Tính bền vững là yếu tố quyết định thu hút FDI của các nền kinh tế châu Á

Việt Nam xếp thứ 9/20 nền kinh tế châu Á và Mỹ tham gia bảng xếp hạng 'Chỉ số Thương mại Bền vững năm 2018 – Hinrich Foundation 2018'.

Theo đó, Việt Nam có chỉ số đánh giá thương mại bền vững khá tốt, vượt lên trên các quốc gia có mức thu nhập trung bình khác như Thái Lan, Malaysia.

Báo cáo này được phát triển bởi Economist Intelligence Unit dưới sự ủy thác của Hinrich Foudation và được phối hợp công bố với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vào ngày 23/11.

Thúc đẩy thương mại toàn cầu bền vững

VCCI và Hinrich Foudation đã phối hợp công bố Bộ "Chỉ số Thương mại Bền vững 2018"

Đánh giá về Bộ “chỉ số thương mại bền vững” này, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký VCCI cho biết: “Để đánh giá một doanh nghiệp phát triển bền vững phải dựa trên 3 chỉ tiêu. Đó là bền vững về xã hội, môi trường và kinh tế. Theo đó, Bộ Chỉ số Thương mại bền vững cũng xếp hạng các nền kinh tế dựa trên việc đánh giá về 3 trụ cột chính này. VCCI đánh giá cao bộ chỉ số thương mại bền vững mà Quỹ Hinrich Foundation đã đưa ra và có những hàm ý chính sách đối với Việt Nam cũng như 19 nền kinh tế còn lại”.

Thông điệp chính của Bảng xếp hạng này đó là, cho dù hoạt động thương mại là một thành phần không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, các quốc gia không thể xây dựng một nền kinh tế bền vững nếu không quản lý môi trường một cách có trách nhiệm và cam kết phát triển đầy đủ nguồn vốn xã hội.

Theo đó, các quốc gia cố tình đi tắt đón đầu bất chấp tác động đến môi trường và xã hội sẽ không thể tiếp tục xây dựng một nền kinh tế bền vững nếu không quản lý môi trường một cách có trách nhiệm và cam kết phát triển đầy đủ nguồn vốn xã hội.

Đồng tình với quan điểm này, ông Alexander Boome – Giám đốc chương trình Hinrich Foundation cho biết: Chúng tôi tập trung vào nghiên cứu các điều kiện cần phải có để cải thiện, thúc đẩy thông lệ toàn cầu và hướng tới thương mại toàn cầu bền vững. Ngoài ra, Bộ chỉ số thương mại này cũng đảm bảo làm thế nào để các nền kinh tế có thể khai thác tối đa những lợi ích mà thương mại toàn cầu mang lại cho tất cả các quốc gia, góp phần gắn kết giữa thương mại với xã hội và ổn định địa chính trị”.

Đánh giá của Báo cáo “Chỉ số Thương mại Bền vững” cho thấy, tính bền vững là một yếu tố quyết định trong thu hút FDI và trong việc lựa chọn nhà cung cấp khi chọn đối tác cung ứng. Theo đó, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Theo các chuyên gia được phỏng vấn trong khuôn khổ báo cáo, tầm quan trọng của tính bền vững đã gia tăng đáng kể trong 20 năm qua – từ một yếu tố "có thì tốt" đã trở thành yếu tố "cần thiết miễn cưỡng" và cuối cùng đã trở thành "một lợi thế cạnh tranh", một yếu tố giúp các công ty giành được khách hàng và giúp các quốc gia thu hút FDI.

Cụ thể, theo đánh giá của ông Vivek Pathak – Giám đốc Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, bước đi đầu tiên đến với sự bền vững của các doanh nghiệp nhỏ ở châu Á là họ thường tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài để phát triển.

Nghĩa là họ cần có khả năng đa dạng hóa nguồn vốn vay, thu hút vốn qua thị trường đại chúng hoặc tư nhân. Khi đó các yếu tố như quản lý, quản trị và có đảm bảo yếu tố môi trường của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng dến quyết định việc doanh nghiệp có nhận được các khoản đầu tư hay không?

Theo đó, các doanh nghiệp đang cải thiện sự bền vững cho chuỗi cung ứng của mình bằng cách cải tổ và mở rộng quan hệ với các đối thủ cạnh tranh và các nhà cung cấp.

Bộ chỉ số vẫn cần phải hoàn thiện thêm

Bên cạnh những ý kiến phản hồi tích cực như nêu trên, bộ chỉ số này cũng nhận được những phản hồi khác như việc đánh giá một số chỉ số của Việt Nam chưa sát với tình hình hiện nay của Việt Nam.

Cụ thể, theo ý kiến của TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng: “Đây là năm thứ 2 Bộ chỉ số thương mại bền vững được triển khai và cần có thêm thời gian để hoàn thiện. Theo đó, buổi hội thảo hôm nay cũng là cơ hội giúp cho các chuyên gia của Quỹ Hinrich Foundation hoàn thiện bộ chỉ số để sát thực hơn với bối cảnh Việt Nam. Trong đó có thể kể đến các yếu tố như sự ổn định chính trị, tỷ giá, thu hút FDI và vốn đầu tư xã hội".

Phản biện liên quan đến yếu tố tỷ giá, TS Cấn Văn Lực cho rằng, mặc dù tỷ giá của Việt Nam có biến động mạnh hơn tuy nhiên trong bối cảnh thời gian vừa qua so với khu vực thì tỷ giá của Việt Nam tương đối ổn định. Đồng Việt Nam mới chỉ mất giá 2,82%, trong khi đó các đồng tiền trong khu vực mấy giá từ 4-13% thậm chí là 15%.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đồng ý rằng, một số chỉ số chúng ta phải cải thiện trong thời gian tới ví dụ như là chỉ số về người lao động trong nhóm nhân tốt về xã hội, tiêu chuẩn về môi trường, những tiêu chuẩn khác... như những hoạt động hỗ trợ thương mại, hải quan, thuế.... cần phải tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.

Ngọc Hà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/tinh-ben-vung-la-yeu-to-quyet-dinh-thu-hut-fdi-cua-cac-nen-kinh-te-chau-a-140498.html