Tinh giản nội dung để dạy trực tuyến

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, có 14 tỉnh, thành phố cho HS đi học trở lại ngay từ ngày 17/2; 49 tỉnh, thành phố tiếp tục cho HS nghỉ học trên lớp, trong đó có 1 tỉnh cho nghỉ đến hết ngày 19/2; 17 tỉnh, thành phố cho nghỉ đến hết ngày 21/2; 6 tỉnh, thành phố cho nghỉ đến hết ngày 22/2; 10 tỉnh, thành phố cho nghỉ đến hết ngày 28/2; 15 tỉnh, thành phố cho nghỉ đến khi có thông báo mới.

Cần tiếp tục cải tiến để dạy và học trực tuyến hiệu quả.

Cần tiếp tục cải tiến để dạy và học trực tuyến hiệu quả.

Chuẩn bị kỹ bài, khơi gợi hứng thú học

Ghi nhận tại Hà Nội, hầu hết các trường tiểu học, THCS và THPT đã bước vào giảng dạy bình thường theo thời khóa biểu trên những lớp học ảo qua Zoom, Microsoft, Teams hay nhiều nền tảng công nghệ khác. Nhìn chung giáo viên và HS đã quen với việc học trực tuyến nên có nền nếp, hiệu quả. Riêng với lớp 1, do các em còn nhỏ, còn nhiều bỡ ngỡ với hình thức học này, đòi hỏi nhà trường, gia đình cùng chung sức vượt khó.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông cho biết, toàn quận có 35 trường tiểu học. Hầu hết các trường bố trí thời gian buổi tối để dạy cho HS khối lớp 1. Giờ học thường bắt đầu từ 19h hoặc 19h30, tùy từng trường và không kéo dài quá 21h.

Từ kinh nghiệm giảng dạy của mình, cô giáo Tú Anh (trường THPT Việt Nam - Ba Lan) cho rằng để học online hiệu quả, đầu tiên phải có phần mềm dạy học, đường truyền mạng tốt; cần thiết bị công nghệ của giáo viên và HS. Đặc biệt, việc chuẩn bị bài và kỹ năng của giáo viên đóng vai trò quan trọng để tạo nên những giờ học online hiệu quả. Ví dụ, thầy cô phải có kỹ năng quản lý giờ dạy trên không gian mạng, như điểm danh HS trước khi bắt đầu tiết dạy, tạo một số trò chơi để khởi động, tạo hứng thú học tập cho HS.

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GDĐT Hà Nội đánh giá, qua kiểm tra, các nhà trường đều cơ bản thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Sở về việc tổ chức dạy học trực tuyến; quan tâm đến HS lớp 1 với nhiều giải pháp như chọn khung giờ học, tổ chức dạy học linh hoạt, có hình thức kiểm tra để kịp thời điều chỉnh cách thức tổ chức...

Liên quan tới việc tinh giản nội dung kiến thức dạy học, Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo các trường THPT trong học kỳ II năm học 2020-2021 yêu cầu giáo viên tiếp tục tổ chức rà soát sách giáo khoa, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Cụ thể, đội ngũ giáo viên của các nhà trường cần quan tâm rà soát, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; chủ động điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung kiến thức giữa các môn học; bổ sung, cập nhật kịp thời những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu.

Kế thừa học liệu trực tuyến đã có

Hiện đa phần các giáo viên dạy học trực tuyến lựa chọn các công cụ như mạng xã hội Facebook, Zalo, qua email hoặc các hệ thống như Zoom, Google Classroom, Microsoft Team… để dạy học.

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã xây dựng, cung cấp nền tảng dạy học trực tuyến có đầy đủ công cụ như quản lý lớp học, quản ly giáo viên, quản lý học sinh, cho phép giáo viên và nhà trường có thể dạy học trực tuyến, theo dõi, thống kê tiến trình học tập của các lớp và từng học sinh cụ thể. Tất cả các gáo viên, học sinh các trường tiểu học, THCS và THPT có thể sử dụng miễn phí công cụ giảng dạy, học tập này thông qua trang web https://olm.vn.

Cụ thể, giáo viên chỉ cần chọn bài giảng video tương tác, chọn bài tập hoặc bài kiểm tra và giao cho học sinh. Học sinh học và làm bài trên hệ thống, máy tính chấm điểm và thống kê kết quả. Nhà trường và phụ huynh có thể giám sát, theo dõi được quá trình học tập của HS.

“Kho học liệu học trực tuyến với các bài giảng do giảng viên của Trường biên soạn, bám sát theo chương trình của Bộ GDĐT. Đặc biệt, hệ thống có các công cụ quản lý lớp học, cho phép giáo viên và nhà trường có thể dạy học trực tuyến, theo dõi, thống kê tiến trình học tập của các lớp và từng học sinh cụ thể. Tất cả các nội dung và chức năng sẽ được mở miễn phí trong suốt thời gian HS học tập tại nhà để phòng chống dịch Covid-19”, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho biết.

Về phía Bộ GDĐT cũng phối hợp với các đơn vị xây dựng nền tảng giáo dục số tại địa chỉ igiaoduc.vn. Đến nay dự án đã cập nhật hơn 5.000 bài giảng e-learning, hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, hơn 36.000 câu hỏi trắc nghiệm và gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông. Hệ thống giúp nâng cao năng lực số cho giáo viên về biên soạn, xây dựng và sử dụng học liệu số có hiệu quả. Đồng thời cũng cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trên cơ sở kế thừa tối đa hệ thống bài giảng điện tử hiện có tiếp tục bổ sung bằng cách huy động giáo viên từ các địa phương thực hiện các bài giảng có chất lượng, từng bước hoàn thiện kho học liệu số với đầy đủ các môn học ở bậc phổ thông. Việc xây dựng những bài giảng mẫu tốt và đăng tải qua kênh youtube rất phù hợp với những bậc học, lớp học “khó” triển khai dạy học trực tuyến như mầm non hay lớp 1.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-gian-noi-dung-de-day-truc-tuyen-553975.html