Tính chuyện bền vững cho hồ tiêu

Hiện toàn tỉnh còn trên 16 ngàn ha tiêu, giảm hàng ngàn ha so với vài năm trước đó. Tuy diện tích giảm mạnh nhưng vụ thu hoạch năm nay, giá tiêu vẫn tiếp tục ở mức thấp kỷ lục do thị trường trong nước và thế giới vẫn trong tình trạng cung vượt cầu.

Thu hoạch tiêu tại xã Xuân Thọ (H.Xuân Lộc). Ảnh: Hải Đình

Thu hoạch tiêu tại xã Xuân Thọ (H.Xuân Lộc). Ảnh: Hải Đình

Nhiều nông dân tiếp tục chặt bỏ hồ tiêu chuyển sang cây trồng khác, nhưng cũng có không ít nông dân trồng tiêu vẫn chọn gắn bó với cây trồng này song chuyển hướng sang sản xuất sạch để tăng lợi thế cạnh tranh.

* Giá tiêu “chạm đáy” mới

Hiện giá tiêu bán tại vườn chỉ còn từ 36-37 ngàn đồng/kg, thấp nhất từ trước đến nay. Nông dân trồng tiêu lại gặp khó khăn trong việc tìm công thu hoạch, chi phí nhân công mỗi năm mỗi tăng nên nhiều chủ vườn bỏ không thu hoạch, hoặc chọn giải pháp hái theo kiểu ăn chia với người hái thuê.

Ông Lê Đình Trọng - nông dân ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ
(H.Xuân Lộc) cho biết, do giá cả hồ tiêu mấy năm nay xuống quá thấp, nông dân thua lỗ, đời sống khó khăn. Nhiều nông dân bây giờ rất ngại đầu tư, chăm sóc cho vườn tiêu. Do giá tiêu cứ liên tục xuống thấp nên nông dân đầu tư cầm chừng, dẫn đến năng suất không cao. Vào vụ thu hoạch, nhiều nhà bỏ phế vườn tiêu hoặc thuê nhân công theo kiểu ăn chia, tùy theo năng suất, người đi hái thuê được hưởng từ 50-70%, số còn lại chia cho chủ vườn.

Xã Xuân Thọ là vùng có diện tích tiêu lớn nhất của H.Xuân Lộc với diện tích hơn 800ha nhưng do giá tiêu thấp, nhiều nông dân chặt bỏ cây trồng này. Những cánh đồng hồ tiêu bạt ngàn trù phú xưa nay đã trở nên xơ xác, tiêu điều. Ông Phạm Đình Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ cho hay, những năm trước nông dân đua nhau trồng tiêu, mặc dù điều kiện về nhân công lao động, đất đai không phù hợp nhưng họ vẫn trồng. Nay do giá hồ tiêu liên tục giảm sâu, nông dân đã cưa bỏ trên 200ha.

Bà Nguyễn Thị Phượng, nông dân trồng tiêu tại xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) lo lắng, chưa năm nào giá tiêu thấp như năm nay. Người dân vùng này hầu như đã chặt bỏ cây tiêu chuyển sang trồng chuối xuất khẩu vì càng trồng càng lỗ. “Đây là năm thứ 3 gia đình tôi trữ lại tiêu không bán vì giá thấp. Nhưng hiện tại, tôi buộc phải bán ra vì không còn cầm cự thêm được nữa. Tôi cũng đang tính chuyện chặt vườn tiêu vì không còn vốn duy trì” - bà Phượng nói.

* Đầu tư cho chất lượng

Theo doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, năm nay vẫn là năm khó khăn trong xuất khẩu hồ tiêu, giá mặt hàng này vẫn thấp do nguồn cung dư thừa. Trong tình hình thị trường cung vượt cầu này, ngay cả thị trường “dễ tính” như Trung Quốc cũng kén chọn hơn và chất lượng mới là lợi thế cạnh tranh.

Nông dân phơi tiêu tại xã Thanh Bình (H.Trảng Bom). Ảnh: Bình Nguyên

Không chỉ thị trường xuất khẩu mà trong nước, nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất cũng chọn làm tiêu sạch để tìm được “chỗ đứng” trên thị trường trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Bà Trương Thị Diệu, chủ Cơ sở Tiêu sạch Diệu Phú (TP.Long Khánh) chia sẻ, năm nay xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục gặp khó do thị trường vẫn đang trong tình trạng cung vượt cầu. Áp lực cạnh tranh trong tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng rất lớn. Theo bà Diệu: “Cơ sở đang tập trung phát triển dòng tiêu sạch phân phối cho khách hàng mua lẻ tại thị trường nội địa. Tuy đây là thị trường ngách nhưng tiềm năng còn rất lớn vì người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm an toàn”.

Trước nhu cầu mới của thị trường, để tồn tại, người trồng tiêu cũng bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất an toàn. Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San
(H.Cẩm Mỹ) cho biết, giá thấp, đầu ra khó khăn nhưng nhiều nông dân vẫn gắn bó với cây trồng này. Họ đã thay đổi thói quen sản xuất, không còn chạy theo năng suất mà chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ để tăng chất lượng cho sản phẩm. Người nông dân đã liên kết lại với nhau tham gia vào HTX xuất khẩu để có đầu ra bền vững hơn.

Định hướng phát triển hồ tiêu trong thời gian tới, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, diện tích tiêu có giảm nhưng chủ yếu là diện tích tiêu già cỗi, kém năng suất vì trồng trên đất không hợp thổ nhưỡng. Hồ tiêu vẫn là cây trồng chủ lực của địa phương. Huyện đang tập trung phát triển những vùng chuyên canh tiêu sạch theo mô hình cánh đồng lớn có HTX bao tiêu, sơ chế để xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Địa phương đang thu hút doanh nghiệp về đầu tư, liên kết với nông dân để phát triển thương hiệu tiêu hữu cơ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Bình Nguyên - Hải Đình

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202003/tinh-chuyen-ben-vung-cho-ho-tieu-2991558/