Tinh giản biên chế trong ngành giáo dục: Khó thực hiện vì đâu?

Thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục – Đào tạo mỗi nơi làm một kiểu dẫn tới tình trạng lúng túng, thậm chí có nơi không thể thực hiện được.

Thực hiện luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên. Đây là câu chuyện đã kéo dài nhiều năm, gây không ít khó khăn, bất cập trong các cơ sở giáo dục đào tạo. Mặc dù đã có nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức để tìm biện pháp tháo gỡ, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết được triệt để tình trạng thiếu giáo viên. Việc đã khó lại càng khó khăn hơn khi quá trình thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục – Đào tạo mỗi nơi làm một kiểu dẫn tới tình trạng lúng túng, thậm chí có nơi không thể thực hiện được.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Năm học 2019-2020, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang có 34 cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học cơ sở với hơn 13.300 học sinh. Hiện thành phố có 965 cán bộ, giáo viên, nhân viên, còn thiếu 87 giáo viên theo định biên của ngành giáo dục- đào tạo, trong đó bậc mầm non thiếu nhiều nhất là 55 giáo viên, tiểu học thiếu 22 giáo viên. Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố Hà Giang cho biết: Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến nay các trường ở thành phố Hà Giang không được phép tăng thêm biên chế nào, mà ngược lại phải thực hiện tinh giản theo lộ trình với quy tắc “ra 2 vào 1” khiến số lượng giáo viên bị thiếu ở các bậc học tăng liên tục theo từng năm.

“Với các thầy cô làm công tác giảng dạy, đặc biệt là đối tượng giáo viên, nghỉ 2 mà lại tuyển 1 thì với 2 đầu môn, 1 cô toán, 1 cô văn nếu 2 cô nghỉ mà được tuyển 1, chúng tôi đã thiếu về cơ cấu bộ môn rồi. Bên cạnh đó, số lượng học sinh, quy mô phát triển trường lớp, thường năm nay cao hơn trước. Số học sinh tăng, lớp tăng nhưng giáo viên lại giảm là điều hết sức khó khăn”- Bà Giang cho biết.

Trên phạm vi toàn tỉnh Hà Giang hiện còn thiếu hơn 1.500 giáo viên các cấp học, trong đó thiếu nhiều nhất là bậc học mầm non và tiểu học. Giáo viên thiếu luôn trong tình trạng năm sau cao hơn năm trước.

“Lý do thiếu là vì do quy định tinh giảm biên chế hàng năm. Từ năm 2015, chúng tôi phải giảm 10%. Bây giờ tinh giản là 4 năm nay không được tuyển, do vậy chỉ có giảm. Số nghỉ hưu cứ nghỉ hưu, số tuyển mới không có thì sẽ thiếu. Bên cạnh đó, dân số tăng lên, hàng năm Hà Giang tăng khoảng độ 15.000 cháu. Như vậy, khi dân số tăng, cơ cấu giáo viên sẽ tăng lên nhưng không được tuyển thì chắc chắn lại càng thiếu”- ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang lý giải.

Cùng với thiếu giáo viên do tăng dân số và thực hiện tinh giảm biên chế như ở Hà Giang thì việc phân cấp trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo ở các địa phương còn nhiều bất cập cũng là nguyên nhân khiến tình trạng thiếu giáo viên không những khó giải quyết mà còn kéo dài từ năm này qua năm khác. Tại các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối tuyển dụng giáo viên nên không thể chủ động được việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, cấp học, càng không thể chủ động điều tiết được lượng giáo viên thừa, hoặc thiếu.

Bên cạnh đó phương thức tổ chức thi tuyển viên chức như hiện nay cũng còn nhiều điểm chưa phù hợp. Theo phương thức thi tuyển viên chức hiện nay phải trải qua 2 vòng thi, trong đó thí sinh sau khi thi đạt vòng 1 (gồm thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ và môn Kiến thức chung) mới tiếp tục được dự thi vòng 2. Với đa phần số giáo viên đã đi dạy theo hình thức hợp đồng nhiều năm thì kiến thức môn Ngoại ngữ đã dần mai một, trừ những giáo viên dạy tiếng Anh, còn những thành tích mà họ phấn đấu đạt được trong quá trình giảng dạy không được tính điểm ưu tiên.

Cô Nguyễn Thị Thủy, đã có 9 năm làm giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội bức xúc, trong 9 năm công tác, năm nào cô cũng được bồi dưỡng học sinh giỏi, năm nào cũng có học sinh đạt học sinh giỏi. “Tôi đạt giải Nhì giáo viên giỏi của huyện Ba Vì, môn Toán, có học sinh đạt giải nhất môn Toán qua internet. Năm nào cũng có 2-3 học sinh giỏi huyện. Với hình thức thi tuyển như này, tôi thấy rất bất lợi cho chúng tôi. Thi theo hình thức 2 vòng, không tạo điều kiện và không có sự ưu tiên nào cho giáo viên hợp đồng lâu năm”- cô Nguyễn Thị Thủy cho biết.

