Tình ảo trai Tây và những cú lừa tiền tỉ

Mặc dù chiêu thức đã quá cũ, nhưng kiểu 'thả thính' tinh vi của các anh trai Tây qua facebook vẫn khiến nhiều phụ nữ sập bẫy tình, mất tiền. Đường dây lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng do đối tượng người Nigeria cầm đầu vừa được Công an tỉnh Quảng Nam triệt phá là một minh chứng cụ thể nhất cho những vụ việc bi hài 'tình ảo, tiền mất thật' này.

Theo cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội đang là vấn đề nhức nhối mà người dân, đặc biệt là phụ nữ, cần hết sức đề cao cảnh giác.

Nạn nhân nữ tố trai Tây lừa đảo

Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với các đối tượng gồm: Ezechiedo (SN 1977, quốc tịch Nigeria, đang tạm trú tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh); Đỗ Viết Đại (chủ tiệm vàng tại TP Hồ Chí Minh), Ngô Thị Phương Trang (SN 1964, trú tỉnh An Giang), Trần Phương Toàn (SN 1993, trú TP Hồ Chí Minh) và Hồ Thị Anh Thư (SN1985, trú TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

Đối tượng lừa đảo tình online Ezechiedo bị tạm giữ tại cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam.

Đối tượng lừa đảo tình online Ezechiedo bị tạm giữ tại cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam.

Theo kết quả điều tra thì vào cuối tháng 12/2018, Công an tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận đơn của bà M.L (trú tại Hà Nội) tố cáo Hồ Thị Anh Thư cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt gần 150 triệu đồng. Theo bà L. thì vào tháng 10-2018, thông qua mạng xã hội facebook, bà được một người có nickname là Thomas Keller kết bạn làm quen.

Thomas giới thiệu mình là bác sĩ người Đức, hiện làm việc cho Liên hợp quốc và đang được cử sang công tác tại Somalia. Bác sĩ Thomas Keller cũng đã liên tục than thở, kể lể rằng: Tại Somalia đang có chiến tranh và không muốn ở đây, rất muốn nghỉ phép về Việt Nam để thăm bà L.. Khi nhận được sự cảm thông từ bà L., Thomas Keller tiếp tục nói với bà L. rằng muốn sang Việt Nam thì phải có người Việt đóng tiền bảo hiểm sức khỏe, y tế.

Do đó Thomas Keller nhờ bà L. nộp tiền vào tài khoản của Hồ Thị Anh Thư là người quen của Thomas và hiện Thư là "nhân viên đại diện của Liên hợp quốc tại Việt Nam"...

Tin tưởng và muốn nhanh chóng gặp bác sĩ Thomas Keller, trong các ngày 25-10-2018 và 9-11-2018, bà L. đã nộp tiền vào số tài khoản 103868830078 mang tên Hồ Thị Anh Thư tại Ngân hàng Viettinbank Chi nhánh Quảng Nam tổng số tiền 148.300.000 đồng.

Tuy nhiên, sau khi nộp tiền thì "mối tình" của bà L. cũng vụt bay theo sự mất hút của tài khoản facebook Thomas Keller. Sau nhiều ngày tìm cách liên lạc với "bác sĩ" Thomas Keller bất thành, biết mình bị lừa, bà L. đành ngậm ngùi đến cơ quan Công an trình báo sự việc.

Ngay khi tiếp nhận đơn trình báo của bà L., qua xác minh, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) xác định Hồ Thị Anh Thư là đầu mối nhận tiền lừa đảo để chuyển cho đối tượng người nước ngoài và hưởng hoa hồng trên số tiền đã chuyển. Tiếp tục mở rộng điều tra, Phòng CSHS Quảng Nam phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh đã làm rõ thêm 3 đối tượng liên quan gồm Đỗ Viết Đại, Ngô Thị Phương Trang và Trần Phương Toàn có hành vi nhận, chuyển tiền lừa đảo, tiền chi hoa hồng từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.

Đồng thời cũng xác định đối tượng chủ chốt trong đường dây hoạt động lừa đảo này là Ezechiedo cũng chính là vị "bác sĩ" có nick facebook Thomas Keller, "người tình trong mộng" của bà L.

Không chỉ số tiền trên trăm triệu bị lừa của bà L., mà khi khám xét khẩn cấp chỗ ở của Ezechiedo, lực lượng điều tra đã thu giữ nhiều giấy chuyển tiền từ Việt Nam về Nigeria với số tiền lên đến trên 100 tỷ đồng, cùng 7 sim điện thoại trong nước và quốc tế, 5 thẻ rút tiền, 1 máy tính xách tay và số tiền 1.603 USD.

Với những bằng chứng này cụ thể này, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ezechiedo, Đại, Trang, Toàn và Thư. Đồng thời đề nghị phong tỏa các tài khoản của Đỗ Viết Đại với số tiền 46 tỷ đồng, Hồ Thị Anh Thư với số tiền 590 triệu đồng để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới…

Lật tẩy những chiêu trò "tình ảo", tiền mất thật

Theo Công an tỉnh Quảng Nam, bà M.L. chỉ là một trong nhiều nạn nhân mất tiền thật với thủ đoạn tương tự trên địa bàn Quảng Nam và các tỉnh, thành khác trong thời gian gần đây. Điều kỳ lạ là, mặc dù thủ đoạn, chiêu thức của các đối tượng rất cũ, nhưng không ít phụ nữ nhẹ dạ vẫn bị "trai Tây" trên mạng xã hội facebook cho "mắc bẫy tình online".

