Tình cảnh bế tắc của các startup Hàn Quốc

Không được các tập đoàn lớn trong nước để mắt, các startup (công ty khởi nghiệp) ở Hàn Quốc phải trông chờ vào các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Song con đường phát triển của họ đang bị cản trở bởi các quy định quản lý nhiêu khê cộng với sự phản đối gay gắt của các công đoàn lao động nhằm vào các công nghệ mới đe dọa việc làm của người lao động, theo hãng tin Reuters.

Hôm 18-10, tại Seoul, Hàn Quốc, hàng ngàn tài xế taxi truyền thống biểu tình phản đối ứng dụng dùng chung xe mà Kakao Corp. dự định triển khai vào cuối năm nay. Ảnh: Reuters

Công ty dùng chung xe điêu đứng

Khi chào mời các lãnh đạo hãng xe Hyundai đầu tư vào công ty dùng chung xe Luxi của mình, Choi Ba-da đã nói với họ rằng Hyundai sẽ không có tương lai nếu không đón nhận các công nghệ mới nổi. Lý lẽ thuyết phục của ông có hiệu quả vì sau đó, Hyundai đã đồng ý mua 12% cổ phần của Luxi với giá 5 triệu đô la. Đây là khoản đầu tư đầu tiên mà Hyundai rót vào một hãng kinh doanh dịch vụ dùng chung xe.

Tuy nhiên 6 tháng sau đó, Hyundai bán toàn bộ số cổ phần trên sau khi hàng ngàn tài xế taxi truyền thống đe dọa tẩy chay xe của Hyundai vì lo ngại bị mất việc làm trước sự xuất hiện của dịch vụ dùng chung xe. “Các lãnh đạo Huyndai nói với tôi rằng họ phải từ từ triển khai dịch vụ dùng chung xe... Nhưng làm sao mà một startup lại có thể từ từ chứ?”, Choi Ba-da nói.

Hyundai cho biết hãng này bán cổ phần ở Luxi vì khoản đầu tư này “không phù hợp với mô hình kinh doanh” mà hãng đang theo đuổi. Giám đốc sáng tạo Hyundai, Youngcho Chi, cho biết các quy định hạn chế dịch vụ dùng chung xe vào giờ đi làm và tan sở là một trong những lý do khiến Hyundai kết luận Luxi sẽ không hoạt động có hiệu quả. Cuối cùng, Hyundai đã đầu tư 275 triệu đô la vào hãng gọi xe Grab (Singapore) trong năm nay.

Cuộc chia tay giữa Hyundai và Luxi cho thấy các quy định cứng nhắc, các công đoàn lao động quyền lực và văn hóa ngại rủi ro của các tập đoàn gia đình Hàn Quốc cản trở như thế nào đối với sự phát triển của các startup ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

Hồi tháng 2, công ty Kakao Corp., chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin di động miễn phí Kakao, đã mua lại Luxi với giá 25 triệu đô la nhưng công ty này vẫn đang lúng túng trước các quy định quản lý dịch vụ dùng chung xe vì vậy vẫn chưa triển khai kinh doanh giữa lúc tài xế taxi biểu tình phản đối dữ dội.

Tuần trước, để bày tỏ phản đối ứng dụng dùng chung xe của Kakao Corp., một tài xế taxi ở Seoul đã châm lửa tự thiêu và tử vong. Các tài xế taxi thuộc các công đoàn lao động Hàn Quốc cho biết họ đang lên kế hoạch tuần hành lớn trong tuần này để phản đối dịch vụ dùng chung xe.

Các quy định quản lý nhiêu khê

Các quy định quản lý nhiêu khê, cứng nhắc là một thách thức lớn đối với các startup Hàn Quốc. Luật Hàn Quốc ngăn cấm hoàn toàn hoặc một phần khoảng 70% startup hàng đầu thế giới triển khai dịch vụ của họ tại nước này.
Các quy định quản lý cũng cấm các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các lĩnh vực như tài chính, bất động sản, lưu trú và lĩnh vực nhà hàng.

Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất một luật mới để dỡ bỏ các hạn chế này nhưng một quan chức ở Bộ Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và công ty khởi nghiệp thừa nhận đây là nhiệm vụ không dễ dàng. “Điểm mấu chốt là chúng tôi phải chuyển động hướng đến sáng tạo nhưng điều này cần mất nhiều thời gian và là một quy trình khó khăn để dung hòa các lợi ích hiện hành. Trên thực tế, chúng tôi không thể phớt lờ các lợi ích hiện hành”, vị quan chức này nói.

Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups có trụ sở ở San Francisco (Mỹ), một trong những nhà đầu tư sớm của Grab, cho biết đã cân nhắc đầu tư vào các công ty dùng chung xe ở Hàn Quốc nhưng cuối cùng quyết định từ bỏ vì các bó buộc pháp lý.

Jeffrey Lim, Giám đốc văn phòng của 500 Startups tại Hàn Quốc, nói: “Môi trường quản lý ở Hàn Quốc không thuận lợi cho các nhà đầu tư như chúng tôi”. Quỹ này đã đầu tư 6,5 tỉ won vào 30 công ty Hàn Quốc kể từ năm 2015.

Seo Seung-woo, một giáo sư kiêm doanh nhân, đã chuyển startup phát triển công nghệ tự lái của ông đến Thung lũng Silicon hồi năm ngoái vì môi trường quản lý gắt gao ở Hàn Quốc. Ông nói: “Đừng nghĩ về việc lập một công ty khởi nghiệp ở Hàn Quốc. Hãy nghĩ về điều đó bên ngoài đất nước này".

Nguy cơ tụt hậu

Chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết mô hình tăng trưởng trong mấy thập niên qua được thúc đẩy bởi các nhà xuất khẩu lớn như Hyundai, Samsung đã chạm giới hạn trong bối cảnh chi phí lao động gia tăng và sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc.

Để bù đắp cho tốc độ tăng trưởng chậm lại ở các ngành như ô tô, đóng tàu và sản xuất chip, Hàn Quốc đã thành lập một bộ mới chuyên trách về startup vào năm ngoái và đã tăng nguồn quỹ hỗ trợ phát triển các công nghệ mới.
Song chính phủ Hàn Quốc lại quá chậm chạp trong việc loại bỏ những quy định nhiêu khê đối với các startup vì lo ngại làm xáo trộn trật tự kinh tế hoặc gây phiền lòng các công đoàn lao động quyền lực. Thực trạng này đặt Hàn Quốc vào thế chống lại các công nghệ đột phá dù đất nước này là một cường quốc công nghệ.

Hyundai và Samsung cho biết họ đang đầu tư vào các startup trong nước lẫn nước ngoài. Samsung đang vận hành một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong 5 năm để nuôi dưỡng các doanh nghiệp địa phương. Trong khi đó, theo hãng Hyundai các startup Hàn Quốc dễ dàng tiếp cận với Hyundai vì văn phòng của họ nằm sát trụ sở của Hyundai. Tuy nhiên, một số ý kiến nói rằng các tập đoàn gia đình Hàn Quốc chuyển động quá chậm chạp.

“Thành công của Hàn Quốc được xây dựng nhờ chiến lược bắt chước công nghệ mới nhanh chóng nhưng các đối thủ Trung Quốc cũng bắt kịp rất nhanh”, Hwang Sungjae, người đồng sáng lập Fluenty, một startup nghiên cứu trí tuệ nhân tạo mà Samsung đã thâu tóm vào năm ngoái, cho biết. “Các công ty giờ đây không có sự lựa chọn ngoài việc phải sáng tạo và hợp tác với các startup nhưng họ không đầu tư đủ nhanh. Tôi cho rằng các công ty Hàn Quốc đang có nguy cơ tụt hậu rất lớn”, Sungjae nói.

Kể từ năm 2016, Samsung đã mua cổ phần ở 9 startup, nhưng trong đó chỉ có một startup có trụ sở tại Hàn Quốc.
Trong 3 năm qua, Hyundai đã đầu tư tổng cộng 85 tỉ won (75,11 triệu đô la) để nắm giữ lượng cổ phần nhỏ ở 15 startup nước ngoài so với mức đầu tư 28 tỉ won 5 startup trong nước.

Xu hướng ngại rủi ro và lánh xa các mối quan hệ hợp tác của các tập đoàn gia đình Hàn Quốc khiến họ chậm hơn các đối thủ nước ngoài trong việc thích nghi với các công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, theo Giáo sư chuyên ngành quản lý Rhee Moo-weon ở Đại học Yonsei tại Seoul. Vào năm 2003, Samsung bỏ lỡ cơ hậu thâu tóm nhà sản xuất hệ điều hành smartphone Android và chỉ hai tuần sau đó, Google đã mua nó với giá 50 triệu đô la.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283141/tinh-canh-be-tac-cua-cac-startup-han-quoc.html