Tình cảm của người Đồng Nai với nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Cùng với nhân dân cả nước, người Đồng Nai vinh dự từng được gặp nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với sự ra đi của một vị lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước và toàn dân ta...

Nguyễn Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thăm viếng và dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ Rừng Sác (Nhơn Trạch) vào tháng 4-2015. Ảnh: D.Trường

Nguyễn Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thăm viếng và dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ Rừng Sác (Nhơn Trạch) vào tháng 4-2015. Ảnh: D.Trường

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến:

Vị lãnh đạo luôn quan tâm đặc biệt đến công tác Dân vận

Khi còn công tác ở Ban Dân vận Tỉnh ủy, tôi may mắn được gặp và tiếp xúc với nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhân dịp đồng chí về Đồng Nai công tác. Với tác phong nhanh nhẹn của người lính, đôi mắt sáng, đồng chí đã nhắc nhở chúng tôi rằng, làm Dân vận phải tổ chức thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, trong nhân dân; phải thật thấm thía và trân trọng lời căn dặn của Bác Hồ khi Bác viết bài báo Dân vận, đăng trên Báo Sự thật, ngày 15-10-1949.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đặc biệt đến công tác Dân vận. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết bài báo Dân vận, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã viết bài Nhớ ngày 15 tháng 10, đăng trên Báo Nhân dân, ngày 30-9-1999. Trong bài viết, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã nêu rõ, những điều Bác Hồ căn dặn về công tác Dân vận rất dễ hiểu, dễ nhớ, sâu sắc và đầy đủ. Làm theo tư tưởng của Bác, Đảng ta có Nghị quyết về công tác Dân vận, đề ra phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Cho nên vấn đề hiện nay là cố gắng làm cho đúng những lời Bác dạy và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bằng những việc thiết thực…

Những lời căn dặn của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu mãi còn nguyên giá trị, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc, củng cố niềm tin, thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đỗ Thị Hải Yến:

Người lãnh đạo gần gũi, bình dị

Trong khoảng thời gian 13 năm làm biên tập viên Phòng Thời sự, Đài PT-TH Đồng Nai, tôi được lãnh đạo Đài phân công phỏng vấn Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Từ lúc nhận nhiệm vụ cho tới khi được gặp ông, tôi lo lắng không yên bởi đây là lần đầu tôi phỏng vấn người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Mọi lo lắng đều tan biến khi tôi gặp ông. Khác hẳn với vị Tổng bí thư mà tôi tưởng tượng, bác Phiêu là người gần gũi, chân tình, vui vẻ, luôn cởi mở trong những câu chuyện của mình.

Sau này khi về hưu, thỉnh thoảng bác vào thăm Đồng Nai hoặc tôi có dịp ra Hà Nội trong các dịp công tác, tôi vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian đến thăm gặp và trò chuyện với bác. Vẫn như khi còn tại vị, bác Phiêu luôn quan tâm đến nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, văn hóa văn nghệ, đến báo chí… đặc biệt là đạo đức của người cán bộ, công chức - những người được coi là công bộc của dân.

Năm 2006 là thời điểm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, tôi chuyển sang làm việc tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Mỗi lần gặp, bác luôn dặn dò tôi công tác tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cần làm tốt khâu tổng hợp sao cho đầy đủ, chân thực. Có như vậy, các đại biểu Quốc hội mới có thể chuyển tải hết những ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các kỳ họp Quốc hội. Lời dạy của Bác tôi vẫn khắc ghi và phấn đấu thực hiện mỗi ngày.

