Tỉnh An Giang: Chủ động phòng, chống cháy rừng

Là địa phương có diện tích rừng đồi núi lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, trước tình hình khô hạn đang diễn ra gay gắt và khốc liệt, tỉnh An Giang đã chủ động tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng (PCCR); phát huy tốt vai trò nòng cốt của các lực lượng, trong đó có LLVT tham gia bảo vệ rừng.

100% diện tích rừng đồi núi đang ở cấp cháy cực kỳ nguy hiểm

Những ngày đầu tháng 3, đi theo những con đường lên núi Sam (Châu Đốc, An Giang) và núi Phú Cường (Tịnh Biên, An Giang), ai cũng dễ dàng cảm nhận được sự khốc liệt của mùa khô năm nay. Không như mọi năm, ở thời điểm này rừng trên núi đã chuyển sắc thấy rõ. Từng vạt rừng như chết khô, cây lá xác xơ, vàng úa vì nắng hạn. Dưới tán rừng, thảm thực vật cũng khô cong, xám ngoét, có cảm giác như nhìn thấy rõ hơi nóng bốc lên ngùn ngụt. Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang chia sẻ: "Tình hình đang rất nguy cấp, từ ngày 3-3, ban quản lý rừng đã đặt toàn bộ các lực lượng trực thuộc trong tình trạng sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xấu xảy ra; tăng cường phối hợp với các lực lượng có liên quan tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm và rà soát, bố trí hợp lý dụng cụ, phương tiện PCCR".

Tỉnh An Giang có 10.260ha rừng phòng hộ và đặc dụng. Diện tích rừng phần lớn tập trung ở đồi, núi, trải dài qua các huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và TP Châu Đốc. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, hiện toàn bộ diện tích rừng đồi núi của tỉnh đang cảnh báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm; nền nhiệt đang ngày càng tăng cao, thảm thực vật dưới chân rừng trở thành vật liệu dễ cháy, khi bắt lửa sẽ dễ xảy ra cháy lớn và lan nhanh trên diện rộng, đe dọa đến tài nguyên rừng.

 Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9 tham gia chữa cháy rừng tại khu vực núi Cấm (ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), trong hai ngày 3 và 4-3.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9 tham gia chữa cháy rừng tại khu vực núi Cấm (ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), trong hai ngày 3 và 4-3.

Theo ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang: Trước tình hình trên, ban quản lý rừng đã xây dựng và củng cố lực lượng của đơn vị được gần 220 người, trong đó có 70 người được thuê bảo vệ rừng. Bố trí dụng cụ, phương tiện tại 131 điểm với 38 máy chữa cháy (đồng bằng và đồi núi), 76 máy chữa cháy đeo vai, hơn 1.750 can nhựa chứa nước (loại 10 lít/can) và hơn 500 dụng cụ chữa cháy, dập lửa thủ công. Ông Nhân cũng cho biết, đơn vị phối hợp với các lực lượng xây dựng hơn 27,19ha đường băng cản lửa tại các khu vực trọng điểm cháy trên địa bàn huyện Tịnh Biên và TP Châu Đốc như: Núi Phú Cường, núi Cấm, núi Sam, rừng tràm Trà Sư; đốt chủ động 21ha rừng hỗn tạp ven các trục lộ giao thông, các con đường ven chân núi để phòng ngừa cháy rừng.

Lực lượng vũ trang phát huy tốt vai trò nòng cốt bảo vệ rừng

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang, từ đầu mùa khô (tháng 11-2019) đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 10ha rừng các loại (tràm, keo, điều, tầm vông). Các vụ cháy rừng xảy ra chủ yếu tại huyện Tịnh Biên, nơi tập trung hơn một nửa diện tích rừng của tỉnh. Ông Phan Văn Nghiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tịnh Biên cho biết: Trong tất cả các vụ cháy rừng, LLVT (của địa phương và Quân khu 9 đóng quân trên địa bàn) đều nhanh chóng được huy động, có mặt kịp thời, phối hợp với các lực lượng chữa cháy rừng hiệu quả.

Mới đây nhất, trong ngày 3 và 4-3, một vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực núi Cấm (ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), nhờ có sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị LLVT, vụ cháy chỉ gây thiệt hại khoảng 6ha rừng. Thiếu tá Đinh Văn Huynh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Tịnh Biên cho biết: Ngay khi xuất hiện cháy, 60 lực lượng dân quân của huyện cùng 20 cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban CHQS huyện Tịnh Biên đã có mặt tại hiện trường, triển khai các phương án chữa cháy đã được luyện tập, diễn tập thường xuyên trước đó.

Trong vụ cháy này, Sư đoàn 330, Quân khu 9 đã điều động hơn 480 lượt cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường, phối hợp với các lực lượng tích cực chữa cháy. Thiếu tá Bùi Hữu Nghĩa, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 309 (Trung đoàn 1, Sư đoàn 330) cho biết: Mặc dù khu vực cháy có địa hình hiểm trở, khó tiếp cận, xa nguồn nước nhưng với quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã sử dụng mọi phương tiện để dập lửa, dọn hành lang cách ly đám cháy.

Đại úy Ngô Trường Giang, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 511 (Trung đoàn 892, Bộ CHQS tỉnh An Giang) nhớ lại: Tuy đóng quân cách xa hiện trường, khi được lệnh của cấp trên, đơn vị đã tổ chức cho 140 lượt cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng tiếp cận đám cháy, bố trí lực lượng chuyển từng can nhựa chứa nước từ điểm tập kết dưới chân núi lên để dập lửa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có sự chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng, các đơn vị LLVT trên địa bàn tỉnh An Giang đều xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống cháy nổ, cháy rừng và thường xuyên tổ chức luyện tập phương án; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, ngành chức năng của địa phương trong công tác bảo vệ rừng. Hàng năm, Bộ CHQS tỉnh An Giang và Sư đoàn 330 (Quân khu 9) đều ký kết quy chế phối hợp với ngành chức năng địa phương triển khai các hoạt động bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Chiều 7-3, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đỗ Minh Nhẫn, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 330 cho biết: Hiện nay đơn vị đã bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện sẵn sàng chiến đấu và các kế hoạch phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ký hiệp đồng với các địa phương thuộc hai tỉnh An Giang, Kiên Giang trong công tác bảo vệ rừng; tổ chức luyện tập các phương án nhằm nâng cao khả năng cơ động cho cán bộ, chiến sĩ và trình độ chỉ huy, hiệp đồng của cán bộ khi có tình huống xảy ra.

Bài và ảnh: HỒNG ĐĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/tinh-an-giang-chu-dong-phong-chong-chay-rung-611744