Tính chiến phí ở Afghanistan

Mỹ và các nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu quy trình rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi Afghanistan nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt sự hiện diện quân sự tại 'vũng lầy' này trước ngày 11-9, qua đó kết thúc cuộc xung đột dẫm máu kéo dài 20 năm - dài nhất trong lịch sử chiến tranh của Mỹ. Tuy nhiên, cái giá của cuộc chiến được cho là không thể giành thắng lợi này có lẽ khiến nhiều người Mỹ đau xót và tiếc nuối.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (giữa) trong chuyến thăm trấn an chính quyền Afghanistan ngày 21-3 sau thông báo rút quân của Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (giữa) trong chuyến thăm trấn an chính quyền Afghanistan ngày 21-3 sau thông báo rút quân của Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AP

Cái giá sinh mệnh

Người Afganistan dĩ nhiên phải trả cái giá cao nhất về sinh mệnh. Kể từ khi Mỹ phát động chiến tranh chống “ông trùm” Osama bin Laden của tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda và lật đổ chế độ Taliban sau sự kiện ngày 11-9-2001, có ít nhất 47.245 dân thường ở Afghanistan thiệt mạng (tính đến giữa tháng 4-2021). Ðây là số liệu thống kê thuộc dự án tính chi phí chiến tranh của Ðại học Brown (Mỹ). Chính quyền Kabul vẫn đang giữ kín số lượng binh sĩ chết chóc nhằm tránh gây hoảng loạn lực lượng an ninh và dân chúng, nhưng dự án trên ước tính có khoảng 66.000-69.000 binh lính Afghanistan thiệt mạng.

Cuộc chiến cũng đã buộc 2,7 triệu người Afghanistan chạy ra nước ngoài xin tị nạn, chủ yếu tại Iran, Pakistan và châu Âu. Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), khoảng 4 triệu người khác phải tản cư trong nước tránh chiến sự triền miên. Tổng dân số của nước là 36 triệu người.

Về phần mình, Mỹ có 2.442 binh sĩ thiệt mạng và 20.666 người khác bị thương, theo Lầu Năm Góc. Ðó là chưa kể hơn 3.800 nhân viên an ninh tư nhân tham chiến bỏ mạng và không được quân đội Mỹ liệt kê. Cuộc xung đột cũng làm chết 1.144 quân nhân làm công tác huấn luyện đến từ liên minh gồm 40 quốc gia do NATO dẫn dắt, theo thống kê của trang web iCasualties. Ngoài ra, theo tổ chức Watchdogs thuộc LHQ, chiến tranh đã làm tổng cộng 72 nhà báo và 444 nhân viên cứu trợ hy sinh.

Cái giá bằng đô-la

Theo dự án tính chi phí chiến tranh của Ðại học Brown, nước Mỹ đã tiêu tốn số tiền đáng kinh ngạc lên đến 2.260 tỉ USD cho cuộc chiến hao tiền tốn của này. Hàng loạt chi tiêu gây chóng mặt. Trong báo cáo mới nhất năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tổng chiến phí đến nay là 815,7 tỉ USD, từ xăng dầu, thực phẩm, xe vận tải, xe quân sự, đạn dược đến các cuộc không kích, hàng không mẫu hạm.

Mục tiêu ban đầu của cuộc chiến là tiêu diệt Al Qaeda và các chân rết cùng Taliban, nhưng Washington và NATO đã nhanh chóng thực hiện sứ mạng tái thiết quy mô lớn. Theo số liệu mới nhất của Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR), Mỹ đã đổ vào quốc gia Tây Nam Á hơn 143 tỉ USD cho công tác tái thiết từ năm 2002. Trong số này, 88 tỉ USD cho huấn luyện, trang bị và ngân quỹ cho lực lượng an ninh Afghanistan; 36 tỉ USD cho các dự án xây dựng, giáo dục, cơ sở hạ tầng như đập thủy lợi, đường cao tốc; 4,1 tỉ USD hỗ trợ nhân đạo cho người tị nạn và thiên tai. Quá trình tái thiết được cho đã góp phần ngăn chặn người Afghanistan bán heroin ra thế giới hơn 9 tỉ USD.

