Tình cảnh tuyệt vọng của người dân Indonesia sau động đất: 'Lúc này có tiền cũng vô dụng vì chẳng còn thứ gì để mua'

Khi những người sống sót sau thảm kịch động đất và sóng thần ở Sulawesi, Indonesia đang phải vật lộn trong tuyệt vọng để tìm kiếm thức ăn và nước uống, thì công tác viện trợ lại diễn ra quá chậm chạp.

Muhammad Siadi thẫn thờ khi nghĩ tới tương lai vô định sau khi may mắn thoát khỏi tử thần sau trận động đất kèm sóng thần ở đảo Sulawesi cuối tuần trước. Chiếc áo sơ mi của ông đã nhuộm đỏ từ những vết thương ở cổ và trên đầu.

Ngày 28/9, khi đang giúp vợ làm việc nhà tại Sigi, thành phố Palu, bất ngờ trận động đất ập đến, khiến bức tường sụp đổ và đè lên lưng Siadi. Một thanh sắt đâm vào cổ ông khiến vết thương tới nay chưa lành. Khi ngôi nhà bị cháy, Siadi đành bỏ lại người vợ đang hấp hối, bị mắc kẹt dưới đống đổ nát để cứu cậu con trai nhỏ tuổi. Dù đã cố kéo vợ ra ngoài, nhưng thời gian lại quá hạn hẹp.

Ông Siadi cùng vết thương vĩnh viễn trên cổ do thiếu trợ giúp y tế. Ảnh: Kate Lamb

Bốn ngày sau thảm họa, ông Siadi mới nhận được hỗ trợ y tế cho vết thương ở cổ. Công tác cứu trợ ở Palu diễn ra chậm chạp. Cầm thuốc trong tay, Siadi nói: “Tất cả đã quá muộn. Vết thương của tôi sẽ không bao giờ có thể lành lại. Bác sĩ nói tôi cần khâu vết thương lại, nhưng hiện tại lớp da đã chết rồi”.

Ở Palu và các vùng lân cận, người dân dường như đang bị đẩy tới bờ vực giữa sự sống và cái chết. Trận động đất và sóng thần đã khiến ít nhất 1.407 người thiệt mạng, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà. Không có đủ thức ăn, nước uống hay nhiên liệu, những người sống sót đang trải qua khoảng thời gian đầy tuyệt vọng.

Ngày 1/10, hàng trăm người đã đổ xuống sân bay ở Palu để xin thức ăn hoặc một chuyến bay di chuyển đến nơi khác. Số người ngày một tăng lên, khiến giới chức phải tạm thời đóng cửa nơi này. Trong khi đó, những người khác tìm cách cướp đồ đạc từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay máy rút tiền. Ít nhất 1.400 tù nhân đã trốn thoát thành công khi những bức tường nhà giam bị đổ.

Tối 2/10, một nhóm cảnh sát có súng đã lập thành một hàng rào bảo vệ trước sự chen lấn của những người dân, đang mòn mỏi trong sự chờ đợi để được cứu giúp. Hengki, một cư dân địa phương cho biết, ông đã chờ đợi gần 8 giờ dưới thời tiết nóng nực. “Tôi đã sống sót sau thảm họa, nhưng không biết phải đối mặt với hiện tại ra sao?”.

“Chính phủ dường như không quan tâm tới chúng tôi“, Yuli, một người khác, cố gắng kiềm chế sự giận dữ.

Người sống sót sau thảm họa đang tranh nhau nhận những con gà cứu trợ. Ảnh: AFP

Viện trợ đang trên đường đến với người dân Palu. Tuy nhiên, tốc độ của nó không đủ nhanh, nhất là trong thời điểm người dân đang cần chúng hơn lúc nào hết. Hậu cần luôn là một thách thức ở Indonesia, đặc biệt tại các khu vực xa xôi hẻo lánh ở phía đông. Thiệt hại về đường bộ và đường hàng không càng khiến việc viện trợ gặp nhiều khó khăn.

Andi Irwan, một người dân, nói: “Thời điểm này, có tiền cũng vô dụng, vì không có gì để mua cả”.

Lái xe tới con đường ven biển để vào trung tâm Palu, mọi thứ đều đứng sai vị trí, giống như một đống đổ nát “pha trộn” tất cả. Iswa, 46 tuổi, chỉ còn lại duy nhất chiếc áo sơ mi mặc trên người cho hay, khi nhìn thấy nước bắt đầu tràn vào sàn nhà, theo bản năng, anh nhân chân chạy lên đồi. Buổi sáng ngày hôm sau, khi anh quay trở lại, tất cả đã trở thành đống đổ nát.

Anh nhận được một phần ít ỏi gạo và bánh mỳ cứu đói, nhưng lại không có nước uống bổ sung: “Tôi biết mọi người đang ra sức cướp bóc, nhưng không có sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi thật sự nên làm gì vào thời điểm này?“, Iswa lên tiếng.

Ngọc Bích (Theo The Guardian)

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/tinh-canh-tuyet-vong-cua-nguoi-dan-indonesia-sau-dong-dat-luc-nay-co-tien-cung-vo-dung-vi-chang-con-thu-gi-de-mua-3772604.html