Tỉnh Bắc Ninh triển khai các hoạt động hưởng ứng 'Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người'

Ngày 24/7, tỉnh Bắc Ninh ban hành văn bản yêu cầu triển khai các hoạt động hưởng ứng 'Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7' năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành vừa ký, ban hành Văn bản số 2566/UBND-NC về triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2020.

Theo đó, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người 30/7” năm 2020.

Cụ thể, tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người 30/7” năm 2020 gắn với việc tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tội phạm mua bán người; Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và phòng chống mua bán người năm 2020.

Cùng với đó, tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng dân cư, qua các phương tiện thông tin đại chúng với những nội dung dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, địa bàn dân cư và tạo sự lan tỏa trong xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, của nhân dân trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em tại các khu dân cư; lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người với hoạt động sinh hoạt của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội; gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề...

Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng dân cư, hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. (Ảnh minh họa)

Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng dân cư, hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. (Ảnh minh họa)

Công an tỉnh phối hợp các ban, ngành tăng cường công tác phòng ngừa, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, có nhiều người nước ngoài đến làm ăn, cư trú, các địa bàn đông công nhân, người lao động trú trọ; rà soát số người có quan hệ làm ăn buôn bán với Trung Quốc, số phụ nữ lấy chồng người nước ngoài, xuất khẩu lao động lâu ngày không trở về địa phương… Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm, điều tra, khám phá các vụ án, các đường dây tội phạm mua bán người…

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan trong công tác thu thập thông tin về các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về để kịp thời hỗ trợ về vật chất, việc làm, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của Nhà nước và của tỉnh. Tiến hành rà soát, thống kê nạn nhân bị mua bán trở về để hỗ trợ, tổ chức tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, giải quyết việc làm; duy trì các hoạt động mô hình điểm về truyền thông nâng cao nhận thức phòng, chống mua bán người, xóa bỏ mặc cảm tạo điều kiện để nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả công tác truyền thông đến từng địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Định hướng người sử dụng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, Internet đăng tải, chia sẻ bài viết về phòng, chống mua bán người của các cơ quan báo chí trên trang thông tin cá nhân, mạng xã hội để tăng cường hiệu quả truyền thông.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ án mua bán người; tiến hành xét xử lưu động, công khai các vụ án điểm về tội phạm mua bán người để tuyên truyền, giáo dục, răn đe, hỗ trợ công tác phòng ngừa tội phạm ở cơ sở.

P.Liên

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/phong-chong-buon-ban-nguoi/tinh-bac-ninh-trien-khai-cac-hoat-dong-huong-ung-ngay-toan-dan-phong-chong-mua-ban-nguoi-260462.html