Tình già đô thị

'Tình già' đó là tên một bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Hải Lê Cao từng gây xôn xao dư luận. Bộ ảnh kể về cặp vợ chồng già trên 80 tuổi sống trên sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội).

“Tình già” bức ảnh trong bộ ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Hải Lê Cao

Chia sẻ về lý do thực hiện bộ ảnh, nhiếp ảnh gia này cho hay: “Họ tình cờ gặp nhau ở bãi rác, nhặt tranh của nhau nhiều nên quyết định về cùng một nhà để đỡ phải tranh nhau. Kỷ niệm “ngày cưới”, ông xăm cả ngày hình hai người gặp nhau lên tay. Không cưới không hỏi, ông bà cứ thế sống với nhau…”.

Nếu tình yêu muôn đời là đề tài bất hủ của thơ ca, nhạc họa... thì hôn nhân lại nhang nhác, chông chênh giữa hai thái cực: Hạnh phúc và giận dỗi. Chẳng thế mà các bộ phim có dính dáng đến hôn nhân đều có một mô típ vô cùng quen thuộc. Ở đó có cao trào của hạnh phúc lại có cả những dỗi hờn lục đục nhưng tranh đấu mãi vẫn là của nhau.

Điểm đến của hôn nhân với một số người không phải là một thiên đường của sự lãng mạn mà là một phiên tòa ly dị của hai người từng chung chăn gối, thậm chí còn có con với nhau. Hôn nhân ở quê với thị thành cũng có nhiều khác biệt. Nông thôn với những phép tắc xưa cũ, sự cấu kết cộng đồng mạnh mẽ khiến cho nhiều cuộc hôn nhân đã tiến gần đến vực thẳm thì vẫn là sự chịu đựng tiêu cực.

Nếu tình yêu muôn đời là đề tài bất hủ của thơ ca, nhạc họa... thì hôn nhân lại nhang nhác, chông chênh giữa hai thái cực: Hạnh phúc và giận dỗi. Chẳng thế mà các bộ phim có dính dáng đến hôn nhân đều có một mô típ vô cùng quen thuộc. Ở đó có cao trào của hạnh phúc lại có cả những dỗi hờn lục đục nhưng tranh đấu mãi vẫn là của nhau.

Tại Hà Nội từng có một triển lãm mô tả về những phương thức bạo hành của các ông chồng cơ bắp với thục nữ làm vợ hết sức tàn bạo. Không chỉ là những bức ảnh xơ cứng, triển lãm còn có sự xuất hiện của những hiện vật vô tri mà các ông chồng dùng làm phương tiện bạo hành. Đó đôi khi là một chiếc chậu hoa, một cái nồi nấu canh thậm chí là một tảng đá nhiều cạnh sắc vẫn còn những vết máu đã khô lại….

Hôn nhân ở thị thành khác hơn nhiều. Người vợ sẵn sàng rời bỏ tổ ấm của mình khi khám phá ra được những góc khuất tiềm ẩn của phu quân sau ngày cưới. Thậm chí, có những cuộc ly hôn còn diễn ra một cách rất mềm mại nhuốm màu tiểu thuyết. “Không thể là vợ chồng thì vẫn có thể làm bạn với nhau cơ mà”, một người phụ nữ mới ly hôn từng nói với tôi như vậy. Với chị, ly hôn không phải là một lựa chọn tiêu cực, nó là một sự giải thoát cần thiết trước một sự gán ghép không tương thích lẫn nhau.

Dẫu vậy, hôn nhân ở phố không phải vì thế mà không có những cặp đôi có thể nắm tay nhau đến xa tắp tuổi già. Nhiều người ở tuổi lên ông lên bà vẫn âu yếm gọi nhau là anh, là em. Người viết bài này đã từng chứng kiến một cuộc đối thoại của hai vợ chồng già trước cửa phòng khám một bệnh viện. Hôm đó, ông đưa bà đi khám. Khi vợ ông được y tá mời vào trong, ánh mắt của bà vẫn ngoái nhìn ông như một sự cầu cứu, rồi bà nói: “Ông ơi, vào với tôi đi”. Ông vừa lấy tay xua xua bà vừa nói: “Bà vào đi, tôi ở ngay đây tôi canh cho”. Một cuộc chia tay qua một cánh cửa phòng khám bỗng nhiên mà quyến luyến vô cùng.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Nhiều năm trước, nhiều người trên phố Trần Nguyên Hãn đã quen với hình ảnh hai vợ chồng ông Ba và bà Thắm. Họ gặp nhau trên phố, từ sự đồng cảm của hai số phận cùng cảnh ngộ mà gán duyên, nên nghĩa với nhau. Sống với nhau chưa được bao lâu thì tai nạn ập đến, bà Thắm rơi vào cảnh mù lòa sau một tai nạn trên phố. Bệnh tật và tuổi già lấy đi của bà sự minh mẫn trước đó. Vậy là hành trình mưu sinh trên phố chỉ còn một mình ông.

Không chỉ kiếm tiền nuôi bà, ông cũng đảm nhận luôn cả việc chăm sóc cho người vợ bệnh tật của mình. Ông kể, nhiều đêm, ru mãi bà mới chịu ngủ, đang đêm yên tĩnh, bà lại bật dậy nói liên hồi như thế. Dỗ không được, thế là hai cái bóng còm nhom thân già ấy đành ngồi với nhau cho đến tận sáng rõ mới thôi.

Tấm gương chăm bà của ông đã từng được các chị của một cơ quan Nhà nước, nơi vẫn thường xuyên tặng giấy và sách báo thừa cho ông đem về minh họa cho các đức ông chồng, dù sự so sánh có phần khập khiễng.

“Anh và em liệu có nắm tay nhau đi đến hết cuộc đời không”, nhiều cô gái bước vào hôn nhân thường lãng mạn hỏi chồng như vậy. Lẽ dĩ nhiên, các ông chồng với kỹ năng thượng thừa tán gái vẫn đáp lại bằng một nụ cười hay câu nói ỡm ờ chẳng ra khẳng định.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/tinh-gia-do-thi/779351.antd