Và không giống như các cuộc chiến tranh khác trong lịch sử nước Mỹ, chính quyền Washington phần lớn phải phụ thuộc vào các khoản vay mượn để chi cho chiến trường khốc liệt Afghanistan và do đó họ phải trả lãi suất lên đến 530 tỉ USD. Ngoài ra, Mỹ còn phải chi 296 tỉ USD cho chăm sóc y tế và nhiều khoản hỗ trợ khác đối với các cựu chiến binh. Số tiến này sẽ tiếp tục lớn dần theo năm tháng sắp tới.

Lãng phí và uổng phí

Dù phải chi đậm cho các dự án tái thiết khổng lồ, nhưng SIGAR chỉ ra rằng phần lớn trong số đó đã bị lãng phí. Kênh đào, đập thủy lợi và đường cao tốc đã rơi vào trạng thái hư hỏng. Các bệnh viện và trường học được xây mới bị bỏ hoang. Afghanistan nói chung không thể hấp thu các gói viện trợ ồ ạt từ nước ngoài. Và không có sự giám sát thích hợp, đồng đô-la của người Mỹ đã nuôi dưỡng cho tham nhũng, qua đó làm băng hoại thanh danh của chính quyền Afghanistan.

Bất chấp chiến dịch chống ma túy tốn kém, lượng xuất khẩu thuốc phiện phi pháp từ Afghanistan vẫn ở mức cao. Bất chấp hàng chục tỉ đô-la cung cấp vũ khí, huấn luyện và trả lương cho lực lượng an ninh Afghanistan, Taliban vẫn không ngừng gia tăng phần lãnh thổ kiểm soát. Bất chấp những khoản chi lớn cho tạo việc làm và phúc lợi xã hội, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này vẫn chiếm khoảng 25%. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ nghèo đói tại Afghanistan đã tăng nhanh trong những năm qua, lên tới 47% năm 2020. Con số này năm 2007 là 37%.

Mặc dù có rất ít người Mỹ muốn kéo dài cuộc chiến không có hồi hết này, nhưng nhiều người lo ngại việc chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Afghanistan có thể làm uổng phí những thành quả khiêm tốn đạt được về y tế, giáo dục và nữ quyền. Theo WB, tuổi thọ trung bình của người Afghanistan đã tăng từ 56 lên 64. Tỷ lệ tử vong ở bà mẹ đã giảm hơn phân nửa. Cơ hội giáo dục được mở rộng khi tỷ lệ biết đọc tăng từ 8% lên 43%. Tỷ lệ cư dân đô thị được tiếp cận nước sạch đạt 89%, so với 16% trước chiến tranh. Số liệu của LHQ cho biết nạn tảo hôn giảm còn 17%. Trẻ em gái đi học tiểu học tăng gần gấp đôi, ngày càng có nhiều phụ nữ vào đại học và phục vụ trong quốc hội.

Nhưng bao trùm lên tất cả, sự thất bại của Mỹ trong tham vọng xây dựng một Afghanistan ổn định, dân chủ đã khiến đất nước này lâm vào trình trạng bấp bênh khi Washington ký với Taliban thỏa thuận rút quân hồi năm 2020. Lịch sử của quốc gia này đã đúc kết rằng sau các cuộc xâm lược của ngoại bang và sự rút binh sẽ là một cuộc nội chiến.

Michael Callen, chuyên gia kinh tế về Afghanistan của Trường Kinh tế Luân Đôn đánh giá: “Dù tốt hơn hay tệ hơn, sự hiện diện của Mỹ là nhân tố ổn định quan trọng và một khi điều này biến mất thì sẽ có một khoảng trống quyền lực. Trong 20 năm chiến tranh, đã rất nhiều vấn đề cần thiết được giải quyết”.

ÐỨC TRUNG (Theo AP)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tinh-chien-phi-o-afghanistan-a132833.html