Tỉnh Bình Dương chú trọng phát triển công tác GDNN: Gắn đào tạo với nhu cầu của thực tiễn

Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Trong đó, việc phát triển nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bình Dương trong những năm gần đây.

GDNN được xem là trọng tâm

Từ năm 2018 tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện đổi mới cơ bản, mạnh mẽ quản lý nhà nước về GDNN theo đúng định hướng của chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020. Công tác giáo GDNN của tỉnh luôn bám sát kế hoạch, nỗ lực phát huy thành tích, khắc phục khó khăn, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bình Dương có 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 07 trường cao đẳng/cao đẳng nghề, 01 Phân hiệu cao đẳng Đường sắt Phía Nam, 01 trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương tham gia dạy trình độ cao đẳng, 12 trường trung cấp/ trung cấp nghề, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 51 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động GDNN.

Tổng số đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục GDNN là: 1.529 người; trong đó cán bộ quản lý: 372 người, giáo viên: 1.157 người (Tiến sĩ: 14 Thạc sĩ: 341, Đại học: 712, Cao đẳng: 93, Trung cấp và trình độ khác: 370), đạt chuẩn về chuyên môn và sư phạm: 1465/1529 (95,8%).

Tỷ lệ đào tạo đạt 76%

Tỷ lệ đào tạo đạt 76%

Ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh tuyển sinh được 43.176 người đạt tỉ lệ 123,4% so với chỉ tiêu kế hoạch của năm là 35.000 người (trong đó, cao đẳng: 4.233/2.000 sinh viên; trung cấp: 3.895/3.000 học sinh, sơ cấp và dưới 3 tháng: 34.908/30.000 học viên), góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%, trong đó có văn bằng - chứng chỉ đạt 26%. Các nghề thu hút đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chủ yếu tập trung vào các nhóm như: điện công nghiệp, điện tử, công nghệ ô tô, cơ khí, hàn, cắt gọt kim loại, công nghệ thông tin, y sĩ, dược sĩ… Kết quả tuyển sinh cho thấy, bước đầu đã có sự thay đổi nhận thức của xã hội, của các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên khi quyết định con đường tương lai chính là học nghề, lập nghiệp.

Chú trọng đào tạo nghề gắn với thực tiễn

Xác định việc gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động GDNN có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường, doanh nghiệp và xã hội. Thời gian qua Sở LĐ- TB&XH Bình Dương đã có nhiều hoạt động định hướng các cơ sở GDNN tăng cường công tác đào tạo gắn kết với doanh nghiệp như: tổ chức Hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương; tổ chức Hội thảo Giải pháp cải thiện chỉ số đào tạo lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Dương; tổ chức các hội thảo, ký kết việc hợp tác đào tạo giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp theo từng lĩnh vực nghề mũi nhọn của tỉnh (nhóm nghề máy tính và công nghệ thông tin; nhóm nghề điện, điện tử, viễn thông)...

Các hội thảo là diễn đàn trao đổi và chia sẽ những kinh nghiệm quản lý và tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu xã hội để các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh, tập trung làm rõ thực trạng đào tạo và giải quyết việc làm hiện nay ở các cơ sở GDNN. Từ đó, xác định tính cấp thiết cần phải đổi mới cách thức tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện chỉ số đào tạo lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Bình Dương.

Thời gian tới, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các chương trình dạy nghề gắn kết với doanh nghiệp, như đưa học sinh đến thực tập tại doanh nghiệp, làm quen với môi trường sản xuất, kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thông qua ký kết hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp; tìm học bổng cho học sinh - sinh viên tại trường…

Năm 2019, nâng tỷ lệ đào tạo đạt 78%

Từ 2018 đến nay, nhiều cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt chỉ tiêu, tỷ lệ học sinh từ lớp 9 vào học nghề đã tăng lên, công tác phân luồng tốt, nhận thức của học sinh và phụ huynh về việc học nghề dần chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Các khóa đào tạo đã trang bị cho người học các kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ công việc cơ bản nhất để họ có thể tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm nuôi sống bản thân, gia đình; từ đó, góp phần cải thiện đời sống, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động. Việc tổ chức đào tạo nghề đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm 2019 Bình Dương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về GDNN, nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN; Làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp theo phương châm lấy chất lượng, hiệu quả là mục tiêu hàng đầu; Tăng cường các giải pháp gắn kết với doanh nghiệp và gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động, tập trung tìm giải pháp để giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là ở các trường được đầu tư để trở thành trường chất lượng cao.

Nâng cao năng lực cho cán bộ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN, năng lực của cơ sở GDNN. Đổi mới quản lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy. Nghiên cứu, đề xuất các hoạt động đào tạo, giải pháp phát triển GDNN đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát triển nguồn lao động có tay nghề đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu hợp lý, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân; huy động tối đa nguồn nhân lực thúc đẩy phát triển đào tạo nghề, nâng cao sức cạnh tranh so với khu vực, trong nước và thế giới.

Phấn đấu năm 2019, tuyển sinh được 40.000 học viên. số lượng học viên tốt nghiệp là 35.000 (cao đẳng: 2.000; TCN: 3.000 học sinh, SCN và dưới 3 tháng: 32.000), góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2019 đạt 78%, trong đó có văn bằng - chứng chỉ đạt 28%.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tinh-binh-duong-chu-trong-phat-trien-cong-tac-gdnn-gan-dao-tao-voi-nhu-cau-cua-thuc-tien-d97722.html