Tình cảm và thông cảm

Khoảng từ 15 tháng Chạp đến Tết là thời điểm các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài trở nên cực kỳ tấp nập. Giao thông căng thẳng do lượng phương tiện tăng cao, đặc biệt ở các tuyến đường quanh sân bay. Các ga quốc tế lẫn nội địa, tình cảnh chen chúc thường xuyên diễn ra.

Biển người đón việt kiều về quê ăn Tết ở sân bay Tân Sơn Nhất

Biển người đón việt kiều về quê ăn Tết ở sân bay Tân Sơn Nhất

Đông đúc nhất là khu vực ga quốc tế, với hàng nghìn lượt người đến đón thân nhân từ nước ngoài về thăm quê, đón Tết. Một người về có khi cả chục người đón, khiến sảnh chờ trở nên chật cứng. Nhiều gia đình không ngại đường sá xa xôi, lặn lội từ nhiều tỉnh, thành lân cận đến đón người thân xa quê lâu ngày.

Câu chuyện này nói lên điều gì? Thứ nhất, người Việt Nam sống tình cảm nhất thế giới, liên kết cộng đồng. Tuy nhiên, cũng nói lên rằng, chính vì sống quá tình cảm mà con người vô tình thiếu “liên kết” với cộng đồng. Nghĩ qua tưởng mâu thuẫn về chữ nghĩa, về mệnh đề nhưng đặt ra vấn đề sự phù hợp lợi ích với xung quanh, với toàn cục.

Trước đây, cái bao trùm xã hội là văn hóa làng xã, người dân bị chi phối - quản lý bởi những quy ước tại cộng đồng dân cư. Người Việt trồng những bụi tre bao gồm rất nhiều cây đứng đan xen, cành rậm rịt và gai góc để bảo vệ làng xóm. Phía sau lũy tre ấy là lệ làng, là những thói quen, thấy quen rồi có xấu cũng không muốn thay đổi.

Văn hóa làng xã, dù đất nước phát triển tận đến ngày ngày hôm nay vẫn không mất đi “thói quen” cả tốt và xấu. Phương Tây tôn trọng tính cá nhân. Phương Đông cho rằng, cộng đồng quan trọng. Phải đông mới vui, số đông luôn đúng, “tâm lý đám đông” luôn hình thành trong mọi hoàn cảnh: không chỉ đi đón người thân là Việt kiều về Tết, “đi bão” khi đội tuyển bóng đá nam chiến thắng trong các giải đấu (nhất là được Huy chương Vàng như Sea Games 30 vừa qua); thậm chí “chém bừa” trên mạng xã hội, khi có sự kiện, biến cố (gần đây nhất là câu chuyện ở Đồng Tâm)...

Dân số Hà Nội, TP HCM nay đã đông gấp 5 - 7 lần ngày xưa, trong khi các điều kiện hạ tầng không tương xứng, nhất là các cảng hàng không quốc tế ngày Tết luôn tắc nghẽn. Nếu như ai cũng nhận thức được như thế, bớt đi một xe, giảm đi vài người đi đón, chắc chắn các sân bay sẽ đỡ “ngột ngạt” hơn. Có phải đi đón người thân tại sân bay đông thì tình cảm hơn đi đón ít và người được đón hạnh phúc hơn?

Rất tiếc, ít ai nghĩ đến điều này trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể. Hàng ngày qua các sân bay, ngay trong “khu cách ly” chắc chắn ai cũng đã từng tận mắt chứng kiến trong khi người này không có ghế ngồi, thì người kia nằm, thậm chí bỏ cả hành lý lên ghế rất phản cảm. Khi máy bay hạ cánh, đang lăn trên đường băng đã bật điện thoại ào ào, dù việc này vi phạm luật pháp, đe dọa an toàn bay. Ở đây có thói quen sống ích kỷ, vuốt ve bản thân mà quên mất lợi ích, cảm thông, chia sẻ cộng đồng, thậm chí quên cả luật pháp.

Rõ ràng, tình cảm cũng phải được làm mới, phù hợp với yêu cầu, với hội nhập.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/tinh-cam-va-thong-cam-489718.html