Tại nhiều hội đồng thi diễn ra cảnh giáo viên hợp đồng cùng dự thi tuyển viên chức với chính học sinh cũ của mình trong cùng một phòng thi. Điều đáng buồn hơn là giáo viên hợp đồng thì trượt, còn học trò cũ của họ thì lại trúng tuyển do có điểm thi Ngoại ngữ và điểm học bạ cao hơn. Cảm thấy chua xót trước nghịch lý này, nhiều giáo viên đã “liều mình” gửi “tâm thư” kêu cứu tới đại biểu Quốc hội mong Nhà nước sớm có giải pháp tháo gỡ.

Từ các hoạt động tiếp xúc cử tri ở địa phương, ông Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Bình chỉ ra một bất cập phổ biến, đó là một số nơi làm sai quy định, cho dù địa phương còn biên chế nhưng không tổ chức tuyển dụng mà chỉ ký hợp đồng nên ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên khi rà soát các trường hợp thuộc diện tinh giản biên chế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình).

“Thừa thiếu giáo viên này là do trong quá trình tinh giảm biên chế do sắp xếp của từng tỉnh có những điểm chưa hợp lý, chưa có định hướng, chưa có kế hoạch trước nên thừa, thiếu. Có trường hợp là có những nơi có biên chế nhưng không tổ chức thi tuyển mà lại tổ chức hợp đồng và khi đưa ra yêu cầu chấm dứt hợp đồng lại cắt đi hợp đồng, thiếu giáo viên”- ông Nguyễn Ngọc Phương cho biết.

Từ hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân địa phương, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết một thực tế, chủ yếu là hợp đồng giáo viên dạy theo tiết học. Mỗi tiết học, giáo viên được hợp đồng chỉ được thụ hưởng mấy chục nghìn đồng tùy theo cấp học. “Rõ ràng chính sách này rất bất cập so với giáo viên được biên chế. Chính vì việc này dẫn đến tâm lý của các trường muốn dành biên chế lại để hợp đồng giáo viên có ngân sách, để giữ lại kinh phí ngân sách hoạt động của trường lớn hơn để hoạt động cho những vấn đề khác”- bà Đàng Thị Mỹ Hương cho hay.

Tại các hội nghị tổng kết năm học, triển khai năm học mới của ngành Giáo dục - Đào tạo mấy năm gần đây, nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc thiếu giáo viên hiện nay còn do nguyên nhân từ quy định về cách tính định biên, định mức số lượng giáo viên/lớp của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa hợp lý. Hầu hết các địa phương tính số lượng giáo viên theo định mức một cách cơ học, mà không linh hoạt theo từng vùng miền, từng môn học nên khi các trường đưa vào áp dụng đã dẫn tới tình trạng thừa, hoặc thiếu giáo viên.

“Định mức tỷ lệ 1,9 giáo viên trên lớp đối với trung học cơ sở về mặt lý luận là đủ, nhưng về mặt thực tế sẽ nảy sinh tình trạng thiếu cục bộ ở các đơn vị do số lượng lớp, số học sinh của từng trường khác nhau dẫn đến tình trạng thừa thiếu. Ví dụ môn toán theo quy định được phân bổ là 0,31 giáo viên trên lớp, trường tôi có 26 lớp, tổng số giáo viên cần là 8,06 và chắc chắn là khi làm tròn thì cấp trên không thể điều động 8 giáo viên rưỡi mà chắc là 8 giáo viên”- ông Nguyễn Hồng Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Vạn Thắng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội phân tích.

Thiếu giáo viên khiến quá trình thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục- Đào tạo đã khó lại càng khó khăn hơn, đã rối lại càng rối thêm. Mỗi nơi thực hiện một kiểu, lúng túng, bị động, như trường hợp Ủy ban nhân thành phố Hà Nội, sau nhiều lần xem xét đặc cách hay thi tuyển cuối cùng vẫn tổ chức thi tuyển viên chức đối với những giáo viên đã ký hợp đồng từ năm 2015 trở về trước. Quá trình thi tuyển thành phố ra 2 văn bản trong cùng một ngày về việc hoãn và tiếp tục tổ chức thi khiến những người trong cuộc cảm thấy uể oải, chán nản, thiếu niềm tin./.

Minh Hường-Thu Hiền/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tinh-gian-bien-che-trong-nganh-giao-duc-kho-thuc-hien-vi-dau-995248.vov