Tình bạn cao đẹp

Vũ Đình Cự - Nguyễn Xuân Chánh, hai người sinh ra và lớn lên từ hai phương trời xa lắc. Rồi số phận dun dủi cho họ được gặp nhau ở lớp dự bị đại học đầu tiên của Chính phủ kháng chiến mở tại Đu-Cầu Kè, tỉnh Thanh cuối năm 1951. Từ đó hai người gắn bó với nhau suốt chặng đường dài hơn nửa thế kỷ vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học...

Một cuộc thảo luận ở nhóm GK1(từ trái): Nguyễn Xuân Chánh, Vũ Đình Cự, Nguyễn Nguyên Phong (tháng 5/1972).

Tổ tiên xưa của Vũ Đình Cự vốn họ Mạc ở Hải Dương, để tránh bị nhà vua truy lùng đã đổi sang họ Vũ về Đông Hưng, Thái Bình sinh sống.

Thân mẫu của Vũ Đình Cự là bà Đào Thị Phượng, hậu duệ của tiến sĩ Đào Vũ Thường (1705-1754) tam giáp đồng tiến sĩ, làm đến chức Ngự sử Kinh Bắc, có tên khắc trên bia đá ở Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Vũ Đình Cự là con thứ ba, trong gia đình có 8 người con, anh sinh năm Giáp Tuất (1934). Anh học hết cấp 3 trường Nguyễn Thượng Hiền, muốn vào đại học phải qua hai năm dự bị đại học và tại lớp dự bị đại học Đu - Cầu Kè, anh gặp người bạn Nguyễn Xuân Chánh.

Nguyễn Xuân Chánh sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, thuở thiếu thời học Quốc học Huế, anh chuyển vào Quảng Ngãi học trường trung học Lê Khiết, được thụ giáo về môn có sở trường là toán với thầy Hoàng Tụy.

Cuối năm 1951, anh cuốc bộ hàng tháng trời trên đường mòn Trường Sơn, ra Đu-Cầu Kè.

Từ đó bắt đầu một tình bạn thủy chung, lâu bền. Không hiểu sao cả hai đều giỏi toán, nhưng lại thích môn vật lý hơn.

Ở lớp Vũ Đình Cự được bầu là cán sự vật lý. Các thầy thời đó đều đỗ cử nhân, kỹ sư ở Pháp về, nên có khi giảng bằng tiếng Việt thường là sử dụng một thứ ngôn ngữ rất cũ.

Chẳng hạn, nói vật lý nghiên cứu sự biến đổi của vạn vật, thì thầy nói “vật lý nghiên cứu chuyện biển cả biến thành nương dâu”.

Rồi cả hai đều thi tiếp vào học ngành vật lý của Đại học Sư phạm khoa học tự nhiên, được thụ giáo hai thầy đều học vật lý ở Pháp, là giáo sư Vũ Như Canh và giáo sư Ngụy Như Kon Tum.

Đến mùa hè năm 1956, lớp học đầu tiên sau hòa bình kết thúc, vừa lúc Đại học Bách Khoa (ĐHBK) Hà Nội ra đời, cả hai đều được phân công về giảng dạy môn vật lý đại cương.

Năm 1960, Nguyễn Xuân Chánh được cử đi nghiên cứu sinh ở Đại học tổng hợp Kharcov, Ucraina; năm sau Vũ Đình Cự cũng đi nghiên cứu sinh ở Đại học tổng hợp Lomonosov, Matxcơva.

Một điều tình cờ thú vị, cả hai ở hai trường khác nhau đều nghiên cứu về “màng mỏng”, một lĩnh vực mũi nhọn ngày ấy của vật lý chất rắn.

PGS TS Nguyễn Xuân Chánh luôn tự nhận, tuy mình tuổi cao hơn Vũ Đình Cự (ông hơn bạn 2 tuổi), nhưng về sức học thì không thể bằng.

Ông bảo, trong khi ông cố hết sức để hoàn thành đúng thời hạn trong 5 năm, bảo vệ được học vị phó tiến sĩ toán - lý (nay là tiến sĩ), thì bạn Vũ Đình Cự ở Lomonosov chưa đầy 5 năm đã bảo vệ “một lèo” cả TS và tiến sĩ khoa học (TSKH).

Có chuyện xảy đến với thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh Nguyễn Xuân Chánh.

