Tình báo Mỹ cay đắng trước chương trình hạt nhân của Israel (Phần 3)

Tuy nhiên, Cohen - tác giả của câu chuyện 'nhà máy dệt' - lại ám chỉ rằng lò phản ứng ở Dimona sẽ được dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân nhằm răn đe các nước Arập chống Israel. Thông tin trái chiều từ ông Ben-Gurion và Cohen đã khiến giới chức Mỹ tức giận.

Thông tin mà ông Gomberg cung cấp đã củng cố niềm tin của CIA. CIA trước đó đã tiến hành một chương trình Đánh giá tình báo quốc gia đặc biệt (SNIE) về Dimona. Đánh giá cho rằng Israel có thể sản xuất plutonium ở cấp độ dùng cho vũ khí trong giai đoạn năm 1963 đến 1964 hoặc có thể ngay trong năm 1962.

Đây sẽ là một diễn biến gây sốc trong thế giới Arập và họ sẽ đổ lỗi cho cả Pháp và Mỹ vì đã để Israel phát triển dự án Dimona. Hơn nữa, diễn biến đó sẽ cản trở tiến trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Nơi khoanh tròn là vị trí đặt lò phản ứng hạt nhân ở Dimona, Israel.

Nơi khoanh tròn là vị trí đặt lò phản ứng hạt nhân ở Dimona, Israel.

Ngay trong ngày 1-12, Giám đốc CIA đã báo cáo Tổng thống Eisenhower và Hội đồng An ninh Quốc gia về đánh giá của CIA và cung cấp ảnh chụp khu vực Dimona do Tùy viên quân sự Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv cung cấp.

Giữa tháng 12, Ngoại trưởng Mỹ Herter gặp Ngoại trưởng Pháp Maurice Couve de Murville ở Paris. Ông này thừa nhận Pháp và Israel có thỏa thuận xây dựng một "bản sao lò phản ứng hạt nhân Marcoule". Theo thỏa thuận, Pháp sẽ cung cấp nguyên liệu thô cho Israel và nhận pluton do nhà máy của Israel sản xuất.

Phát hiện ra dự án hạt nhân của Israel khiến chính quyền của ông Eisenhower lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan khi ông chỉ còn một tháng nữa là hết nhiệm kỳ. Do đó, ông Eisenhower phản ứng với sự việc một cách thận trọng. Khả năng đối đầu ngoại giao với Israel đã bị loại bỏ.

Mặc dù nhận thức được ý định xây dựng năng lực hạt nhân rõ ràng của Israel nhưng phía Mỹ đã không để lộ sự tức giận và hoài nghi khi tiếp xúc với quan chức Israel. Mỹ tránh cãi vã với Israel và chỉ làm theo hai bước: Thứ nhất, tìm câu trả lời về Dimona và ý đồ của Israel, thứ hai là khuyến khích Israel cho phép các nhà khoa học Mỹ và nhân viên IAEA thăm dự án.

Ngày 22-12, Thủ tướng Israel Ben-Gurion ra tuyên bố về vấn đề Dimona và cam kết lò phản ứng này chỉ hoạt động vì mục đích hòa bình, phát triển kinh tế của Israel. Ông cũng không đồng ý để IAEA thanh sát dự án.

Tuy nhiên, Cohen - tác giả của câu chuyện "nhà máy dệt" - lại ám chỉ rằng lò phản ứng ở Dimona sẽ được dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân nhằm răn đe các nước Arập chống Israel. Thông tin trái chiều từ ông Ben-Gurion và Cohen đã khiến giới chức Mỹ tức giận.

Rốt cuộc, thách thức mang tên Dimona là quá lớn mà ông Eisenhower không thể giải quyết dứt điểm và nó được chuyển giao cho người kế nhiệm ông là John F. Kennedy. Thủ tướng Ben-Gurion tiếp tục "tua lại" với ông Kennedy y nguyên những gì ông đã nói với ông Eisenhower và tiếp tục từ chối cho IAEA "bén mảng" tới Dimona.

Bài trang nhất của báo The Sunday Times về chương trình hạt nhân Israel ngày 5.10.1986

Sau khi phát hiện ra Dimona, vụ việc này bám đuổi các chính quyền Mỹ trong cả thập niên 60. Ba đời tổng thống Mỹ, từ ông Kennedy cho tới Lyndon Johnson và Richard Nixon đều phải xử lý vấn đề này.

Trong đó, ông Kennedy chọn con đường cứng rắn nhất trong nỗ lực kiểm soát chương trình hạt nhân của Israel. Ông Johnson nhận ra rằng Mỹ không mấy có ảnh hưởng trong vấn đề này và tìm cách hòa giải. Cuối cùng, sau khi thỏa thuận với Thủ tướng Israel đời sau là Golda Meir, Tổng thống Nixon đã chấp nhận tình trạng hạt nhân không chính thức của Israel miễn là nó còn trong vòng bí mật. Đây là một thỏa thuận gây tranh cãi và được duy trì cho đến tận ngày nay.

Đầu tháng 2 vừa qua Lầu Năm Góc đã "âm thầm" giải mật một trong những tài liệu thuộc loại tối mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về chương trình hạt nhân của đồng minh chủ chốt Israel tại Trung Đông - một diễn biến quan trọng mà hầu hết các hãng thông tấn và cơ quan báo chí lớn đều "bỏ lỡ".

Chương trình hạt nhân của Israel được coi là một chủ đề nhạy cảm và bí mật mà Tel Aviv chưa bao giờ chính thức công bố nhằm tránh một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực và cho đến nay Mỹ cũng đã tôn trọng việc giữ im lặng về vấn đề này. Tuy nhiên, với việc công bố tài liệu được giải mật từ năm 1987, Washington được cho là lần đầu tiên phá vỡ "thỏa thuận im lặng" về chương trình hạt nhân Israel.

Báo cáo dài 386 trang, có tiêu đề "Đánh giá về những công nghệ quan trọng ở Israel và các nước NATO", đã mô tả chi tiết về cách thức Israel thúc đẩy các công nghệ quân sự, quá trình nghiên cứu phát triển cũng như cơ sở hạ tầng hạt nhân của nước này trong giai đoạn những năm 1970 và 1980.

Báo cáo cho biết "Israel đã phát triển các loại mã cho phép nước này có thể chế tạo bom hydro (hay còn gọi là bom nhiệt hạch)", đồng thời nói rằng vào những năm 1980 Israel đã đạt đến khả năng chế tạo những quả bom có sức công phá mạnh gấp hàng ngàn lần so với bom nguyên tử.

Báo cáo trên, do Viện Phân tích Quốc phòng - một cơ quan nằm trong Lầu Năm góc và được ngân sách liên bang tài trợ - chắp bút vào năm 1987, cũng tiết lộ rằng các phòng thí nghiệm nghiên cứu ở Israel "tương đương với các phòng nghiên cứu quốc gia của Mỹ ở Los Alamos, Lawrence Livermore và Oak Ridge", vốn được coi là những phòng thí nghiệm chính trong quá trình phát triển kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Hòa Thu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tinh-bao-my-cay-dang-truoc-chuong-trinh-hat-nhan-cua-israel-phan-3-351431.html