Vụ bán cảng Quy Nhơn: Tỉnh Bình Định gặp 'lúng túng'

Sau thương vụ cổ phần hóa, Cảng Quy Nhơn rơi vào tay doanh nghiệp khiến dư luận bức xúc, chính quyền tỉnh Bình Định lúng túng. Khi Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, chỉ đạo thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước, người dân địa phương rất đồng tình.

Theo bảng tự giới thiệu, trụ sở Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn nằm trên đường Phan Chu Trinh (phường Hải Cảng, TP.Quy Nhơn, Bình Định), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Lê Hồng Thái.

Trước đây, Cảng Quy Nhơn từng được gầy dựng bởi mồ hôi công sức, thậm chí “xương máu” của bao thế hệ người dân Bình Định và cả Quân khu 5, là cảng biển có tính chất chiến lược về kinh tế, liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Có vị trí quan trọng ở khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, cảng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của miền Trung, Tây Nguyên phát triển. Thế nhưng, từ khi được cổ phần hóa (CPH) từ năm 2013, cảng này đã rơi vào tay tư nhân.

Tại buổi làm việc với ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (tháng 7.2018), cả Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đều tha thiết đề nghị Nhà nước sớm can thiệp để quản lý, nắm cổ phần chi phối tại Cảng Quy Nhơn.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong quá trình CPH tại Cảng Quy Nhơn đã nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân. Thực tế, việc CPH tại Cảng Quy Nhơn đã “lọt” vào tay tư nhân khiến chính quyền địa phương lúng túng.

“Đây là một cảng biển có thể sánh với Cảng Đà Nẵng. Thế nhưng, Cảng Quy Nhơn bị CPH, hầu hết thuộc về doanh nghiệp, việc thuộc về tay tư nhân làm cho tỉnh rất lúng túng, không biết quản lý phát triển thế nào. Hiện tại, tỉnh muốn phát triển cái gì, liệu doanh nghiệp họ có đồng ý, phải thông qua họ?”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nói tại cuộc họp.

Chiều 17.9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chính thức công bố kết luận thanh tra toàn diện quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Theo kết quả thanh tra, hàng loạt sai phạm liên quan đến việc CPH đã được xác định, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý trách nhiệm các cá nhân, cơ quan có liên quan.

Kết luận TTCP đã chỉ rõ việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn đã thực hiện không đúng với Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2012-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và việc Bộ GTVT cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% CP thuộc sở hữu nhà nước là trái thẩm quyền, vi phạm pháp luật.

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước vì Bộ GTVT đã cho phép Vinalines chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật...

TTCP kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có khuyết điểm, vi phạm. Về xử lý trách nhiệm, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định chủ trì kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý có liên quan đến những vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra…

Trả lời Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thiện - nguyên Bí thư Tỉnh ủy và ông Lê Hữu Lộc - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (người có trách nhiệm trực tiếp ký các văn bản đề nghị thúc đẩy cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn trước đây) đều đồng ý với kết luận TTCP và mong muốn nhà nước thu hồi, đầu tư cảng.

Dũ Tuấn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/vu-ban-cang-quy-nhon-tinh-binh-dinh-gap-lung-tung-914372.html