Tình cờ phát hiện ung thư vú từ biểu hiện dễ bỏ qua

Tự sờ thấy những u nhỏ trong vú, chị P.T.L (46 tuổi, ở Thái Nguyên) đi khám bất ngờ nhận án tử với kểt quả ung thư tuyến vú.

Phát hiện muộn vì nhầm với bệnh khác

Vào viện cách đây khoảng 2 tháng, chị P.T.L tự sờ thấy bên tuyến vú trái có vài khối u nhỏ. Ban đầu chị cũng bỏ qua, sau mới đi khám. Các bác sĩ đã cho chị siêu âm và chụp X-quang tuyến vú. Kết quả siêu âm cho thấy hình ảnh có 04 khối u nhỏ ở tuyến vú trái, tuy nhiên trên kết quả X-quang tuyến vú có hình ảnh vi vôi hóa lan tỏa toàn bộ tuyến vú trái.

Để chẩn đoán chính xác bản chất khối u, bệnh nhân được thực hiện sinh thiết. Thật không may cho chị L., kết quả giải phẫu bệnh là “Ung thư biểu mô thể nhày, phối hợp thể nội ống” - một thể của ung thư vú.

Chị Nguyễn Minh (ở Hà Nội) cũng phát hiện bị ung thư vú muộn. Những ngày đầu chị thấy đau lưng, vai, gáy lại tưởng là viêm xương khớp cột sống nên chủ quan. Khi thấy ngực xuất hiện thêm nốt nhỏ cứng cứng, chị mới vào viện để chụp X- quang vú. Nhận kết quả, chị đã rất bàng hoàng vì mình mắc phải bệnh ung thư vú.

Là bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh, BS Trần Văn Thụ - Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa Meclatec) cho biết, trường hợp như chị L gặp rất nhiều. Với ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn sớm tỷ lệ chữa khỏi đến 95%. Tuy nhiên tại Việt Nam, vẫn có đến 50% bệnh nhân ung thư vú đến viện ở giai đoạn muộn.

Ung thư vú chia thành từng giai đoạn: 0, I, II, III, IV dựa vào kích thước khối u, mức độ di căn hạch nách, tình trạng di căn... Điều đáng nói ở giai đoạn sớm, các triệu chứng ung thư vú thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý tuyến vú thông thường. Bởi vậy mà nhiều người thường hay bỏ qua. Đa phần người mắc bệnh ban đầu thường thấy một khối bướu hay một chỗ dày cứng lên không đau ở vú.

Về nguyên nhân gây ung thư vú, GS.TS Nguyễn Bá Đức nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết có rất nhiều nguyên nhân. Ngoài các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với ung thư vú đó là gia đình có tiền sử mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng, hoặc bản thân người đó có gen đột biến BRCA1 và BRCA2. Ung thư vú còn đến cả từ những thói quen “không ngờ” như béo phì, sử dụng nội tiết tố sau mãn kinh trong thời gian dài, hay các yếu tố nguy cơ như bắt đầu hành kinh sớm (dưới 12 tuổi), mãn kinh muộn...

Thường xuyên kiểm tra ngực: Bằng cách dùng tay sờ, nắn xem có dấu hiệu bất thường. Ảnh: TL

Thường xuyên kiểm tra ngực: Bằng cách dùng tay sờ, nắn xem có dấu hiệu bất thường. Ảnh: TL

Việc cần làm để chủ động phòng bệnh

Các chuyên gia khuyến cáo, ung thư vú là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhưng lại là một trong những loại ung thư dễ phòng tránh. Chị em không nên quá lo lắng mà thay vào đó nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm, đặc biệt là siêu âm và chụp X-quang tuyến vú để phát hiện sớm các bất thường. Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng, giúp người bệnh có cơ hội điều trị khỏi bệnh cao, giảm đau đớn và nâng cao chất lượng cuộc sống.

BS Trần Văn Thụ cho biết, hiện nay có nhiều kỹ thuật phát hiện sớm ung thư vú như X-quang, siêu âm, xét nghiệm tầm soát ung thư CA 15-3. Trong đó, siêu âm vú chủ yếu phát hiện khi kích thước khối u lớn, nên thường ở giai đoạn nặng, hoặc đã di căn; trường hợp không tạo khối rõ ràng thì nhìn trên hình ảnh siêu âm khó chẩn đoán xác định. Xét nghiệm CA 15-3 là một dấu ấn ung thư được sử dụng phổ biến nhất để phát hiện, theo dõi hiệu quả điều trị ung thư vú và để phát hiện ung thư tái phát sau điều trị.

Với những đặc điểm của các kỹ thuật tầm soát, sàng lọc trên, hiện nay kỹ thuật chụp X-quang tuyến vú (Mamography) đã được công nhận là kỹ thuật hiện đại đầu tay trong tầm soát sớm ung thư vú.

Chụp X-quang tuyến vú là kỹ thuật sử dụng chùm tia X cường độ thấp chiếu vào các mô tuyến vú để thu lại các hình ảnh tại tuyến vú với những ưu điểm vượt trội như:

Chẩn đoán sớm nguy cơ ung thư vú, đặc biệt có giá trị đối với khối u không sờ thấy được bằng khám thường, những tổn thương kín đáo, các tổn thương trong lòng ống sữa, các tổn thương vôi hóa rất nhỏ với độ nhạy từ 71- 96%; Phát hiện tổn thương bất thường vú, hố nách hai bên.

Theo dõi tổn thương đã biết, phát hiện tổn thương tái phát hay mới đối với các trường hợp đã phẫu thuật u vú; Hướng dẫn sinh thiết vú chính xác hơn; Kỹ thuật sử dụng một lượng tia X rất nhỏ nên an toàn cho sức khỏe của người chụp.

Từ kết quả chẩn đoán của X-quang tuyến vú, giúp bác sĩ có cơ sở chẩn đoán chính xác đi đến khẳng định là chọc hút tế bào bằng kim nhỏ hay sinh thiết khối u, từ đó chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị đúng đắn, kịp thời cho người bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kỹ thuật X-quang vú được khuyến cáo chụp với các trường hợp sau:

Chụp 1- 2 năm/ lần khi phụ nữ từ 40-49 tuổi; Phụ nữ từ >50 tuổi nên chụp 1 năm/lần.

Chụp 1 lần/năm nếu phụ nữ có yếu tố nguy cơ cao và phụ nữ có nguy cơ rất cao nên thực hiện từ 20 tuổi trở lên;

Chụp X-quang vú định kỳ hàng năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Những việc cần làm để chủ động phòng ngừa ung thư vú:

- Thường xuyên kiểm tra ngực: Bằng cách dùng tay sờ, nắn xem có dấu hiệu bất thường như tiết dịch, sự co kéo, lõm da, hay các khối u cục bất thường;

- Tập thể dục: Đây là cách giúp bảo vệ và phòng ngừa ung thư vú hiệu quả. Bạn có thể lựa chọn những cách tập đơn giản như đi bộ từ 30-60 phút mỗi ngày;

- Chế độ ăn uống khoa học: Nên ăn các loại trái cây và rau quả như rau lá xanh, cà rốt, khoai lang, cà chua và ớt đỏ...

- Hạn chế stress: Hãy giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, cân bằng giữa công việc và thư giãn để cơ thể luôn tràn đầy năng lượng và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

- Tránh xa những thói quen xấu, các chất ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Trịnh Phương Thảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/tinh-co-phat-hien-ung-thu-vu-tu-bieu-hien-de-bo-qua-2019041308144147.htm