Tính giải trí có cần thiết cho văn học?

Tính giải trí hay chức năng giải trí của văn học là một trong những vấn đề được tranh luận khá nhiều trong đời sống văn học Việt Nam.

Trong những năm gần đây, sự xuất hiện ồ ạt của dòng văn học giải trí (văn học đại chúng, văn học thị trường) như là quy luật tất yếu khi văn chương tồn tại trong cơ chế thị trường, đề tài này một lần nữa lại được lật xới với những góc nhìn mới. Văn học có cần tính giải trí để tồn tại, đó có phải là yếu tố quyết định đến giá trị của văn học, hay tính giải trí có đồng nhất với dòng văn học giải trí?

Văn học và chức năng giải trí

Giải trí là chức năng của văn học thể hiện trong việc cuốn hút con người vào một trò diễn nghệ thuật, mang lại cho họ niềm vui và sự khoái trí. Với quan niệm xem văn học như là “trò diễn bằng ngôn từ”, những sinh thể nghệ thuật do nhà văn sáng tạo có khả năng quyến rũ hồn vía người đọc, tạo nên sự hứng thú, thư giãn tinh thần. Sự giải trí do văn học mang lại, vì vậy, không phải là sự tiêu phí thời gian vào những chuyện vô bổ, tầm thường, mà là sự hưởng thụ thẩm mỹ cao đẹp của tâm hồn.

Ngay từ thời cổ đại, Plato khi bàn về chức năng của văn học, bên cạnh nhấn mạnh ý nghĩa giáo dục, ông còn phân tích khá cụ thể lý thuyết về “chức năng khoái cảm”; hay Horace đã nêu ra thuyết giáo dục bằng sự vui thú. Từ đó đến nay, giải trí trở thành một trong những mục tiêu quan trọng, thậm chí trở thành giá trị truyền thống của văn học phương Tây. Giải trí rõ ràng là một thuộc tính của văn học, nó tồn tại trong mọi tác phẩm, có chăng là ít hay nhiều, và người ta có cảm nhận/chấp nhận nó bên cạnh những chức năng vốn được xem là “cơ bản”, “chủ yếu”, “cao quý” của văn học như nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giao tiếp.

Ở Việt Nam, sự vắng bóng của tính giải trí trong văn học có thể được giải thích bởi điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Trước đây, dưới chế độ phong kiến, do ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo-“văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí”, khiến cái nhìn về hoạt động sáng tạo và thưởng thức văn học không khỏi rơi vào phiến diện. Đến khi văn học bước sang thời đại mới gắn với hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, yêu cầu đặt ra cho nền văn học là phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vì vậy tính giải trí được xếp sau chức năng nhận thức và giáo dục. Ở phương diện lý luận, nhìn vào những bộ giáo trình Lý luận văn học đang được lưu hành, giảng dạy chính thống trong các trường đại học, chúng ta không khỏi ngạc nhiên bởi sự thiếu vắng tính giải trí trong các chức năng cơ bản của văn học.

Tuy nhiên, đã đến lúc, qua thực tiễn sáng tạo và thưởng thức văn học, thiết nghĩ cần nhìn nhận và khẳng định những chức năng khác của văn học, trong đó có chức năng giải trí. Từ khởi thủy, văn học giúp con người có thể quên đi những dằn vặt, giải tỏa những muộn phiền trong cuộc sống, tạo cho con người niềm vui, sự khoái cảm; nhờ đó, con người lấy lại được sự cân bằng về tâm-sinh lý, duy trì được một sức khỏe tâm thần cần thiết để tiếp tục tồn tại, lao động và sáng tạo. Với ý nghĩa như vậy, tính giải trí thực sự cần, nếu không muốn nói là quan trọng mà văn học mang lại cho chủ thể sáng tạo lẫn cộng đồng tiếp nhận.

Giải trí thuần túy hay giải trí thẩm mỹ?

Tính chất giải trí biểu hiện ở nhiều bình diện, gắn với tài năng và cá tính sáng tạo của nghệ sĩ. Đó có khi là việc xây dựng những tình huống, lời văn gây cười, những tứ thơ lạ, áng thơ hay; cũng có khi nhà văn đầu tư xây dựng cốt truyện lôi cuốn với lối kết cấu bất ngờ, khó dự đoán, cùng với đó là hệ thống hình tượng nhân vật ấn tượng, độc đáo, đặc biệt các câu chuyện được dẫn dắt bởi tài năng của người kể chuyện siêu phàm.

Mặc dù ở mỗi giai đoạn, yêu cầu đối với văn học là khác nhau, song trong mạch nguồn của văn học dân tộc, tính chất giải trí vẫn chảy một dòng riêng trong đời sống tinh thần cộng đồng. Truyện cười dân gian, truyện tiếu lâm, truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Xiển Ngộ, truyện Ba Phi, truyện làng cười Văn Lang, thơ trào phúng-trữ tình của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, văn xuôi Tự lực văn đoàn, truyện trinh thám, văn học đô thị miền Nam trước 1975, thơ Bút Tre… đã đem lại cho biết bao thế hệ độc giả những giây phút sảng khoái, thú vị, niềm vui của trí tuệ và sự hiền minh trong thưởng thức nghệ thuật.

Khi nền văn hóa đại chúng bùng nổ, một mặt văn học phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, mặt khác, tính chất của các chức năng trong văn học cũng có nhiều thay đổi. Điều này đòi hỏi mỗi người cầm bút phải thật sự nhạy bén, mẫn cảm và bản lĩnh. Không ít nhà văn đương đại đã phối trộn vào những câu chuyện có vẻ nghiêm túc một cốt truyện kỳ ảo, trinh thám, hình sự hay những yếu tố dân gian mang màu sắc hiện đại, lối giễu nhại, hài hước, bông lơn... khiến tác phẩm không những không giảm đi giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, mà còn dễ dàng tiếp cận với đối tượng độc giả phổ thông. Công bằng mà nói, không phải tất cả tác phẩm thuộc dòng văn học giải trí đều không có giá trị; nhưng mặt khác, cũng cần phải thấy nếu văn học chỉ thuần túy giải trí, chạy theo thị hiếu của độc giả, thì viễn cảnh không xa, những tác phẩm này sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng. Ở một khía cạnh khác, với văn học hàn lâm, bác học, một khi chối bỏ tính giải trí thì cũng sẽ “lâm nguy” bởi kém hấp dẫn, lôi cuốn, khiến độc giả hờ hững, quay lưng, thờ ơ.

Có thể nói, chỉ tính giải trí không thôi là chưa đủ để tạo nên chất lượng của tác phẩm, chỉ khi nào giải trí gắn với những giá trị thẩm mỹ, tinh thần nhân văn và phẩm tính nghệ thuật, tác phẩm mới có sức sống bền vững trong lòng công chúng độc giả. Đằng sau sự giải trí, tác phẩm văn học đích thực bao giờ cũng chứa đựng giá trị nhận thức, bài học nhân sinh sâu sắc và khát vọng mãnh liệt vươn tới cái đẹp, cái hoàn thiện.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN HÙNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tinh-giai-tri-co-can-thiet-cho-van-hoc-566464