Tình duyên của tác giả 'Gió đầu mùa'

Năm 2020 này, người yêu văn chương không thể không nhớ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà văn Thạch Lam (1910-1942), tác giả của những tác phẩm còn lưu đọng trong tâm trí người đọc hôm nay như 'Gió đầu mùa', 'Nhà mẹ Lê', 'Hà Nội băm sáu phố phường'… Nhà văn Thạch Lam đã sống và yêu như thế nào, để có được những trang viết nhân hậu và đắm say?

Nhà văn Thạch Lam qua nét vẽ Đinh Cường.

Nhà văn Thạch Lam qua nét vẽ Đinh Cường.

Nhà văn Thạch Lam, tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân. Trong 7 anh em của Thạch Lam, có hai người nữa cũng nổi tiếng trong văn chương là nhà văn Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam và nhà văn Hoàng Đạo - Nguyễn Tường Long. Điểm độc đáo nhất trong văn Thạch Lam là nét buồn của cuộc sống ngoại ô. Vì sao như vậy, vì tuổi thơ của Thạch Lam trải qua ở hai phố huyện. Đầu tiên là phố huyện Cẩm Giàng - Hải Dương mà gia đình cư ngụ, kế tiếp là những ngày tạm trú bên bến phà Tân Đệ - Thái Bình, là nơi người anh cả dạy học. Những mảnh đời lẫm lũi nhỏ bé không rõ buồn vui cứ tự nhiên bước vào sáng tác của Thạch Lam, mà tiêu biểu nhất là truyện ngắn “Hai đứa trẻ”.

Thạch Lam tận tụy với chức phận một người cầm bút. Thế Lữ nói về Thạch Lam: “Cái người tối hôm trước trả lời tôi rằng chưa biết viết gì, sáng hôm sau đã cho tôi cảm động vì một tập truyện viết đều hàng, nét chữ nhỏ và nhanh, câu văn đằm thắm”. Còn Hồ Dzếnh thì cảm mến: “Thạch Lam là người viết rất khó khăn và thận trọng. Có những truyện anh phải viết đi và sửa lại tới bốn lần như truyện “Sợi tóc” hoặc truyện “Một cơn giận”.

Năm 1935, có lẽ là năm đáng nhớ của Thạch Lam. Bởi lẽ, năm ấy ông không chỉ nhận vai trò chủ bút tờ Ngày Nay, mà còn cưới vợ. Khác với các anh mình, chỉ có hôn nhân thông qua mai mối, Thạch Lam tự tìm kiếm và tự quyết định bạn trăm năm.

So với bản lĩnh của Nhất Linh và Hoàng Đạo, thì công chúng dễ nhận ra Thạch Lam khiêm tốn hơn. Vậy mà Thạch Lam dựa vào đâu để làm cuộc đổi mới về… hôn nhân? Nếu suy xét kỹ lưỡng về tính cách, thì cũng phần nào hiểu được chuyện “to gan” chọn vợ của Thạch Lam. Theo bà Nguyễn Thị Thế, chị gái Thạch Lam kể lại: "Hồi nhỏ, tôi nhút nhát bao nhiêu thì Thạch Lam bạo dạn bấy nhiêu. Tuy tôi hơn Thạch Lam một tuổi nhưng việc gì cũng phải nghe theo em cả. Cũng nhờ tính bạo dạn này, Thạch Lam đã giúp đỡ mẹ tôi được nhiều việc, nhưng cũng làm cả nhà hoảng hồn nhiều lần…”.

Ngoài tính cách ấy, thì ngay trong văn Thạch Lam cũng đã hé lộ ý thức phóng khoáng và tự do về hôn nhân. Chẳng hạn, trong tác phẩm “Nắng trong vườn”, Thạch Lam đã viết chuyện tình mùa hè giữa cô gái 16 tuổi và chàng trai 18 tuổi rất mạnh mẽ và chân thành, khác hẳn kiểu thầm thương trộm nhớ của văn chương lúc bấy giờ.

Vợ chồng Thạch Lam - Nguyễn Thị Sáu sinh được ba người con: Nguyễn Tường Nhung, Nguyễn Tường Đằng và Nguyễn Tường Giang. Nhuận bút của Thạch Lam không đủ nuôi mấy miệng ăn, bà Nguyễn Thị Sáu phải tay năm tay mười phụ giúp kinh tế cho chồng. Một người bạn cùng thời của tác giả “Gió đầu mùa” tiết lộ: Thạch Lam nghèo bởi tác phẩm ông viết rất ít người mua, nhưng không vì thế mà bà Nguyễn Thị Sáu kém mặn mà với khách của chồng. Những bữa rượu bạn bè cứ tiếp diễn, và bao giờ Thạch Lam cũng mời mọc thịnh tình cho đến khi tri kỷ say mềm. Trong lúc chè chén, có khi sinh sự ồn ào, những lúc ấy Thạch Lam vẫn chỉ điềm nhiên nâng chén, không nói lớn, mà chỉ cười. Và bà Nguyễn Thị Sáu vẫn vui vẻ thu dọn.

Từ năm 1940, nhà văn Thạch Lam phát hiện bị lao phổi. Bệnh tật hành hạ khiến ông rất khó tính, chỉ có sự chiều chuộng và sự nhẫn nại của bà Nguyễn Thị Sáu có thể làm chồng bớt gắt gỏng thôi. Ngày 17/6/1942, nhà văn Thạch Lam qua đời trong túng quẫn và buồn thương. Bà Nguyễn Thị Sáu đã an táng chồng tại nghĩa trang Hợp Thiện, rồi đưa ba con nhỏ vào Nam sinh sống. Ba người con của nhà văn Thạch Lam, dưới bàn tay chăm nom và dạy dỗ của bà Nguyễn Thị Sáu đều khôn lớn và thành đạt.

TÂM HUYỀN

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tinh-duyen-cua-tac-gia-gio-dau-mua-127429-127429.html