tính tổng thể của hệ thống chính trị.

Xuất phát từ yêu cầu hoàn thiện nhà nước và thực tiễn cải cách tổ chức bộ máy nhà nước trong giai đoạn đổi mới đất nước, nhà nước ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo đối với việc tinh gọn bộ máy nhà nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đối với hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu của Đảng và Quốc hội về hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thực tế triển khai đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thời gian qua.Tuy vậy, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn còn một số hạn chế. Thứ nhất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp. Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, thiếu đồng bộ, còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Thứ hai, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt kết quả cao. Thứ ba, công tác quản lý nhân sự chưa chặt chẽ, tỉ lệ người phục vụ cao, số lãnh đạo cấp phó nhiều, việc bổ nhiệm cấp “hàm” ở một số cơ quan Trung ương chưa hợp lý. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước lớn, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố còn nhiều.

Nguyên nhân là do mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện, một số bộ phận, lĩnh vực chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Công tác quản lý tổ chức bộ máy và biên chế thiếu chặt chẽ và chưa tập trung thống nhất vào một đầu mối. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chưa thường xuyên, chưa xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có những vi phạm đối với việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế…

Từ đó yêu cầu đặt ra là cần nghiên cứu cơ sở khoa học về tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra, hướng tới sự ổn định và phát triển kinh tế trong môi trường hội nhập quốc tế.

Trong việc thiết kế mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, cần lưu ý đảm bảo tính truyền thống, phù hợp với xã hội, văn hóa; đảm bảo tính kế thừa những yếu tố thành phần đã có sự phù hợp và phát huy tính tích cực; đảm bảo tính phát triển phù hợp yêu cầu phát triển của xu thế chung hướng tới bộ máy gọn nhẹ, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Từng bước thống nhất một đầu mối quản lý về công tác tổ chức bộ máy nhà nước, đặc biệt trong khâu tổ chức xây dựng, thể chế và quản lý, theo dõi thi hành pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và công tác nhân sự nhà nước. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật và các quy định dưới luật đảm bảo phù hợp với thực tế triển khai thực hiện.

Nguyễn Đức Thắng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tinh-gon-bo-may-hanh-chinh-de-nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-hoat-dong-115525.html