Tính cố kết cộng đồng trong luật tục của người Gia Rai: Ý thức gắn kết của các thành viên trong cộng đồng (bài 1)

Người Gia-rai (Jrai) là một trong những tộc người nói ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Malayo - Polynésien (Mã Lai - Đa Đảo) và có số lượng dân cư đông nhất trong các tộc người Mã Lai - Đa Đảo (có 411.275 người, cư trú tại 47 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, người Giarai cư trú tập trung tại tỉnh Gia Lai (tập trung trên cao nguyên Pleiku và các huyện phía nam của tỉnh: Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa với 372.302 người, chiếm 29,2% dân số toàn tỉnh và 90,5% tổng số người Gia-rai tại Việt Nam) (Tổng cục thống kê, 2010). (xếp thứ 9 trong cộng đồng 53 dân tộc ít người hiện đang sinh sống trên đất nước ta).

Lễ cưới của người Gia - Rai được tổ chức trước nhà Rông. Ảnh: Phạm Hường (langvietonline)

Cũng như nhiều dân tộc sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên, tính cố kết cộng đồng trong xã hội truyền thống của người Gia-rai luôn tạo nên sức mạnh, sức sống vững chắc. Đây là đặc điểm nổi bật của người Tây Nguyên nói chung, người Gia-rai nói riêng bởi nó là luật lệ, luật tục; là lẽ sống, lối sống, tập quán; là yếu tố quy định gắn liền với sự sinh tồn của mọi thành viên; nó hiện diện trong mọi chiều cạnh của cuộc sống, tạo nên sự trường tồn của dân tộc.

Với người Gia-rai, luật tục không thuần túy là “luật” mà cũng không hoàn toàn là “tục”, nó là hình thức trung gian, là bước chuyển tiếp từ tập tục lên luật pháp. Vì vậy, một điều dễ nhận biết là, luật tục vừa mang tính chất của pháp luật như quy định các hành vi phạm tội, bằng chứng, việc xét xử và hình phạt… lại vừa mang tính chất tục lệ như các lời răn dạy mang tính đạo đức hướng dẫn hành vi cá nhân, tạo dư luận để điều chỉnh hành vi ấy.

Luật tục Gia-rai ra đời trong giai đoạn cuối của chế độ công xã thị tộc, xã hội đã có sự phân hóa giàu nghèo ở những mức độ khác nhau nhưng giai cấp chưa xuất hiện, tổ chức xã hội cơ bản là làng. Luật tục Gia-rai hình thành từ lối tư duy mộc mạc, giản đơn và tín ngưỡng vạn vật hữu linh.Sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hình thành, cơ chế vận hành và cách thức phán xử của luật tục Gia-rai là tính dân chủ và tính nhân văn.

Có thể nói, trong tâm thức của người Gia-rai, cộng đồng làng buôn luôn đóng vai trò quan trọng, quyết định mọi cách hành xử của cá nhân. Những quy định của cộng đồng là khuôn thước, chuẩn mực mà mỗi thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt.Trong cộng đồng đó, vai trò của cá nhân mờ nhạt mà nhường chỗ cho tính dân chủ tập thể. Mọi người chấp nhận và thực thi những quy định với thái độ tôn trọng truyền thống bởi họ hiểu rằng khi truyền thống được tôn trọng thì cuộc sống của cá nhân và buôn làng mới được đảm bảo.

Tâm thức này được phản ánh rất rõ trong luật tục truyền thống: “Nên cõng ôm nhau/ Đừng xẻ đôi chia lìa/ Nên xích lại gần nhau, đùm bọc lại nhau/ Đừng đánh vào đầu, đừng lao bằng chày/ Đừng làm khổ cho nhau/ Nói tôi nghe theo/ Lá cây, tôi bẻ theo/ Đi đường thẳng, dẫm lên đường tốt/ Nói một miệng, ở một bụng/ Nghĩ một lỗ tai, đi một đường, nhớ đường tốt/ Và đừng đi đường xấu” (Phan Đăng Nhật, 1999, tr.392-393).

Ý thức cộng đồng còn thể hiện rất rõ qua cách người Gia-rai bầu chọn người đứng đầu buôn làng cũng như quy định trách nhiệm cụ thể cho người được dân làng tín nhiệm. Bởi người đứng đầu sẽ đại diện cho dân làng trong đối nhân xử thế cũng như là người thông quan với thế lực siêu nhiên mang lại sự may mắn cho buôn làng. Chính vì vậy tội xúc phạm người đứng đầu sẽ bị phạt rất nặng:

Như mặt chiếc nong/ như mặt chiếc nia/ như cái đầu con khỉ/ là dòng họ lớn trong làng/ là dòng họ lớn sang plơi/ ông tự làm thịt bò thịt dê/ thịt chim/ nếu ông làm to chuyện/ kêu lên ồn ào/ con chim pot kong/ con chim đong ia/ con rắn ở trong hang/ con trăn mắc võng/ cái đầu nó đội/ cái vai nó gánh/ cái lưng nó gùi/ cái đùi nó khiêng/ cái lưng nó giữ/ dân làng ta/ phải cúng thần nước/ cúng thần nhà rông/ ... phải xin lỗi bằng rượu, gà/ ...phải bắt chúng xin lỗi bằng rượu, heo/... bởi vậy nó sẽ bị đưa ra xét xử”(Phan Đăng Nhật, 1999, tr.273-275).

Nhưng nếu người đứng đầu xử phạt sai, làm phương hại đến niềm tin mà dân làng gửi gắm thì người đó cũng sẽ bị trừng phạt một cách nghiêm khắc.

“Nó đã phá hủy tài sản của mọi người trong buôn làng/ nếu đó là một việc nhỏ/ nó không chịu hỏi người giàu/ nếu đó là một việc trọng đại/ nó không chịu hỏi người già/ nó không thấy/ không nhìn/ nếu nó không giải quyết việc này với dân làng/ nó sẽ gặp một việc trọng đại hơn”(Phan Đăng Nhật, 1999, tr.73-74).

TS. Trung Thị Thu Thủy (Học viện Chính trị Khu vực III Đà Nẵng)

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tinh-co-ket-cong-dong-trong-luat-tuc-cua-nguoi-gia-rai-y-thuc-gan-ket-cua-cac-thanh-vien-trong-cong-dong-bai-1-70699