Đối tượng lừa đảo thường tìm những phụ nữ sống đơn thân, thiếu thốn tình cảm để dẫn dụ họ sập bẫy.

Qua đơn thư trình báo của các trường hợp nạn nhân mắc bẫy trong thời gian gần đây cho thấy, thủ đoạn của những kẻ lấy danh nghĩa "trai Tây" để lừa đảo có những chi tiết khá giống nhau. Đều có những thủ đoạn tương tự như: Liên hệ qua mạng xã hội làm quen tán tỉnh, đưa ra các lời hứa hẹn và sẵn sàng qua Việt Nam để làm đám cưới…

Sau khi đã lấy lòng tin của nạn nhân, đối tượng nói sẽ gửi tiền và quà về Việt Nam cho "người yêu". Tưởng thật, nhiều phụ nữ đã đưa địa chỉ và số điện thoại của mình cho đối tượng.

Song khi bị hại chưa nhận được quà hay tiền thì đồng bọn của chúng (thường là người Việt) sẽ liên lạc, xưng là người quen, nhân viên của công ty chuyển phát quà hoặc nhân viên hải quan, thuế, cảng hàng không… chủ động gọi điện đến bị hại để "hướng dẫn" phương cách nhận quà, hoặc thông báo lô hàng hay tiền đang bị tạm giữ vì số lượng quá lớn, để yêu cầu các nạn nhân phải nộp một khoản tiền vào tài khoản do chúng cung cấp rồi mới nhận được hàng, tiền từ nước ngoài.

Vì nhẹ dạ, ham lợi, nghĩ rằng mình sẽ nhận được món quà giá trị lớn, sớm hoàn tất các thủ tục để gặp "người yêu" nên nhiều chị em đã trút hầu bao, thậm chí vay mượn nóng để đóng các khoản phí theo yêu cầu mà không hay mình đã mắc bẫy "tình ảo"…

Chị Nguyễn Thị T. T. (SN 1976, trú tại Đà Nẵng) cho biết: Sau khi ly hôn, chị T. trở thành một phụ nữ đơn thân, nuôi con với một khối tài sản được phân chia trị giá nhiều tỉ đồng cùng căn home stay 10 phòng ở khu phố Tây - An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng).

Tuy có thu nhập ổn định, nhưng chị T.T lại luôn cảm thấy hụt hẫng tình cảm nên thường lên mạng xã hội để kết bạn, trò chuyện. Nhờ vốn tiếng Anh khá, lại ở khu phố Tây, tiếp xúc với nhiều khách nước ngoài nên chị T.T cũng rất thoải mái khi được một vị khách người Mỹ "rất yêu Đà Nẵng" chủ động kết bạn làm quen trên facebook. Sau một thời gian ngắn trò chuyện tâm đầu ý hợp, vị khách người Mỹ này đã ngỏ lời yêu và thậm chí còn muốn đưa cả hai mẹ con chị T.T ra nước ngoài sinh sống…

Giữa "cơn say tình yêu trở lại" thì chị T.T đã nhận tiếp lời đề nghị của người tình: Do đang trong giai đoạn "khủng hoảng tài chính" nên nhờ chị chuyển ít kinh phí để anh ta làm thủ tục "bảo lãnh định cư" tại Mỹ cho cả hai mẹ con chị T.T…

Trước ngày chị T.T ra ngân hàng để chuyển tiền cho bạn trai ngoại quốc, tình cờ chị T.T đã tâm sự chuyện "yêu xa và sắp ra nước ngoài" với cô bạn thân. Nào ngờ, khi khoe ảnh người tình ngoại quốc trên facebook thì cô bạn thân lại phát hiện chính cái gã có facebook tên Nicolai mà chị T.T đang "yêu xa" cũng đang "thả thính" cô.

Cô bạn thân của T.T. còn cho biết, gã Nicolai này cũng đang hứa hẹn sẽ đưa cô ra nước ngoài, kết hôn và sinh sống cùng gã… nhưng hiện giờ gã cần trên 30 nghìn USD để lo các "thủ tục, nhập cư ban đầu"…

Cơ quan chức năng nhận định, phương thức thủ đoạn của các đối tượng này có sự liên kết ở trong nước và nước ngoài. Điều này gây khó khăn cho công tác điều tra, bắt giữ. Cơ quan chức năng khuyến cáo, chỉ có sự tỉnh táo của các nạn nhân mới là yếu tố tiên quyết giúp họ thoát ra được cái bẫy tinh vi này. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn.

Cảnh báo nguyên nhân nhiều phụ nữ sa bẫy các đối tượng kết nối với người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng: Những đối tượng lừa đảo thường tìm những phụ nữ sống đơn thân, thiếu thốn tình cảm.

Để tạo dựng niềm tin, các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng một số đặc điểm tâm lý của người bị hại như: Sự chi phối, ràng buộc của tình cảm, lòng tham của người bị hại, sự thiếu từng trải, vốn kinh nghiệm sống ít của người bị hại hay sự cô đơn, hoàn cảnh, lối sống đặc biệt của bị hại để dẫn dụ rồi chiếm đoạt tài sản…

Có thể nói, tội phạm lừa đảo hiện nay hoạt động rất tinh vi với những thủ đoạn khó lường. Do vậy, bản thân mỗi người cần phải tự tìm hiểu, nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi lời "dụ dỗ" của người lạ, đặc biệt là "bạn chat", tình online để tự phòng vệ cho bản thân.

Hoài Thu

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/quang-nam-tinh-ao-trai-tay-va-nhung-cu-lua-tien-ti-539932/