Tình báo trong cuộc chiến ở Ukraine

Rõ ràng là chúng ta sẽ không bao giờ biết được toàn bộ về cuộc chiến tình báo đã được triển khai ở Ukraine, tuy nhiên việc phân tích một số sự kiện đã biết vẫn có thể giúp chúng ta làm sáng tỏ thêm về những gì còn đang bị che khuất.

Hai mục tiêu ban đầu của tình báo Mỹ

Các cơ quan tình báo Anh-Mỹ, trong năm 2021 - và đặc biệt là vào những tháng cuối năm - đã công khai một số thông tin bí mật họ thu thập được liên quan đến kế hoạch tấn công Ukraine của Nga. Hành động này nhằm mục đích tạo ra những ảnh hưởng để hy vọng đạt được hai mục tiêu cùng lúc:

- Đánh động thế giới phương Tây, chuẩn bị tâm thế để đón nhận cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine; đây là một thành công thực sự, NATO đã trở nên mạnh mẽ hơn;

- Tác động vào chính sách của Điện Kremlin và hy vọng rằng những tác động này có thể khiến Nga chùn bước, thậm chí đi đến việc hủy bỏ kế hoạch của mình; mục tiêu này đã thất bại hoàn toàn.

Binh lính Ukraine trong một cuộc giao tranh.

Binh lính Ukraine trong một cuộc giao tranh.

Thực tế là những thông tin cảnh báo nói trên của tình báo Anh-Mỹ cho đã phép người dân Ukraine chuẩn bị tâm lý và các điều kiện vật chất để đối đầu với cuộc tấn công của Nga. Về mặt quân sự, các đơn vị đã có thời gian để di tản/phân tán lực lượng (điều đã cho phép nhiều lực lượng phòng không và thậm chí một bộ phận không quân đã thoát khỏi các cuộc tấn công phủ đầu dữ dội của Nga nhằm giành trọn ưu thế trên không), sau đó triển khai nghênh chiến.

Cần lưu ý rằng kể từ khi Nga lấy lại Crimea và bùng nổ cuộc chiến Donbass vào năm 2014, các đồng minh đã hỗ trợ tái cấu trúc các lực lượng Ukraine bằng cách huấn luyện họ các phương pháp tác chiến của NATO. Sự gia tăng của mối đe dọa từ Nga trong cuộc diễn tập Zapad-21 ở Belarus đã khiến mối quan hệ hợp tác này được tăng cường gấp gáp hơn nữa.

Cần nói phải nói rõ rằng, việc chứng kiến sự tăng cường các lực lượng quân sự mang tính hăm dọa thường chưa cho phép chúng ta khẳng định hoặc phủ định rằng đã có một quyết định chính trị liên quan đến việc sử dụng các sức mạnh đó. Trường hợp này cũng vậy, vào đầu tháng 2 năm 2022, không có nguồn thông tin nào đủ khả năng giải mã ý định thực sự của Tổng thống Vladimir Putin. Ở vào thời điểm đó, việc triển khai các lực lượng của Nga dọc biên giới với Ukraine đã là một sự thật hiển nhiên nhưng không ai biết ông Putin sẽ quyết định điều gì.

Mọi việc chỉ trở nên rõ ràng hơn khi Moscow thông báo rút quân nhưng trên thực tế nó không hề diễn ra và đặc biệt là khi các dây chuyền y tế và nguồn cung cấp máu được phía Nga vẫn chuyển đến sát biên giới vào giữa tháng 2 năm 2022. Dự đoán chính xác nhất đã thuộc về các cơ quan tình báo của Estonia: theo họ, chiến dịch quân sự của Nga sẽ diễn ra vào nửa cuối tháng 2 năm 2022.

Đại tá Maksym Shapoval, chỉ huy đơn vị hoạt động tình báo đặc biệt của quân đội Ukraine đã thiệt mạng do một quả bom gắn vào gầm xe phát nổ ngay tại trung tâm Kiev.