Phó chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Nguyễn Minh Hoàng:

Khắc sâu lời nhắn gửi của đồng chí Lê Khả Phiêu

Tháng 12-2014, tôi là một trong 5 đại biểu của Đồng Nai vinh dự được ra Hà Nội dự cuộc gặp mặt cấp ủy viên trong nhà tù và trại giam của địch trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước hướng đến kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại hội nghị ấy, mặc dù tham dự với vai trò là đại biểu khách mời, nhưng những lời nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu tại buổi họp mặt tôi vẫn nhớ như in. Đồng chí nhấn mạnh: chúng tôi và những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày là những người chiến thắng trở về. Bởi trong điều kiện bị bắt bớ, tra tấn, giam cầm, đày ải dã man, những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản kiên trung, khắc phục khó khăn, xây dựng tổ chức Đảng trong nhà tù, lãnh đạo những người tù đấu tranh chống lại kẻ thù, góp phần vào thành công của cuộc kháng chiến.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng nhắn gửi đến những người lãnh đạo Đảng hiện nay nên coi xây dựng Đảng trong nhà tù hồi xưa như bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay. Riêng đối với những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, đồng chí lưu ý giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch không ngừng dùng mọi thủ đoạn để chống phá Đảng, những cựu tù chính trị cần phát huy vai trò nòng cốt tham gia xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương trong sạch vững mạnh; tích cực tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ nhằm giữ vững thành quả của cách mạng.

Những chia sẻ của đồng chí chỉ có vậy nhưng tôi cũng như anh em cựu tù chính trị có mặt hôm ấy đều phấn khởi và coi đó như là kim chỉ nam để tiếp tục phấn đấu trong phần đời còn lại của mình.

Nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, đại tá Võ Văn Phú:

Đồng chí Lê Khả Phiêu là một con người hiền hòa và vô cùng sâu sắc

Đồng chí thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư của Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam... từ trần là tổn thất to lớn của Nhân dân Việt Nam nói chung, quân đội ta nói riêng.

Khi còn ở cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức, điều hành của người chỉ huy, người lãnh đạo cho toàn quân. Khi ở cương vị Tổng bí thư, đồng chí chính là tấm gương mẫu mực về học tập và làm theo Bác Hồ. Ấn tượng tôi không bao giờ quên về bác Phiêu dù đã gần 10 năm, đó là một con người hiền hòa và vô cùng sâu sắc.

Trong cuộc đời quân ngũ của tôi, lần đầu tiên khi ở cương vị Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, tôi vinh dự được tham gia đón tiếp, chụp hình lưu niệm với nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu ở Chiến khu Đ, được nghe đồng chí kể lại những kỷ niệm về hoạt động của mình ở Chiến khu Đ và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu cho cán bộ, chiến sĩ sau này nghiên cứu, vận dụng.

Giám đốc Trung tâm Sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) Đinh Thị Lan Hương:

Khắc ghi lời chỉ bảo...

Có lẽ tôi là người may mắn được gặp ông hai lần và cả hai lần đều vinh dự là người thuyết minh giới thiệu cho ông nghe về di tích Chiến khu Đ, về Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Kỷ niệm nhớ nhất của tôi với ông đó là khi tôi thuyết minh giới thiệu về lịch sử Chiến khu Đ, về tinh thần anh dũng bất khuất của quân dân miền Nam trong kháng chiến, về vai trò hậu cần vững chắc của miền Bắc, và tuyên bố về chế độ Sài Gòn là: Chiến khu Đ còn - Sài Gòn mất.

Ông nói: “Đúng nhưng chưa đủ” rồi ông cung cấp thêm cho tôi một ý nữa để khẳng định vai trò quan trọng của Chiến khu Đ, đó là: “Chiến khu Đ còn - Chính quyền Sài Gòn mất”…

Và giờ, nghe tin ông từ trần, tôi thật sự rất xúc động và tiếc thương. Ở xa không thể đến viếng và tiễn đưa ông, mong ông yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Những hình ảnh, những lời chỉ bảo của ông, tôi sẽ luôn ghi nhớ trong suốt thời gian công tác của mình, sẽ tiếp tục cống hiến, phấn đấu để tiếp tục phát huy giá trị di tích Chiến khu Đ - Đồng Nai, đưa quá khứ hào hùng của cha ông, quá khứ với những trang sử vàng, đến với mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ…

Nhóm P.V

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202008/vo-cung-thuong-tiec-nguyen-tong-bi-thu-le-kha-phieu-tinh-cam-cua-nguoi-dong-nai-voi-nguyen-tong-bi-thu-le-kha-phieu-3017587/