Tình cảm của người anh hùng với tờ báo chiến sĩ

Một ngày thu, tôi may mắn được Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, bác sĩ Tạ Lưu, nguyên Đội phó Đội điều trị 14 (Binh trạm 12, Đoàn 559) đón tiếp tại căn nhà nhỏ của gia đình. Trong ký ức của người anh hùng đã đi qua gần 90 mùa xuân, ông vẫn nhắc đến kỷ niệm lần đầu được phỏng vấn trên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) với niềm tự hào xen lẫn xúc động.

Bác sĩ Tạ Lưu hồi tưởng lại quãng thời gian đầu mùa hè 1969, ông nhận lệnh điều động của cấp trên từ chiến trường trở về Hà Nội để chuẩn bị đi tu nghiệp ở nước ngoài. Một ngày, khi đang ở trạm 63 Lý Nam Đế, có người dẫn ông đến gặp nhà báo Nguyễn Trần Thiết, phóng viên Báo QĐND. Nhà báo Nguyễn Trần Thiết chủ động mở đầu câu chuyện bằng những câu hỏi về tình hình gia đình, đơn vị... rồi bất ngờ cho ông biết: “Đợt này, anh được xét đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Anh có thể kể tóm tắt thành tích của mình trong những năm công tác ở Đội điều trị 14 để chúng tôi kịp thời phản ánh trên báo, giúp bạn đọc hiểu hơn về những chiến công đặc biệt ấy”.

 Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Tạ Lưu đọc Báo Quân đội nhân dân.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Tạ Lưu đọc Báo Quân đội nhân dân.

Bác sĩ Tạ Lưu thoáng bất ngờ. Ông chưa sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn. Thấy vậy, nhà báo Nguyễn Trần Thiết động viên: “Có thế nào anh cứ kể thế ấy. Ví dụ một chuyến đi cấp cứu thương binh ở trọng điểm chẳng hạn...”. Bác sĩ Tạ Lưu trầm ngâm một lúc rồi kể lại lần đi mổ cấp cứu cho đồng chí Nguyễn Văn Khán, Đại đội trưởng Đại đội pháo 37mm, Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 280 bị vết thương ở bụng, đã viêm phúc mạc nặng. Chuyến đi gặp muôn vàn khó khăn, phải di chuyển bằng ô tô giữa ban ngày nơi tuyến lửa từ xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đến Troóc, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) dài 80km, qua những con đường gập ghềnh hố bom và có thể gặp máy bay địch tập kích bất cứ lúc nào. Hôm ấy, sau khi mổ cấp cứu thành công cho đồng chí Khán, bác sĩ Tạ Lưu tiếp tục làm việc suốt đêm để mổ cho các đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ ở bến phà Xuân Sơn, một trọng điểm ác liệt trên tuyến đường chiến lược 15.

Những chi tiết ấy đã được nhà báo Nguyễn Trần Thiết tái hiện trong bài viết “Thương binh cần thầy thuốc đến” đăng trên Báo QĐND. Sau khi báo xuất bản, bác sĩ Tạ Lưu nhận được nhiều thư thăm hỏi, chúc mừng của bạn đọc gửi đến. Đặc biệt, vào tháng 7-1969, bác sĩ Tạ Lưu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Hơn 50 năm kể từ ngày bài báo “Thương binh cần thầy thuốc đến” được đăng trên Báo QĐND, bác sĩ Tạ Lưu đã trải qua nhiều cương vị công tác, trong đó dài nhất là khoảng thời gian ông làm Viện trưởng Viện Quân y 110. Giờ đây, hằng ngày ông vẫn giữ thói quen đọc Báo QĐND. Ông dành sự quan tâm đặc biệt đối với những bài viết về gương điển hình tiên tiến trong và ngoài quân đội. Theo bác sĩ Tạ Lưu, những bài viết về gương điển hình trên Báo QĐND có vai trò dẫn dắt, giúp bạn đọc nhận thấy giá trị của những hành động tốt đẹp, gây dựng thành động lực để phấn đấu, qua đó tạo ảnh hưởng, sức lan tỏa để xã hội phát triển.

Bài và ảnh: NGUYÊN ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tinh-cam-cua-nguoi-anh-hung-voi-to-bao-chien-si-641368