Tin yêu, mong đợi kỳ tích mới của văn chương Việt Nam

Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025). Dân tộc Việt Nam vốn quý trọng văn chương, ngưỡng mộ các tài năng văn nghệ sĩ, vì vậy, người dân, công chúng rất mong đợi đội ngũ nhà văn Việt Nam trong những năm tới tiếp tục gắn bó, đồng hành với đất nước, nỗ lực đổi mới, bứt phá, sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn chương giá trị, góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn, cốt cách và làm rạng rỡ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

1. Tấm thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhìn qua giống như bao tấm thẻ hội viên mọi ngành nghề trên đời, cũng ghi tên tuổi, năm vào hội, chuyên ngành... nhưng đằng sau đó, tấm thẻ là sự chứng nhận một danh xưng danh giá: Nhà văn. Thế nên mới có chuyện một cây bút vừa được kết nạp vào hội đã làm lễ “rước thẻ” về làng chẳng khác nào trạng nguyên vinh quy bái tổ. Từ giờ, cả làng, cả xã, cả huyện có thể tự hào là đất văn hiến, hun đúc tài năng một nhà văn. Hội Nhà văn Việt Nam ra đời năm 1957 song tâm lý nể trọng danh xưng nhà văn thì đã có từ ngàn đời. Trong xã hội nông nghiệp truyền thống, người dân gắn bó với đồng ruộng, ước mơ vươn lên tầng lớp sĩ phu thật mãnh liệt. Có học, có chữ mới mong thi đỗ làm quan đổi đời; mà nếu chẳng may "học tài thi phận" thì cũng trở thành ông đồ dạy chữ thánh hiền, bốc thuốc, tử vi tướng số, được nể trọng trong làng ngoài tổng. Mà người có chữ mới đọc được sách, mới làm được thơ, viết được văn xuôi lịch sử theo lối chương hồi... tóm lại là có khả năng sáng tác văn chương. Đó là chưa kể người có chữ, hay văn thơ thường hiểu và sống có lý tưởng, đạo đức; trở thành tấm gương để người dân nhìn vào.

Ấy là chuyện thời trung đại. Đến thời hiện đại, những sĩ phu luôn đi đầu, lãnh đạo các phong trào yêu nước dùng văn chương để “chiêu hồn nước”, là vũ khí sắc bén phục vụ sự nghiệp cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến, sức mạnh văn chương chẳng khác nào một binh chủng, mỗi con chữ như một người lính xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Những tác phẩm của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Mai, Nguyễn Thi, Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu... đã cổ vũ động viên tinh thần quân dân nỗ lực sản xuất, chiến đấu, làm nên những chiến công tạc vào thế kỷ. Vậy là trong quá khứ lẫn hiện tại, vị thế của văn chương và những đóng góp của các thế hệ nhà văn rất lớn. Văn chương là nghệ thuật ngôn từ ra đời từ khi dân tộc ý thức được sự tồn tại, bước đầu xây dựng nền văn minh. Chẳng quá lời khi có người nói chỉ cần đọc tác phẩm văn chương là có thể hiểu cá tính, tâm hồn dân tộc, trình độ văn hiến của một đất nước, đúng như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”.

Ở nước ta vẫn có truyền thống trọng sự chính danh, danh xưng nhà văn trong nhận thức của dư luận phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc ít ra cũng là hội viên chuyên ngành văn học trong hội văn học nghệ thuật địa phương nào đó. Đành rằng hiện nay, nhiều cây bút tài năng có đóng góp cho văn học nước nhà không phải là hội viên nhưng xét về số lượng chỉ là thiểu số. 1.092 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vẫn là những cây bút chủ lực, là diện mạo đội ngũ sáng tác, có nhiều tác phẩm giá trị đóng góp cho đời sống văn chương nước nhà. Đó là lý do vì sao Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn hội viên luôn được sự quan tâm, động viên, chăm lo của Đảng, Nhà nước; sự ngưỡng mộ, tin tưởng, kỳ vọng của người dân.

2. Dù bàn luận góc độ nào, câu chuyện văn chương cuối cùng vẫn phải quay về vấn đề tác phẩm. Đánh giá, định vị tài năng của cá nhân, sức sống của thể loại hay sự lớn mạnh của một nền văn học phải quy chiếu về chất lượng tác phẩm. Làm nên chất lượng tác phẩm văn học theo quan điểm ngày xưa là do năng lực sáng tác của cá nhân nhà văn. Ngày nay, một lý thuyết mới trong nghiên cứu văn chương là “thuyết người đọc” (reader theory) cho rằng: Giá trị tác phẩm còn do người đọc cung cấp, thêm vào văn bản nhà văn sáng tác. Từ đây làm nảy sinh nhiều vấn đề trong đời sống văn chương Việt Nam đương đại như: Nhà văn không chỉ sáng tác theo cảm hứng cá nhân mà cần “tương tác”, chú ý nhu cầu độc giả; sáng tác phải đi cùng với công tác quảng bá; cần có thị trường văn hóa đủ lớn mạnh để đưa các tác phẩm văn học vượt ra ngoài khuôn khổ những trang sách, trở thành chất liệu của ngành công nghiệp văn hóa...