Một sự kiện khác cũng rất đáng lưu ý, đó là việc người Ukraine tích cực sử dụng các thành phần dân sự để thu thập thông tin tình báo về hoạt động của phía Nga. Ví dụ như họ khai thác triệt để các mạng vệ tinh dân sự như Maxar Technologies, Planet và Blacksky, đây là phần thông tin bổ sung quý giá vào những thông tin do các đối tác quân sự của họ cung cấp. Tương tự như vậy, tất cả các nguồn mở có sẵn cũng đã được tận dụng triệt để.

Thông qua các phương tiện liên lạc dân sự hiện đại, người dân Ukraine đã tích cực cung cấp cho các chỉ huy quân sự Ukraine các thông tin thực địa theo thời gian thực, nên mặc dù ngay từ đầu chiến dịch người Nga đã vô hiệu hóa thành công phần lớn mạng thông tin liên lạc được mã hóa của quân đội Ukraine như: Era, Azart và Akveduk, phía Ukraine vẫn có được những thông tin cần thiết tiến hành các cuộc phục kích và bắn pháo gây chết chóc.

Cuối cùng, sự hợp tác của NATO và đặc biệt là của Mỹ với Ukraine trong lĩnh vực tình báo đã tỏ ra rất hiệu quả. Thông tin, về cơ bản được thu thập bằng các phương tiện kỹ thuật thông qua máy bay tuần tra, vệ tinh, trạm tác chiến điện tử đặt ở các nước láng giềng, được truyền đến Ukraine, đôi khi chỉ trong vòng nửa giờ hoặc một giờ kể từ khi họ nhận được chúng ở Washington. Chia sẻ thông tin tình báo với tốc độ như vậy được xem là nhanh kỷ lục và chỉ mới xuất hiện gần đây.

Sự bất ngờ của người đứng đầu cơ quan tình báo Đức

Vào ngày 25 tháng 2, báo chí Đức tiết lộ rằng Bruno Kahl, Giám đốc BND (Cục Tình báo Liên bang Đức), vừa được một đơn vị của Kommando Spezialkrafte (Lực lượng Đặc biệt) sơ tán khỏi Kiev. Ông này đã bị bất ngờ trước cuộc tiến quân của Nga trong khi làm việc với những người đồng cấp Ukraine, Giám đốc Ivan Bakanov và Chuẩn tướng Kyrylo Budanov từ SBU (Sở An ninh Ukraine) và HUR (Giám đốc Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine).

CIA đã tham gia việc huấn luyện lực lượng dân phòng Ukraine ngay từ năm 2014, sau khi Nga sát nhập Crimea.

Sự hiện diện của Bruno Kahl ở Ukraine chắc chắn liên quan đến việc tổ chức các đơn vị du kích bí mật của Ukraine. Những đơn vị du kích bí mật này được thành lập vào mùa xuân năm 2014 ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea và hỗ trợ cho sự ly khai của các vùng Donetsk và Lugansk. Ban đầu quá trình đào tạo của họ dường như được hỗ trợ phần lớn bởi CIA. Tuy nhiên, trong tình hình CIA đã cạn kiệt nguồn lực bán quân sự của mình ở Afghanistan và đang phải gồng mình với các nhiệm vụ chống khủng bố khác, việc mở rộng hợp tác của Ukraine với các cơ quan tình báo phương Tây khác là hợp lý hơn, đặc biệt là với các cơ quan tình báo Anh, Pháp và Đức.

Với các cơ quan tình báo, cuộc tiến quân của Nga giống như một điều bất ngờ. Trước những lời cảnh báo về việc Nga sẽ đưa quân vào Ukraine liên tục được phía Mỹ đưa ra vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hầu hết các nhà lãnh đạo trên thế giới đều nghi ngờ và xem đó là một sự thổi phồng quá đáng. Đích thân Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đã yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng hỗ trợ cho những tuyên bố này của Mỹ; nhưng Washington luôn từ chối lời đề nghị này.

