Tình dục khi... đang có bệnh?

Bệnh tật có ảnh hưởng nhất định đến tình dục. Khi đang bị bệnh, cơ thể yếu ớt khiến không đủ sức khỏe để 'yêu', ham muốn tình dục cũng suy giảm. Vậy nhưng tình dục là một trong tứ khoái của đời người, nên người bệnh cần có giải pháp phù hợp để vừa dưỡng bệnh, vừa duy trì lửa hạnh phúc.

Những người đang trong thời gian điều trị bệnh, cơ thể đang yếu thì quan hệ tình dục (QHTD) gặp trở ngại. Khi bị bệnh, chức năng điều tiết sinh lý của cơ thể không còn trong trạng thái bình thường, đặc biệt với các trường hợp mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Người bệnh tăng huyết áp hoặc huyết áp không ổn định, khi thấy huyết áp có xu hướng tăng, thì không nên QHTD, tránh “yêu” khi có triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Người bị tăng huyết áp tốt nhất nên giao hợp vào tầm 4 giờ sáng, vì huyết áp thời điểm này tương đối ổn định. Với người mắc bệnh suy tim, sung huyết chưa được điều trị, người bị bệnh hẹp van 2 lá: Nếu có triệu chứng khó thở không nên QHTD vì có thể gây ra rung nhĩ, ảnh hưởng thêm chức năng của tim... Các trường hợp này, QHTD dễ bị đột tử. Với người bị bệnh tăng huyết áp kèm bệnh mạch vành khi QHTD sẽ tác động đến hệ thần kinh trung ương, có thể gây tăng huyết áp đột ngột, co thắt mạch máu, nhồi máu cơ tim hoặc xuất huyết não...

Người bệnh mới trải qua phẫu thuật, sức khỏe chưa hồi phục, cũng không nên QHTD sớm để tránh vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Bệnh hen có ảnh hưởng tới tình dục. Hen là tình trạng viêm mạn tính của đường thở. Viêm làm cho đường thở tăng tính đáp ứng, dễ bị ảnh hưởng bởi những tác nhân kích thích từ bên ngoài hoặc ngay chính bên trong cơ thể người bệnh làm co thắt phế quản và lên cơn hen. Hoạt động thể lực gia tăng trong lúc sinh hoạt tình dục có thể làm cho đường dẫn khí bị viêm, co thắt và thậm chí xẹp lại. Thở ngắn kéo dài có thể là lý do mà một số bệnh nhân hen suyễn tránh QHTD. Ở người bệnh hen suyễn, ngay cả khi không gắng sức mà đã xảy ra khó thở, thì khi QHTD lại càng khó thở hơn do thiếu ôxy. Vì vậy họ thường ngại “chuyện ấy”, lâu ngày dẫn đến suy giảm ham muốn tình dục...

Bệnh tật có ảnh hưởng nhất định đến tình dục.

Bệnh tật có ảnh hưởng nhất định đến tình dục.

Người bệnh ung thư, ngoài việc phải đối diện với nỗi đau bệnh tật thì ảnh hưởng của bệnh tới tình dục cũng là vấn đề đáng ngại. Bị mắc bệnh ung thư không có nghĩa là người bệnh không còn khả năng và nhu cầu tình dục. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân ung thư đều gặp phải những khó khăn về tình dục, có thể tạm thời hoặc lâu dài. Việc điều trị một số loại ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tinh hoàn, ung thư dương vật có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tình dục, còn các bệnh ung thư khác có ảnh hưởng gián tiếp. Các ảnh hưởng của ung thư đến đời sống tình dục có thể do: Giảm khả năng và giảm thể chất thực sự. Với người bệnh đang điều trị ung thư thường gặp phải tình cảnh: Mất cảm giác thích thú trong tình dục. Không thể có được hoạt động tình dục như trước kia đã có. Một số phương pháp điều trị ung thư gây ra những thay đổi ở các cơ quan sinh dục, vì thế cũng làm thay đổi cả đời sống tình dục. Một số người đàn ông không thể có và giữ được sự cương cứng sau điều trị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư dương vật hoặc ung thư tinh hoàn. Một số phụ nữ thấy rằng việc sinh hoạt tình dục khó khăn hơn, hoặc thậm chí còn làm họ đau đớn sau điều trị ung thư.

Người mắc các bệnh lây qua đường tình dục và khi vừa nạo hút thai cũng là những giai đoạn nặng nề cho QHTD. Việc nạo phá thai có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe phụ nữ. Nghiêm trọng hơn còn có thể dẫn đến sẩy thai liên tiếp ở những lần mang thai sau, vô sinh. Do vậy, để an toàn cho sức khỏe, sau khi hút thai phải hết ra máu và dịch mới nên QHTD (khoảng 2 tuần). Trường hợp nạo thai to thì thời gian phải 6 tuần. Nếu cơ quan sinh dục có biểu hiện ngứa, tiết dịch có mùi hôi, màu xanh, vàng hoặc nâu bất thường, kèm theo đau bụng dưới hoặc sốt cao thì cần đi khám để điều trị kịp thời. Người bị bệnh lây truyền qua đường tình dục (viêm nhiễm, lậu, giang mai...) nên tránh QHTD vì có thể lây lan mầm bệnh và làm chậm quá trình lành bệnh.

BS. Đinh Mạnh Trí

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tinh-duc-khi-dang-co-benh-n184853.html