Có lẽ chưa khi nào văn chương Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức như hiện nay. Điều ai cũng thấy rõ là văn chương chịu sự cạnh tranh của truyền thông đại chúng, nghệ thuật giải trí đa phương tiện... Văn học từ chỗ là trung tâm của đời sống văn hóa bắt đầu dịch chuyển ra ngoại biên. Đã lâu lắm rồi, dư luận cả nước bàn tán xôn xao về một tác phẩm như “Chân dung đối thoại” của Trần Đăng Khoa, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư... Cũng rất lâu rồi chưa xuất hiện thêm tác phẩm ăn khách nào cạnh trạnh với “ông vua” sách bán chạy Nguyễn Nhật Ánh. Làn sóng đổi mới văn chương mạnh mẽ cũng đã cách đây hơn 20 năm với sự xuất hiện của Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Bảo Ninh, Phan Triều Hải... Vấn đề nằm ở công chúng bớt yêu thích văn chương hay là có ít tác phẩm lớn chinh phục độc giả ngày càng khó tính?

Với một lĩnh vực đặc biệt tinh tế, luôn biến động không ngừng, rất khó đưa ra những đoán định, dự báo chính xác nếu không có những cuộc điều tra xã hội học nghiêm túc, kỹ lưỡng. Quả là trong đời sống gấp gáp, thời gian còn quý hơn vàng, nếu chẳng phải do công việc hay có mối quan tâm đặc biệt đến văn chương, giữa việc bỏ ra hơn một giờ xem bộ phim điện ảnh với cả tuần lễ đọc một cuốn tiểu thuyết, đồ rằng đa số chúng ta hiện nay chọn xem phim hơn đọc tiểu thuyết. Thế nhưng tình cảnh văn chương không đến mức chỉ nhìn thấy màu xám nếu chứng kiến hàng nghìn người, nhất là các bạn trẻ xếp hàng để xin chữ ký mỗi khi Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Phong Việt ra tác phẩm mới. Trên môi trường mạng xã hội, những bài thơ như “Lá xanh” (1997) của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: “Người vá trời lấp bể/ Kẻ đắp lũy xây thành/ Ta chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh” hay được các bạn trẻ đăng tải. Độc giả chẳng quan tâm bài thơ của ai, họ yêu thích vì đơn giản bài thơ đã đi vào lòng người, nói hộ tâm trạng, cá tính của rất nhiều người.

Vị thế văn chương có thể không được như trước nhưng sức sống văn chương thì mãi trường tồn. Không riêng gì Việt Nam, bất cứ quốc gia nào cũng vậy, kể cả những quốc gia có nền công nghiệp văn hóa giải trí hàng đầu, chẳng ai có thể thờ ơ với tác phẩm văn chương-sản phẩm văn hóa tinh thần tinh túy viết bằng tiếng mẹ đẻ, mang hồn cốt văn hóa, chiều sâu tâm hồn dân tộc. Điều chúng ta cần là những tài năng văn học lớn mới có những tác phẩm lớn; đồng thời kích thích văn hóa đọc, tình yêu văn học ở hết lớp bạn đọc này đến lớp bạn đọc khác.

3. Nhiều người luôn kỳ vọng Hội Nhà văn Việt Nam - tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp tự nguyện của các nhà văn Việt Nam - sẽ góp phần chấn hưng văn học nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Điều này là có thể thực hiện nhưng không phải một cách trực tiếp, cụ thể kiểu mệnh lệnh hành chính, "cầm tay chỉ việc". Công việc sáng tác vốn là công việc cô đơn của cá nhân người cầm bút. Hội Nhà văn Việt Nam chỉ có thể định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người viết chứ không thể viết thay nhà văn được. Những năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã nỗ lực mở các trại viết, tổ chức đi sáng tác, phối hợp với các bộ, ban, ngành mở các cuộc thi, các hoạt động bồi dưỡng, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư sáng tác... Về cơ bản, đó là những hoạt động thiết thực nhưng chưa có nhiều đổi mới phương thức tổ chức để có thể thúc đẩy sáng tác phát triển bề rộng lẫn chiều sâu. Ví dụ rõ nhất là câu chuyện quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, dù đã tổ chức vài hội nghị quảng bá văn học Việt Nam, thành lập trung tâm dịch văn học nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.

Để làm tốt chức năng của mình, Hội Nhà văn Việt Nam cũng không thể tự mình đóng nhiều vai mà cần sự chung tay giúp sức của toàn xã hội. Chuyện vi phạm bản quyền xuất bản, Hội Nhà văn Việt Nam lên tiếng bảo vệ quyền lợi hội viên nhưng chẳng thể trực tiếp đi xử lý. Hay là Hội Nhà văn Việt Nam có thể vận động xã hội hóa để có thêm kinh phí hoạt động chuyên môn, trao các giải thưởng giống như cách các tổ chức văn học nghệ thuật nước ngoài bấy lâu nay làm rất tốt. Nhưng ở nước ta, các khoản tài trợ này đều phải chịu thuế trong khi ở nhiều nước lại được miễn.

Trong khó khăn thử thách, các hội viên và bạn đọc rất mong chờ sự đổi mới quyết liệt trong hoạt động, việc làm của Hội Nhà văn Việt Nam. Không có gì tự hào hơn với Hội Nhà văn Việt Nam khi góp phần hỗ trợ cho hội viên trong quá trình tạo ra tác phẩm văn chương lớn có tác động, ảnh hưởng, sức lan tỏa đến đời sống văn hóa nước nhà, đủ tầm vươn ra thế giới. Đó mới đích thực là kỳ tích, thể hiện cái tầm, cái tâm của Hội Nhà văn Việt Nam trong bối cảnh mới, viết tiếp trang sử hơn 60 năm rất đỗi tự hào là mái nhà chung của các nhà văn Việt Nam.

TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tin-yeu-mong-doi-ky-tich-moi-cua-van-chuong-viet-nam-644912