GS TSKH Pinet, một nhà vật lý chất rắn nổi tiếng người Nga gốc Do Thái, có công trình lý thuyết về một loại vật liệu hệ số Poisson dương.

Ông gửi đến đăng ở tạp chí nghiên cứu vật lý lớn nhất Liên Xô, thì bị coi là “ý tưởng điên rồ”. Người ta vẫn biết đến những loại vật liệu có Poisson âm, tức khi kéo dãn “co lại”, làm sao có loại vật liệu kéo giãn lại “phình ra” như thế! Điều đáng buồn là người phản bác bài báo chính là tổng biên tập của tạp chí, nhà vật lý lỗi lạc L.Lanđao.

Để rồi 20 năm sau, người ta mới biết thầy Pinet đúng, khi thực nghiệm tìm ra loại vật liệu mới gọi là Auxetic, có hệ số Poisson dương.

Trong khi đó Vũ Đình Cự được giao một đề tài về vật lý thực nghiệm là nghiên cứu hiệu ứng Hall ở màng mỏng từ. Trong quá trình làm thực nghiệm anh đã tự mình xây dựng một lý thuyết mới đầy đủ về hiệu ứng Hall phẳng.

Và anh trở thành người Việt Nam đầu tiên được cấp bằng TSKH toán-lý ở trường đại học danh tiếng Lomonosov.

Những năm 1969-1970, ở ĐHBK, thầy Vũ Đình Cự được cử làm nhóm trưởng đề xuất lên cấp trên xin mở ngành đào tạo mới là kỹ sư vật lý với hai chuyên ngành vật lý chất rắn và vật lý hạt nhân.

Năm 1985, ĐHBK thành lập Viện Vật lý kỹ thuật, thầy Nguyễn Xuân Chánh trở thành viện trưởng đầu tiên và ông đảm nhiệm cương vị này 2 nhiệm kỳ cho đến lúc nghỉ hưu.

Tình bạn của hai người còn được gắn kết nhiều hơn trong nghiên cứu khoa học phục vụ chiến đấu.

Công việc đào tạo kỹ sư vật lý đang tiến triển thì Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc.

Mỹ tuyên bố sẽ dùng các loại vũ khí thông minh, thủy lôi và bom từ trường phong tỏa các cảng đường biển, đường sông và đường bộ đưa miền Bắc về “thời kỳ đồ đá”.

Hai vị bộ trưởng Bộ Đại học&trung học chuyên nghiệp; Bộ Giao thông vận tải vốn đều xuất thân quân đội: Tạ Quang Bửu (nguyên thứ trưởng Quốc phòng), Phan Trọng Tuệ (nguyên thiếu tướng, tư lệnh quân khu) đã quyết định thành lập Tiểu ban rà phá bom mìn, thủy lôi, gồm 6 tổ chuyên môn.

Tổ nghiên cứu cơ bản và thiết kế phương án có 11 thầy giáo của ĐHBK, do GS TSKH Vũ Đình Cự đã biệt phái sang Bộ GTVT, làm tổ trưởng, PGS.TS Nguyễn Xuân Chánh là một thành viên của tổ.

Tổ làm việc với mật danh là GK1. Thủy lôi, bom từ trường được công binh mang về cho nhóm nghiên cứu “mổ xẻ”.

Nhóm đã tìm ra trong đầu điều khiển có nhiều linh kiện bán dẫn đúc kín và cảm biến là màng mỏng từ, những thành tựu công nghệ mới nhất của thế giới đã được Mỹ ứng dụng ngay vào chiến tranh.

Song với những người đã có chuyên sâu về lĩnh vực này như Vũ Đình Cự, Nguyễn Xuân Chánh, “cái bẫy màng mỏng” đã sớm được phanh phui.

Một thành viên của nhóm, PGS Bùi Minh Tiêu chuyên sâu về vô tuyến điện thì cũng có ngay đóng góp quan trọng: xác định được sơ đồ và nguyên lý làm việc của đầu điều khiển thủy lôi, bom từ trường.

Thế rồi, bằng trí tuệ tập thể, chỉ một thời gian ngắn Tổ GK1 đã định ra được phương án, thiết kế thiết bị rà phá thủy lôi, bom từ trường.

Kết hợp với các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT những nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đã đi vào thực tiễn rất có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ.

Sau ngày nước nhà thống nhất, cụm công trình khoa học tập thể đó đã được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên.

Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hà Lan đã giúp Việt Nam hai phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, gồm phòng thí nghiệm vi điện tử, sẽ đặt tại ĐHBK và phòng thí nghiệm nhiệt độ thấp sẽ đặt tại Đại học Tổng hợp.

Cuối năm đó hai người bạn Vũ Đình Cự và Nguyễn Xuân Chánh lại được cùng nhau có mặt trong đoàn cán bộ khoa học sang Hà Lan, thực tập tại phòng thí nghiệm vi điện tử ở Đại học kỹ thuật Twente.

Đó là thời điểm tháng 11/1974, khi Hà Nội còn ngổn ngang sau cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, qua sông Hồng thì chỉ có cầu Long Biên với nhiều nhịp bị đánh sập, sân bay thì chỉ có Gia Lâm, bay qua hai chặng Hà Nội-Matxcơva và Matxcơva-Amsterdam.

Khoảng giữa tháng 4/1975 việc tìm hiểu về hai phòng thí nghiệm của hai nhóm thực tập đã xong, trở về nước đúng sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Rồi họ bắt tay ngay vào việc triển khai lắp đặt thiết bị phòng thí nghiệm.

Phải thiết kế thế nào để thành phòng sạch, lắp đặt thiết bị chính xác, bảo đảm việc thực hiện công nghệ cao và nhóm trưởng Vũ Đình Cự đã hoàn thành việc thiết kế này một cách chuẩn xác nhất.

Đến năm 1977, Phòng vi điện tử ĐHBK đã đón tiếp các chuyên gia Hà Lan sang lắp đặt thiết bị và đây trở thành nơi cán bộ khoa học và sinh viên Việt Nam được tiếp cận loại công nghệ cao thời sự nhất lúc bấy giờ trong điều kiện cấm vận của Mỹ.

Thế rồi từ những năm 1980, giáo sư Vũ Đình Cự phải xa ĐHBK để đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: viện phó Viện Khoa học Việt Nam; viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới; viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia; Chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật Hà Nội; Chủ nhiệm Chương trình kỹ thuật nhiệt đới 48.08.48D...

Ông còn là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội các khóa IX, X, kiêm Phó chủ tịch Quốc hội.

Nhưng tình bạn gắn bó giữa hai ông thì không khi nào gián đoạn. Đến cuối đời hai ông còn cùng viết chung cuốn sách phổ biến khoa học rất thành công “Công nghệ Nano điều khiển đến từng phân tử nguyên tử”.

Trong cuộc sống đời thường, Vũ Đình Cự là người ăn nói có duyên, hóm hỉnh, nghiêm túc nhưng không khô khan. Nhiều người quen thấy ông phải tự nấu ăn thì ngỏ ý giúp đỡ, nhưng ông đã khéo léo từ chối.

Ông thường kể với bạn: Mình ra chợ Bách Khoa, các sạp hàng săn đón, mời chào: Bác Cự ơi mua thịt, Bác Cự ơi mua rau!

Ông ở một mình ở căn phòng nhỏ tầng ba nhà A, cũng có nhiều chị em đến gặp gỡ làm quen. Thường thấy sau cuộc gặp người nào ra về cũng vui vẻ cả.

Rốt cuộc thì “thắc mắc” của Nguyễn Xuân Chánh dường như không có lời giải đáp: Không hiểu sao đến cuối đời Vũ Đình Cự vẫn là người đơn thân?

Thế rồi, sáng ngày 7/9/2011, khi người lái xe quen thuộc cứ 7h30 đến đón Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự đi làm việc, thì mới hốt hoảng thấy ông đã bị hôn mê sâu, đưa đến bệnh viện cấp cứu thì không kịp...

Thể theo nguyện vọng của GS Vũ Đình Cự lúc sinh thời, tro cốt ông được đưa về an táng tại một khu đất ruộng, gần mộ ông bà cụ thân sinh ở quê nhà, thôn Quang Trung, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Tại đây cũng mới khánh thành một nhà tưởng niệm ông, cùng việc ấn hành cuốn sách: GS.TSKH Vũ Đình Cự cả đời cống hiến (NXB Giáo dục Việt Nam 2018).

Việc hoàn thành những công trình tình nghĩa này, luôn có sự đóng góp tích cực, cùng tâm huyết rất lớn của người bạn thân Nguyễn Xuân Chánh hiện đã ở tuổi 87.

Phạm Quang Đẩu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tinh-ban-cao-dep-tintuc400838