Các câu hỏi của ông Zelensky về độ tự tin của CIA khi tuyên bố về ý định của Nga được đưa ra vào lúc Denis Pushilin, Tổng thống của nước cộng hòa ly khai Donetsk, yêu cầu Tổng thống Vladimir Putin công nhận sự độc lập của nhà nước ông và nước láng giềng, Cộng hòa Nhân dân Lugansk.

Ba ngày sau, ngày 21 tháng 2, Tổng thống Nga đã thực hiện yêu cầu này. Ông Putin thậm chí còn đi xa hơn khi xem xét việc sáp nhập hai lãnh thổ Ukraine này, điều khiến Sergei Naryshkin, người đứng đầu SVR (Cơ quan Tình báo nước ngoài), lỡ lời và bộc lộ quá sớm kế hoạch này, dẫn đến việc Sergei Naryshkin bị sỉ nhục công khai trước công chúng trong cuộc họp Hội đồng An ninh Nga được truyền hình trực tiếp.

Việc công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa Donetsk và Luhansk dường như trấn an châu Âu, những người tin rằng ông Putin sẽ chỉ dừng lại ở đó và sẽ không có cuộc tấn công của quân đội Nga vào lãnh thổ Ukraine. Niềm tin này giải thích lý do vì sao lại có chuyến đi của giám đốc BND đến Kiev và những điều bất ngờ sau đó.

Bruno Kahl, Giám đốc Cục Tình báo Liên bang Đức, được một đơn vị của Kommando Spezialkrafte sơ tán gấp khỏi Kiev.

Và những đánh giá sai lầm của các cơ quan tình báo

Những gì đã diễn ra trong sáu tháng qua cho thấy, các nhà phân tích tình báo Phương Tây đã sai - giống như các đồng nghiệp Nga của họ - về thời gian của cuộc xung đột. Cả hai phía đều nghĩ rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc chóng vánh. Tình báo Mỹ thậm chí đã lên kế hoạch di tản ông Zelensky ra nước ngoài lập chính phủ lưu vong để tiếp tục kháng chiến.

Về phần mình, tình báo Nga cũng có vẻ như đã đánh giá sai lầm nhiều khía cạnh của cuộc xung đột. Những phân tích sai lầm của các cơ quan tình báo Nga đã dẫn dến những hậu quả tai hại: Dự đoán chiến dịch quân sự chỉ kéo dài vài ngày, công tác hậu cần trên thực tế đã không đáp ứng nổi cho một chiến dịch quân sự kéo dài như hiện nay. Không còn tin tưởng vào các thông tin tình báo, các lực lượng quân đội Nga đã hành động theo những kế hoạch cứng nhắc, một lượng lớn đạn dược được dội xuống những vị trí không có lực lượng quân sự đối phương.

Khả năng học hỏi từ những thất bại phải được thể hiện bằng việc thực hiện các biện pháp sửa chữa cần thiết. Thế nhưng hoạt động quân sự của phía Nga vẫn tiếp tục theo kế hoạch ban đầu mặc dù tình hình đã thay đổi. Ví dụ rõ ràng nhất là cuộc không kích vào sân bay Hostonel, sau đó là kế hoạch chiếm giữ thủ đô Kiev. Người Nga đã tiếp tục cuộc tấn công trong khi sự thất bại của hành động này đã rõ ràng. Lực lượng đổ bộ đường không Nga đã phải trả giá cho sai lầm này.

Nhìn chung, Nga vẫn có nhiều nguồn lực hơn Ukraine để theo đuổi cuộc chiến này. Mặc dù các mục tiêu ban đầu của Điện Kremlin đã giảm đi đáng kể, các lực lượng Nga vẫn đang tiếp tục tấn công. Sai lầm của các phân tích tình báo của Phương Tây vẫn luôn là những “lập luận theo cách Phương Tây”.

Dương Thắng

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/tinh-bao-trong-cuoc-chien-o-ukraine-i666001/