Tình cảm của Bác Hồ dành cho thương binh - liệt sĩ

Sau khi phát động công cuộc toàn quốc kháng chiến nhằm ứng phó với sự trở lại xâm chiếm nước ta lần nữa của thực dân Pháp, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ vừa giành được từ năm 1945, đến tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu chọn một ngày trong năm để kỷ niệm ngày thương binh – liệt sĩ trên phạm vi cả nước và coi đây là 'một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái…'.

Bác Hồ thăm một đơn vị phòng không năm 1966. Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ thăm một đơn vị phòng không năm 1966. Ảnh: Tư liệu

Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội nghị trù bị được triển khai trên địa bàn xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại hội nghị này, các đại biểu ban, ngành của Trung ương và các địa phương đã thống nhất kiến nghị với Bộ Chính trị lấy ngày 27-7 hằng năm để kỷ niệm Ngày Thương binh toàn quốc. Vào Ngày Thương binh toàn quốc đầu tiên (27-7-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho các thương binh toàn quốc. Trong thư, Bác viết: “...Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...”.

Ngày 27-7-1947, trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra một cuộc mít tinh với sự tham dự của hàng nghìn người. Tại đây, người dân đã lắng nghe Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến năm 1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh – Liệt sĩ và được tổ chức hằng năm.

Từ khi thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, mỗi năm vào ngày 27-7, cả hệ thống chính trị đều tổ chức các hoạt động mang nhiều ý nghĩa sâu sắc để tưởng nhớ công ơn của những chiến sĩ đã hy sinh xương máu, tính mạng để bảo vệ non sông Tổ quốc, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc. Sinh thời, Bác Hồ luôn gửi thư thăm hỏi và gửi quà cho các thương binh, gia đình liệt sĩ nhân ngày 27-7. Để có một cơ quan chức năng thường xuyên chăm lo công việc quan trọng và thiêng liêng này, vào ngày 3-10-1947, Bác Hồ đã ký ban hành Sắc lệnh thành lập Bộ Thương binh - Cựu binh. Đây chính là cơ quan tiền thân của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.

Đến năm 1948, sau khi Quân đội nước ta liên tục thắng lợi giòn giã trong Chiến dịch Thu - Đông, Việt Bắc và nhân kỷ niệm lần thứ 2 Ngày Thương binh toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi toàn dân hưởng ứng, trong đó có đoạn: “Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống, ngày nay bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài liệt sĩ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”. Thông qua thư, Bác kêu gọi đồng bào hãy noi gương oanh liệt của các thương binh, liệt sĩ ra sức đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Bác ghi nhận sự cống hiến của thương binh, liệt sĩ và đề cao các gia đình có con em là thương binh, liệt sĩ, luôn dành tình cảm đặc biệt cho các gia đình thương binh – liệt sĩ.

Tháng 9-1948, Hồ Chủ tịch viết một bức thư gửi cho ông Tạ Quang Yên, ở Nam Định, có 6 người con tham gia kháng chiến và 4 người đã anh dũng hy sinh vì đất nước. Lá thư có đoạn rất xúc động: “...Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gởi lời khen ngợi và tặng cụ mấy chữ: Một nhà trung hiếu muôn thuở thơm danh. Nhân dịp này, tôi xin biếu cụ một cái áo mà đồng bào đã biếu tôi”. Một lần khác, vào năm 1954, nhân Ngày Thương binh toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Bộ Thương binh - Cựu binh, đồng thời giao số tiền 36.000 đồng của bà con Việt kiều biếu Bác cùng một tháng lương của Chủ tịch nước để làm quà cho anh chị em thương binh.

Tết Nguyên đán năm 1955, Bác Hồ đến thăm “Trường thương binh hỏng mắt” và gửi tặng một thương binh chiếc áo do đồng bào miền Nam đã tặng Bác. Tại đây, Người đã nói một câu rất nổi tiếng mà hiện nay đã trở thành quan điểm và nhận thức các cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở đó là: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Câu nói sâu sắc và đầy ý nghĩa của Bác Hồ đã giáo dục, động viên mọi người, trong đó có cả những thương binh, bệnh binh tham gia lao động, sản xuất, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho đồng bào, chiến sĩ cả nước cũng có đoạn Bác yêu cầu Đảng và Nhà nước phải thực hiện việc chăm lo thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng như sau:

“Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”...

...Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng với hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ... không để họ bị đói rét”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề thương binh, liệt sĩ sau 72 năm chiến đấu và xây dựng Tổ quốc đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam biến thành hiện thực sinh động. Ngày nay, Đảng, Nhà nước từng bước xây dựng chính sách đãi ngộ ngày càng thiết thực hơn đối với đối tượng thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, giúp đỡ, hỗ trợ để họ có cuộc sống phát triển, hòa nhập với cộng đồng.

Nguyễn Tấn Tuấn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tinh-cam-cua-bac-ho-danh-cho-thuong-binh-liet-si/